Mô hình cửa hàng đồng giá vẫn đang duy trì được sức hút trên thị trường, với lượng khách hàng ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì cũng có không ít chủ cửa hàng lợi dụng mác đồng giá để “chặt chém” người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Dù xuất hiện từ lâu, nhưng cửa hàng đồng giá ngày càng nở rộ và chưa hết “nóng”. Ảnh: Bích Thảo.
Ở giai đoạn nở rộ mô hình cửa hàng đồng giá, rất nhiều loại mặt hàng được bán theo phương thức này, như quần áo thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ trang trí, quà lưu niệm…
Nhưng hiện nay, thường mặt hàng đồng giá phổ biến chỉ còn là các món đồ tặng nhỏ xinh dạng quà lưu niệm, đồ dùng cá nhân hay đồ gia dụng.
Dù đã xuất hiện từ lâu, song những cửa hàng “một giá”, “hai giá” (cách gọi khác của mô hình đồng giá) vẫn rất hút khách.
Bạn Lê Thanh Tú – sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội – chia sẻ: “Một khi đã vào hàng đồng giá, thì mình chẳng phải băn khoăn chuyện giá cả nữa. Vì xác định luôn là đã mất một khoản tiền như vậy rồi, không đắt hơn cũng chẳng rẻ hơn, và lại có rất nhiều món hàng phong phú để chọn. Thế nên khi tặng quà bạn bè, thì mình luôn chọn những cửa hàng đồng giá”.
Các món hàng được bán đồng giá thường mới, lạ, trông bắt mắt và quan trọng nhất là xét về giá bán với giá trị hàng thì người mua có cảm giác rất lời. Bản thân người bán cũng xác định không có lãi lớn trên từng mặt hàng, nhưng số lượng bán được sẽ tạo lợi nhuận.
Chị Lê Ngà – chủ chuỗi hàng đồng giá trên đường Minh Khai, Trương Định – cho biết: “Mỗi cửa hàng mình nhập khoảng trên 500 mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Các món hàng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, khi nào cần gấp thì mình nhập tại chợ Đồng Xuân. Các mặt hàng này có giá rẻ, hình thức đẹp, phong phú chủng loại nên thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn sinh viên”.
Lợi dụng đồng giá để bán hàng… lệch giá
Do nắm bắt được tâm lý chuộng giá rẻ mà được chọn nhiều đồ của người tiêu dùng, nên không ít cửa hàng hiện nay đã lợi dụng mác đồng giá để lôi kéo khách hàng.
Ghi rất to trên biển “Thời trang đồng giá 100k” (tức 100.000 đồng), “Kính mắt đồng giá 50k”…, nhưng khi bước chân vào cửa hàng thì người tiêu dùng mới ngã ngửa vì loại hàng đồng giá chỉ có một lượng rất nhỏ bày riêng, hình thức xấu (tương ứng giá rẻ) và chất lượng khá tệ. Trong khi đó, những món hàng “long lanh” được trưng bày dưới biển đồng giá thì lại có giá bán khác hẳn.
Anh Việt Thắng (kỹ sư điện ở Hà Nội) bức xúc: “Có lần mình tình cờ đi ngang qua một cửa hàng đồng giá ở Chùa Bộc, thấy cái áo rất đẹp mà ghi đồng giá 200.000 đồng. Bước vào hỏi thì nhân viên cười khẩy nói chiếc áo đó có giá 1 triệu đồng, còn mức đồng giá chỉ áp dụng cho một giá treo toàn đồ nhăn nheo như hàng cũ”.
Có thể thấy đồng giá là mô hình kinh doanh thú vị phù hợp với rất nhiều người tiêu dùng, với số tiền bỏ ra thường không nhiều mà lại được “thả cửa” chọn lựa. Nhưng nếu không thực sự “đồng giá” mà chỉ lợi dụng cái mác này, thì cửa hàng sẽ khó thu hút khách một cách bền vững. Mà chắc chắn, chẳng cửa hàng nào muốn khách hàng của họ “một đi không trở lại”.
Theo lao động