“Các hãng hàng không khác cạnh tranh rất khốc liệt. Họ như cá mập ngửi thấy máu vậy”, Bloomberg dẫn lời Phó chủ tịch điều hành EVA Airways nhận xét về thị trường tại Việt Nam.
Vào một buổi tối mưa phùn ở sân bay Tân Sơn Nhất, các nhân viên điều khiển vẫn bận rộn điều phối chất hàng lên khoang chiếc Airbus A320 đang chuẩn bị lên đường tới Hong Kong.
“Nhìn xem, khoang đầy chật hàng. Đây là biểu tượng cho thương mại Việt Nam trong cuối năm, chúng ta sẽ có một quý IV sôi động”, Giám đốc DHL Express tại Việt Nam – ông George Berczely – vui vẻ nói trong lúc kiểm hàng.
DHL đang hưởng lợi từ hoạt động vận chuyển qua đường hàng không bùng nổ tại Việt Nam. Thị trường vận chuyển tăng trưởng nhanh bậc nhất khu vực, thu hút các hãng hàng không tên tuổi như Cathay Pacific Airways và Korean Air Lines gia nhập sân chơi.
Điểm sáng xuất khẩu
Vai trò của xuất khẩu tại Việt Nam đang dần được củng cố, bù đắp phần nào cho ngành ngân hàng đang chật vật, còn doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ xấu, Bloomberg nhận xét.
Việt Nam đang dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á trong kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ. Tổng giá trị có thể tăng 19% chạm 29 tỷ USD trong năm 2014, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam ước tính.
“Chúng tôi dự đoán xuất khẩu sẽ đóng góp khoảng 80% GDP trong năm nay”, bà Trinh Nguyên, chuyên gia tại HSBC Holdings Hong Kong nhận xét.
Giống DHL, United Parcel Service (UPS) cũng đang hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu bùng nổ tại Việt Nam.
“Chúng tôi vừa có một quý III khởi sắc. Khối lượng hàng hóa sử dụng dịch vụ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước “, ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS tại Việt Nam cho hay.
Vận chuyển hàng không đóng góp không nhỏ vào xu hướng này. Năm 2013, các sân bay nội địa xử lý 770.000 mét khối tấn hàng hóa, tăng 67% so với năm 2010, theo số liệu Cục hàng không dân dụng Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải dự đoán khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường không sẽ tăng 23% trong năm 2014.
“Trong vài năm qua, chúng tôi quan sát thấy Việt Nam vượt trội so với các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực xuất khẩu bằng đường hàng không”, ông Marco Bloemen, Phó chủ tịch tại công ty tư vấn hậu cần và vận tải hàng không Seabury Cargo Advisory nhận định.
Tay chơi đa quốc gia
Nhu cầu vận tải tăng một phần bắt nguồn từ những công ty đa quốc gia như Suwon, Samsung, LG và nhà cung cấp Wintek của Apple. Các công ty này sản xuất hàng điện tử tại Việt Nam, cần hàng hóa được vận chuyển một cách nhanh chóng.
Điển hình như Samsung, công ty này sẽ vận hành một nhà ga chuyên dụng dành cho hãng tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào cuối năm 2015.
Còn DHL-VNPT Express, một đơn vị của DHL, đã mở đường bay mới nối TP.HCM với Hong Kong để đáp ứng nhu cầu tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á của DHL, ông Berczely cho biết.
“Cá mập thấy máu”
Nhiều hãng hàng không cũng có động thái phản ứng. Công ty Taoyuan của hãng hàng không EVA Airways của Đài Loan đã tăng chuyến chở hàng tới Hà Nội từ 2 lên 3 chuyến/tuần trong hai năm vừa qua.
Công ty cũng đang lên kế hoạch bổ sung thêm một đường bay chở khách thường nhật nối Đài Bắc và TP.HCM, kiêm chở hàng trong năm 2015.
“Chúng tôi đang chở rất nhiều hàng điện tử ra vào Việt Nam. Các hãng hàng không khác cạnh tranh rất khốc liệt. Họ như cá mập ngửi thấy máu vậy”, ông Glenn Chai, Phó chủ tịch điều hành EVA Airways so sánh.
Trong tháng Tám, Cathay cho biết dự kiến sẽ bổ sung dịch vụ tại các địa hạt sản xuất ở Trung Quốc Đại Lục, Việt Nam và Mexico.
Khối lượng hàng hóa sử dụng dịch vụ của UPS tại Việt Nam tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Korean Air đang hướng tới mở rộng hoạt động tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ Latin, đại diện hãng tuyên bố vào đầu năm.
Các hãng hàng không quốc tế thường bị cuốn hút bởi những thị trường trong đó cho phép vận chuyển hàng bằng máy bay chở khách, ông Tony Tyler, Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế trả lời phỏng vấn tại Hà Nội trong tháng Tám.
“Đây là yếu tố khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn”, ông nhận xét.
Theo Bizlive