Regina Hartley đã lấy bằng cử nhân Khoa học chính trị tại SUNY Binghamton và thạc sĩ lĩnh vực giao tiếp nội bộ từ Fairleigh Dickinson University. Bà cũng có chứng nhận Chuyên viên Nhân lực cao cấp (SPHR) của HRCI.
Bạn sẽ khó thể bỏ qua những chia sẻ về kinh nghiệm của một người có bề dày kiến thức và trải nghiệm thực tế như vậy. Và dưới đây là bài học mà chuyên gia nhân lực cao cấp Regina Hartley dành cho các nhà tuyển dụng (nội dung được lược dịch từ video clip của TED).
Công ty của bạn đang tuyển nhân viên. Đơn xin việc làm được gửi đến, và những ứng cử viên tốt nhất đã được lọc ra. Vòng chọn lựa bắt đầu.
Ứng cử viên A: Đại học danh tiếng, GPA 4.0, sơ yếu lý lịch tuyệt vời, thư giới thiệu cho ý kiến tốt – đều là những điểm nhấn ấn tượng. Ứng cử viên B: Tốt nghiệp từ trường của bang, đã từng làm nhiều công việc khác nhau như thu ngân, nhân viên phục vụ bàn kiêm ca sĩ. Hãy nhớ rằng, cả hai người này đều đáp ứng đủ điều kiện mà công ty yêu cầu. Vậy tôi hỏi bạn: Nếu là bạn, bạn sẽ chọn người nào?
Tôi cùng đồng nghiệp gọi hai dạng ứng cử viên như trên bằng những thuật ngữ chính thức sau. Chúng tôi gọi A là Chiếc Muỗng Bạc (The Silver Spoon) – người có lợi thế rõ ràng và chắc chắn sẽ thành công; và B là Đấu sĩ (The Scrapper) – người phải đấu tranh với những rủi ro lớn để có thể tới được đích đến tương tự.
Sơ yếu lý lịch cho biết lịch sử của một người. Trong nhiều năm qua tôi đã học được vài điều về một số người mà kinh nghiệm của họ giống như một mảnh chăn vá lỗ chỗ, làm tôi phải dừng lại và xem xét một cách kỹ lưỡng, trước khi ném sơ yếu lý lịch của họ sang một bên. Một loạt những công việc kỳ lạ có thể cho thấy sự thiếu ổn định, thiếu tập trung, khó đoán, hoặc chúng có thể là dấu hiệu cho sự quyết tâm đấu tranh chống lại những trở ngại, mà ít nhất khiến cho Đấu sĩ xứng đáng có một cuộc phỏng vấn.
Để cho rõ ràng, tôi phải nói rằng tôi không có bất kỳ định kiến gì đối với những người thuộc dạng Chiếc Muỗng Bạc. Việc vào được cũng như tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự hy sinh. Nhưng nếu cả cuộc đời của bạn đã được dẫn dắt để luôn đạt được thành công, làm thế nào bạn có thể xử lý những tình huống khó khăn? Một người mà tôi từng thuê cảm thấy rằng bởi vì anh ta tốt nghiệp từ trường đại học giỏi, có một số công việc là quá tầm thường so với khả năng của anh ta, ví dụ như việc làm nhân viên thủ công tạm thời để giúp hiểu rõ hơn quy trình hoạt động. Dần dần sau đó, anh ta xin nghỉ việc.
Mặt khác, điều gì sẽ xảy ra khi cả cuộc đời bạn đã được dự đoán là sẽ luôn thất bại, nhưng bạn lại thực sự vươn tới được thành công? Tôi khuyến khích bạn phỏng vấn những người thuộc về dạng Đấu sĩ kia.
