Mở rộng cơ hội cho nhân viên

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của một nhà lãnh đạo là tạo ra các cơ hội cho nhân viên – cơ hội để học hỏi, phát triển và thành công.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Virginia Rometty, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của IBM, cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo hiện tượng “sự phát triển nghề nghiệp và sự thoải mái của nhân viên thường không song hành”.
Nói cách khác, nhân viên có thể cảm thấy chưa an tâm, thoải mái với các cơ hội do nhà lãnh đạo vạch ra cho họ và có thể từ chối các cơ hội ấy. Khi đó, nhiệm vụ tiếp theo của nhà lãnh đạo là giúp nhân viên thoát ra “vùng an toàn” của họ.
Trong cuốn Leaders Open Doors (tạm dịch: Mở cửa cơ hội cho nhân viên), tác giả Bill Treasurer, nhà sáng lập của Giant Leap Consulting, gọi nhiệm vụ nói trên là “mở cửa cơ hội cho nhân viên” (open-door leadership). Theo đó, nhà lãnh đạo cần phải tạo ra và chuyển giao các cơ hội cho nhân viên, giúp họ phát triển nghề nghiệp, tăng khả năng thành công trong tương lai. Bằng cách này, nhà lãnh đạo cũng có thể góp phần tạo ra một đội ngũ các nhà quản lý và lãnh đạo kế cận cho doanh nghiệp.
Treasurer đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các nhà lãnh đạo mở cửa cơ hội cho nhân viên.
1. Tìm hiểu nhân viên. Nhà lãnh đạo cần dành thời gian để tìm hiểu từng nhân viên như những cá nhân chứ không chỉ nhận biết họ qua tên gọi và làm việc với họ như những cỗ máy. Nên biết về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, các nhu cầu, mong muốn và các mục tiêu trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống của họ.
2. Đặt nhân viên vào đúng các cơ hội. Nhà lãnh đạo cần tạo ra những cơ hội phù hợp với năng lực và nguyện vọng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp của từng nhân viên. Nên tự đặt ra câu hỏi: “Việc theo đuổi cơ hội này sẽ đem đến sự tiến bộ và phát triển nhất cho những nhân viên nào? Nhân viên nào hội đủ các kỹ năng và thái độ tốt nhất để theo đuổi cơ hội ấy?”.
3. Chỉ ra những kết quả mong đợi. Nhà lãnh đạo cần đánh giá về khả năng, mức độ mà các cơ hội có thể đem đến những kết quả, lợi ích như mong đợi cho doanh nghiệp và cho bản thân các nhân viên như thế nào. Chẳng hạn, một cơ hội cụ thể nào đó có thể giúp doanh nghiệp thâm nhập vào một thị trường mới đầy hấp dẫn nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân viên được phát triển và đạt được những mục tiêu nghề nghiệp mà họ đã vạch ra. Tạo ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp từ bên trong tổ chức cũng giúp doanh nghiệp phát triển và giữ lại những nhân tài giỏi nhất.
4. Hỗ trợ nhân viên thường xuyên. Khi thực hiện những điều nói trên, theo một cách tự nhiên nhà lãnh đạo sẽ luôn mong muốn nhân viên của mình thành công. Nếu dành thời gian và công sức để hỗ trợ nhân viên thường xuyên, nhà lãnh đạo sẽ có thể phát triển được một đội ngũ nhân sự có giá trị đối với tổ chức. Treasurer khuyên các nhà lãnh đạo nên thường xuyên trao đổi cởi mở với nhân viên, tìm hiểu và giúp họ vượt những khó khăn, trở ngại và động viên họ đi đến thành công.

Theo INC/DNSGCT