Lập công ty tài chính: Nên hay không? Lập công ty tài chính: Nên hay không?

Ngân hàng có thể sẽ không được cho vay tiêu dùng nữa nếu ngân hàng đó không có công ty tài chính của riêng mình. Đó là một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Dự thảo đã thu hút nhiều sự chú ý, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ.
Ảnh minh họa

Ngân hàng có thể sẽ không được cho vay tiêu dùng nữa nếu không có công ty tài chính riêng.
Hãy để ngân hàng tự quyết định
Theo dự thảo, lĩnh vực cho vay tiêu dùng bao gồm các hoạt động như cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng. Những hoạt động này đều là chức năng quen thuộc của khối ngân hàng bán lẻ. Nếu quy định được thông qua, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải tìm cho mình một công ty tài chính. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là ngân hàng bán lẻ có thực sự cần một công ty tài chính để thực hiện chức năng bán lẻ?
Khi đưa ra dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần phải tách lĩnh vực cho vay tiêu dùng rủi ro sang một công ty tài chính riêng vì có những khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng. Điều này tạo ra sự phân cấp về trách nhiệm khi ngân hàng chỉ chịu “trách nhiệm hữu hạn” đối với phần vốn góp của mình.
Tuy nhiên, những khách hàng dưới chuẩn chắc chắn không phải là đối tượng của ngân hàng và tự mỗi ngân hàng biết rõ điều đó. Vì thế mà các công ty tài chính mới có đất sống. Việc đưa công ty tài chính về dưới trướng của ngân hàng vô hình chung có thể đẩy các ngân hàng tham gia vào hoạt động cho vay dưới chuẩn (dưới hình thức công ty tài chính), từ đó có thể gây hiệu ứng ngược.
Mặt khác, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết hầu hết các quốc gia trên thế giới không có quy định về việc tách hoạt động cho vay tiêu dùng ra khỏi một ngân hàng thương mại. “Vì đơn giản cho vay tiêu dùng vốn là hoạt động căn bản của một ngân hàng bán lẻ”, ông giải thích.
Có lẽ việc thành lập công ty tài chính tốt nhất nên để ngân hàng tự quyết định và điều này tùy thuộc vào chiến lược phát triển của từng ngân hàng. Chẳng hạn, HDBank và VPBank mua lại hai công ty tài chính lớn để phát triển chuyên biệt và tập trung cụ thể hơn vào khách hàng mục tiêu. Còn OCB dường như không mặn mà với việc mua lại công ty tài chính trong thời điểm hiện tại, dù ngân hàng này cũng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ.
Chưa phải lúc
Thực ra, bên cạnh việc tách bạch các hoạt động cho vay tiêu dùng ra khỏi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng có mục tiêu khác. Đó là dọn đường cho việc tái cấu trúc các công ty tài chính vốn đang có tình hình tài chính không mấy tốt đẹp. Bởi lẽ, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm các công ty tài chính là một phần rất quan trọng trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của Chính phủ.
Nếu quy định này được thông qua, sẽ có làn sóng các công ty tài chính mới xuất hiện và những thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành. Trên thực tế, việc dùng ngân hàng để xử lý các công ty tài chính không phải là không có, chẳng hạn như trường hợp Ngân hàng Phương Tây sáp nhập với Công ty Tài chính PVFC thành Ngân hàng PVcomBank.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 17 công ty tài chính đang hoạt động ở Việt Nam, trong khi có đến 41 ngân hàng thương mại. Những ngân hàng này sẽ phải tự mình thành lập công ty tài chính, hoặc mua lại các công ty tài chính trên thị trường. Cả hai con đường này được dự báo sẽ không mấy suôn sẻ.
Có nhiều quy định về việc thành lập công ty tài chính, trong đó một quy định quan trọng là về vốn. Theo Nghị định 141 của Chính Phủ được ban hành năm 2006, vốn pháp định đối với các công ty tài chính là 500 tỉ đồng. Ngân hàng sẽ phải bỏ ra khoản tiền này nếu muốn sở hữu một công ty tài chính. Điều đó có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và các hệ số an toàn ở các ngân hàng.
Còn nếu đi theo con đường M&A, liệu còn bao nhiêu công ty tài chính có sức khỏe tốt để ngân hàng lựa chọn? Theo số liệu tính chung của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của các công ty tài chính (bao gồm cả cho vay tiêu dùng và cho thuê tài chính) chỉ ở mức 3,35% vào thời điểm cuối tháng 6/2014, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.
Hoạt động của các công ty tài chính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tỉ lệ cho vay trên huy động lên tới gần 238% so với chỉ 74,8% của các ngân hàng thương mại cổ phần, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu mua lại các công ty tài chính có tình hình bất ổn, ngân hàng sẽ phải tốn thêm công sức để xử lý yếu kém trước mắt, trong khi bản thân các ngân hàng vẫn còn những vấn đề nội tại chưa được giải quyết xong. Việc gánh thêm các công ty tài chính nếu không cẩn thận có khi lại gây hiệu ứng ngược.
Theo ông Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, giờ chưa phải là lúc tạo nên trào lưu, mà có nhiều thứ cần được giải quyết ngay. “Đó là bổ sung gấp các quy định và điều chỉnh hoạt động cụ thể của công ty tài chính trước khi tạo ra trào lưu đua nhau thành lập loại hình công ty này”.

Theo NCĐT