Tôi hiểu rõ về vấn đề này bởi vì tôi là một Đấu sĩ. Trước khi tôi sinh ra, bố của tôi được chẩn đoán là mắc chứng hoang tưởng tâm thần phân liệt, và ông ấy không thể tìm được một công việc cho dù là một người cực kỳ thông minh. Tôi là đứa thứ tư trong số năm đứa con được nuôi lớn bởi một người mẹ độc thân, trong một khu dân cư nghèo ở Brooklyn, New York. Chúng tôi chưa từng sở hữu một căn nhà riêng, một chiếc xe hơi, một cái máy giặt. Trong phần lớn tuổi thơ của tôi, chúng tôi còn không có được một chiếc điện thoại bàn.
Tôi hiểu rất rõ mối quan hệ giữa việc thành công trong kinh doanh và các Đấu sĩ, bởi vì cuộc sống của tôi đã có thể dễ dàng thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Khi tôi gặp những doanh nhân thành công và đọc hồ sơ của các nhà lãnh đạo quyền lực, tôi nhận ra một vài điểm tương đồng giữa họ. Rất nhiều người trong số họ đều từng trải qua một thử thách cuộc sống nào đó, từ sự nghèo túng, bị bỏ rơi, cái chết của bố mẹ khi họ còn nhỏ, cho đến những khó khăn trong việc học, nghiện rượu, và bị đánh đập.
Một suy nghĩ phổ biến là các khó khăn sẽ dẫn đến sự kiệt sức, và đã có rất nhiều ví dụ cho sự rối loạn chức năng. Thế nhưng trong các nghiên cứu về rối loạn chức năng, dữ liệu thu thập được cho thấy một khả năng nhìn nhận sâu sắc rằng ngay cả những tình huống tồi tệ nhất cũng có thể đem lại sự phát triển và biến đổi theo hướng tích cực. Đáng chú ý là một hiện tượng đi ngược lại với dự đoán đã được khám phá ra, và các nhà khoa học gọi nó là “sự tăng trưởng sau chấn thương” (post traumatic growth).
Trong một nghiên cứu về những tác động của sự vất vả, khó nhọc đối với trẻ em, 1/3 trong số 698 đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương nhất đã lớn lên và xây dựng cuộc sống thành công cả về sự nghiệp lẫn sức khỏe. Mặc cho mọi khó khăn và thử thách, họ đã thành công!
Hãy xem một hồ sơ: Bố mẹ của anh chàng này đã từ bỏ anh cho cô nhi viện, anh ấy chưa học xong đại học, làm nhiều công việc khác nhau, tạm trú ở Ấn Độ một năm, mắc chứng khó đọc. Bạn có muốn thuê anh chàng này không? Tên của anh ta là Steve Jobs.
Một nghiên cứu về những doanh nhân thành đạt nhất cho thấy một con số không hề nhỏ người mắc chứng khó đọc. Ở Mỹ nói riêng, 35% doanh nhân mắc chứng bệnh này. Điều đáng chú ý là các doanh nhân đã trải nghiệm qua “sự tăng trưởng sau chấn thương” này giờ đây coi khó khăn của họ là “khó khăn đáng mong muốn”, vì nó cung cấp cho họ một lợi thế để họ trở thành người biết lắng nghe và có độ chú ý cao hơn cho những chi tiết nhỏ. Họ không nghĩ rằng họ là chính họ, mặc kệ những “vận đen” mà họ nhận phải. Họ biết rằng họ là chính mình bởi vì những “vận đen” đó. Họ chấp nhận những khó khăn, coi chúng là những “chìa khóa” làm nên con người của họ, và hiểu rằng nếu không có những trải nghiệm đó, họ đã không thể có được sức lực cần thiết để trở nên thành công.
