Ông Dương Trọng Nghĩa – Tổng Giám đốc OceanGroup khẳng định tập đoàn này “rất trăn trở” khi bán chuỗi OceanMart, nhưng mức lợi nhuận lớn từ thương vụ này đã thuyết phục lãnh đạo tập đoàn “gật đầu” và chuyển hướng kinh doanh.
Ảnh minh họa
Thương vụ bán đứt Ocean Retail (sở hữu chuỗi OceanMart và OceanMart Express) của OceanGroup sau thời gian khởi động nhanh và tưng bừng là một thương vụ gây bất ngờ với giới kinh tế.
Lý giải điều này, ông Dương Trọng Nghĩa – Tổng Giám đốc OceanGroup cho biết: việc chuyển nhượng chuỗi siêu thị là điều mà lãnh đạo OceanGroup rất trăn trở. Tuy nhiên đứng trước kết quả lợi nhuận từ khoản tài chính lớn của việc chuyển nhượng này đem lại, OceanGroup đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh này để dành nguồn lực tài chính và nhân lực cho mảng kinh doanh chính khác của Tập đoàn. Điều này đảm bảo cho các mảng kinh doanh khác của OceanGroup sẽ phát triển tốt và bền vững hơn.
Gần như song song với việc công bố thông tin thương vụ này, OceanGroup đã khởi công xây dựng khách sạn 4 sao “khủng” StarCity Airport Hotel tại TP HCM với tổng mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Trong thông cáo phát đi ngày 3/10, tập đoàn này cũng cho biết kế hoạch khởi công dự án Tổ hợp StarCity Center Trần Duy Hưng, Hà nội, đồng thời mở cửa đón khách khách sạn 4 sao StarCity Nha Trang vào cuối năm nay. “Dự kiến năm 2014 OGC sẽ đạt 200% kế hoạch lợi nhuận”, ông Dương Trọng Nghĩa – Tổng Giám đóc OGC đã tự tin khẳng định.
Sự kiện OceanGroup bán hệ thống siêu thị OceanMart được giới quan sát nhận xét như một câu chuyện điển hình về “giỏ trứng của doanh nghiệp”.
Một chuyên gia về M&A nhận định: bản chất của M&A là tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh của tập đoàn trong những lĩnh vực trọng tâm mà tập đoàn này đang hướng tới. M&A một cách chủ động đang là lựa chọn thông minh của nhiều tập đoàn/doanh nghiệp kinh doanh đa ngành để đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra ngay từ đầu: lựa chọn đối tác tốt, xác định thời điểm tốt, đàm phán giá tốt.
Khi một doanh nghiệp bán đi một mảng kinh doanh của mình, có 2 trường hợp xảy ra: hoặc kinh doanh đang đi xuống: bán để bảo toàn vốn và giảm thiệt hại; hoặc kinh doanh tốt: bán để tận dụng thời cơ và thu về lợi nhuận cao.
Với OceanMart, chính những người lãnh đạo của công ty này khẳng định, đây là một sản phẩm thành công của họ và họ có nhiều đối tác trong/ngoài nước đặt vấn đề hợp tác, mua cổ phần. “Với lợi thế về sự chủ động, về sản phẩm tốt, chắc chắn đó là một thương vụ thành công của cả bên bán và bên mua. OceanGroup bán được giá tốt, thậm chí là rất tốt, VinGroup mua được một sản phẩm tốt để phát triển” – vị chuyên gia này nói.
Trong bối cảnh khó khăn kéo dài của nền kinh tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng buộc phải nhìn lại việc đầu tư đa ngành và chú trọng vào việc đầu tư kinh doanh chuyên sâu, tránh dàn trải. “Doanh nghiệp phải nhìn lại giỏ trứng của mình và quyết định bỏ trứng vào nhiều giỏ hay chỉ một số giỏ trọng tâm để đạt mục tiêu và có kết quả kinh doanh tốt nhất”, một CEO của công ty chứng khoán nói.
“Làn sóng đầu tư vào Việt Nam đã thức tỉnh, cả với dòng vốn đầu tư trên sàn chứng khoán và dòng vốn chảy vào thị trường tài sản, mua bán giá trị doanh nghiệp. Có những công ty trong quá khứ không hề nghĩ đến việc bán vốn cổ phần, tức M&A, thì bây giờ họ có thể nghĩ đến điều đó để tối đa hóa lợi ích và lợi nhuận của mình”, ông Johan Nyvene, CEO công ty CP chứng khoán TPHCM (HSC) nói.
Với Vingroup, ngay sau khi mua được 70% cổ phần Ocean Retail, tập đoàn này đã công bố chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ với thương hiệu VinMart bao gồm chuỗi siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.
Theo đánh giá của ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ Tịch Tập đoàn Vingroup: “Theo thống kê trên đầu người, mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn dưới mức 20%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường này”.
Thương vụ mua lại OceanRetail được coi là thương vụ điển hình của “làn sóng M&A thứ 2”, vốn được dự báo sẽ bùng nổ tại VN trong giai đoạn từ nay đến 2018, trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, sản xuất…
Riêng đối với thị trường bán lẻ, nhất là hình thức DN với chuỗi bán lẻ hiện đại đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt và sự bành trướng của doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh sự xuất hiện của hệ thống siêu thị OceanMart của OceanGroup, thì hệ thống Lotte của Hàn Quốc, Aon của Nhật bản, Robin của Thái Lan… đã đặt những bước chân mạnh mẽ và công bố chiến lược rõ ràng ở thị trường Việt Nam.
Ngay trước khi OceanGroup bán OceanRetail, thị trường đã được đón nhận một thương vụ “bom tấn” khác, là Metro bán lại hệ thống tại VN cho tập đoàn BJC của Thái Lan.
Trước đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì các nhà bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều nhược điểm: giá cả thiếu cạnh tranh, chất lượng nguồn hàng thiếu ổn định và mạng lưới phân phối chưa đủ rộng. Trước thực tế các nhà bán lẻ nước ngoài tấn công vào Việt Nam thì các nhà bán lẻ trong nước phải cân nhắc trước hai giải pháp: bắt tay nhau theo kiểu mắc xích hay theo cách M&A để cho ra một hệ thống lớn.
Theo dân trí