Cuộc đời một đồng nghiệp của tôi đã thay đổi hoàn toàn sau cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc năm 1966. Vào năm 13 tuổi, gia đình anh ấy bị chuyển tới một vùng quê. Các trường học bị đóng cửa, và anh ấy bị bỏ lại một mình ở Bắc Kinh, tự nuôi bản thân. Đến khi được 16 tuổi, anh tìm được một việc làm tại một nhà may, nhưng thay vì chấp nhận số phận, anh ấy đã quyết tâm sẽ tiếp tục việc học chính thức của mình. 11 năm sau, khi bộ máy chính trị thay đổi, anh ấy nghe được thông tin về một bài thi vào một trường đại học có tính chọn lọc khá cao. Anh có 3 tháng để học hết giáo trình cấp 2 và cấp 3. Vì thế hằng ngày, anh đi làm ở nhà may về, ngủ một lúc, học đến 4 giờ sáng, trở lại làm việc, và lặp lại vòng quay này trong 3 tháng. Anh ấy đã làm được. Anh ấy đã thành công. Lời cam kết anh dành cho việc tiếp tục con đường học tập thật vững vàng, và anh chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. Ngay hôm nay, anh ấy có bằng thạc sĩ. Các con gái của anh người tốt nghiệp Cornell, người tốt nghiệp Harvard.
Các Đấu sĩ luôn thúc đẩy bản thân tin rằng người duy nhất mà bạn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát chính là bản thân bạn. Khi mọi thứ không diễn ra theo chiều hướng tốt, Đấu sĩ thường tự hỏi họ phải làm khác đi những gì để có thể đạt được kết quả tốt hơn.
Các Đấu sĩ luôn có nhận thức rõ ràng giúp ngăn cản việc họ chịu thua trước bản thân. Giống như là nếu bạn đã vượt qua được sự nghèo túng, một người cha tâm thần, và một số kinh nghiệm khờ dại, bạn sẽ nhận ra rằng, “Thử thách trong kinh doanh ư? Dễ như ăn bánh! Tôi sẽ vượt qua cho mà xem!”. Và điều này gợi nhắc tôi rằng, các Đấu sĩ biết rằng sự hài hước sẽ giúp bạn vượt qua thời điểm khó khăn, và tiếng cười giúp bạn thay đổi hướng nhìn của mình.
Và cuối cùng là những mối quan hệ giữa người và người. Những người vượt qua được hoàn cảnh khó khăn không thể làm hết một mình. Đâu đó trên hành trình của họ, họ tìm được những người giúp họ nhận ra điều tốt nhất trong bản thân, và những người đặt niềm tin vào thành công của họ. Có ai đó để bạn luôn tin cậy là điều rất cần thiết, để bạn vượt qua khó khăn. Tôi đã rất may mắn khi làm công việc đầu tiên sau đại học. Tôi không có xe riêng nên đã đi nhờ xe của một phụ nữ là trợ lý của ngài tổng thống. Cô ấy dõi theo công việc của tôi, động viên tôi nhìn thẳng về tương lai và đừng níu kéo những gì đã trôi qua. Trên chặng đường của mình, tôi đã gặp được rất nhiều người không ngại cho tôi những ý kiến, lời khuyên, cũng như sự trợ giúp chân thành và hữu ích. Những người này không quan tâm rằng tôi từng làm bồi bàn kiêm ca sĩ để kiếm tiền học đại học.
Tôi sẽ nói cho bạn một thông tin quý giá cuối cùng. Những công ty coi trọng sự đa dạng và thực hành thường ủng hộ các Đấu sĩ, và làm tốt hơn các đối thủ của họ. Theo Diversity Inc., một nghiên cứu về top 50 công ty đề cao sự đa dạng hoạt động hiệu quả hơn tới 25% so với các công ty trong S&P 500.
Vậy trở lại với câu hỏi ban đầu của tôi: Bạn sẽ đặt cược vào người nào? Chiếc Muỗng Bạc, hay Đấu sĩ? Theo tôi, hãy chọn người bị đánh giá thấp hơn nhưng có vũ khí bí mật là lòng nhiệt huyết và mục tiêu cao. Đó là Đấu sĩ!
Theo DNSG