Bỏ trần phí quảng cáo, khuyến mãi: Không thể do dự

Kiến nghị dỡ bỏ trần phí quảng cáo của Bộ Tài chính sẽ được báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội diễn ra trong tháng 10/2014. Đây được coi là một trong các giải pháp đề xuất của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, thay vì lo ngại trước đây là việc chi cho quảng cáo nhiều làm chi phí DN tăng lên, thu nhập DN giảm đi và ngân sách thất thu…

Ảnh minh họa

Thời điểm thích hợp

Ông Vũ Viết Ngoạn – Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014 quy định phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng… nếu vượt quá 15% tổng số chi được trừ, DN sẽ không được tính vào chi phí kinh doanh để trừ đi thu nhập chịu thuế. Trước đó mức trần này được áp là 10%. Cách áp đặt trần cứng nhắc này đã gây sức ép lên cộng đồng DN vốn đang vật lộn trong khó khăn suốt thời gian qua.

Chính vì vậy việc Bộ Tài chính trình Chính phủ về đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần quảng cáo khuyến mại như mong muốn của cộng đồng DN trước đây nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức mua và phát triển thị trường thực sự là một tin rất vui cho cộng đồng DN.
Quan trọng hơn, động thái này cho thấy Bộ Tài chính đã lắng nghe các DN, qua đó mạnh dạn đưa ra giải pháp tháo gỡ, dù trước đó khi sửa luật Bộ vẫn nhất định bảo lưu quan điểm khống chế trần.
Không DN nào bỏ ra nhiều tiền để quảng bá sản phẩm nếu như không cần thiết và không phù hợp với tiềm lực tài chính của Cty mình. Vì vậy khi gỡ bỏ trần quảng cáo, các DN sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng cơ cấu chi phí để bảo đảm được hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Ngoài ra, việc gỡ bỏ quy định khống chế sẽ tạo sân chơi công bằng cho các DN muốn xây dựng hình ảnh và thương hiệu riêng của mình trong tất cả lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ.
Mặt khác, chi phí quảng cáo là chi phí bình thường trong sản xuất, kinh doanh nên DN được quyền phân bổ chi phí đó. Miễn sao nó không vi phạm pháp luật, không cạnh tranh thiếu lành mạnh. Và như vậy, nếu đã bỏ trần thì bỏ hết đối với cả quảng cáo lẫn khuyến mãi, tiếp thị. Đây là thời điểm thích hợp để bỏ trần tất cả các loại chi phí trên. Có thể, Bộ Tài chính còn e ngại nếu bỏ trần, DN chi cho quảng cáo nhiều làm chi phí tăng lên, thu nhập giảm đi và ngân sách thất thu. Nhưng không phải vậy, DN họ biết cách điều tiết chi phí kinh doanh sao cho phù hợp với doanh thu để tạo ra lợi nhuận. Khi đó thậm chí thuế sẽ tăng lên theo doanh số và lợi nhuận chứ không thể giảm đi.
Bước tiến trong chính sách
Ông Đinh Huy Chiến – Chủ nhiệm HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, Uỷ viên UB Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Quy định khống chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mại trong các chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN đã có từ 15 năm nay và vấn đề bỏ trần chi phí quảng cáo, cộng đồng DN đã nói rất nhiều rồi. Trước đây, khi bàn về Luật thuế (sửa đổi) nhiều ý kiến cho rằng việc khống chế mức trần cũng đồng nghĩa với việc hạn chế đưa hàng hóa của DN ra thị trường đặc biệt là cơ hội đưa sản phẩm mới, dịch vụ mới tới khách hàng. Mặc dù đã nới mức trần lên 15% nhưng quy định chung cho các ngành hàng là bất hợp lý. Bởi lẽ, các DN hoạt động khác nhau, sản xuất khác nhau thì chi phí cho quảng cáo sẽ khác nhau. Các quốc gia trên thế giới cũng hầu như không áp dụng quy định khống chế trần này.

Vì vậy, đề xuất dỡ bỏ trần quảng cáo của Bộ Tài Chính là bước tiến lớn trong chính sách quản lý và chắc chắn sẽ được cộng đồng DN hoan nghênh. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, việc gỡ bỏ trần sẽ giúp các DN chủ động hơn trong hoạt động quảng bá sản phẩm và bán hàng. Đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về dịch vụ và sản phẩm của khách hàng. Và khi DN bán được nhiều hàng hóa, sản phẩm ngân sách sẽ không sợ hụt thu. Thậm chí đây là một trong những cách nuôi dưỡng nguồn thu. Mặt khác, khi phí quảng cáo được tính đúng, tính đủ, được đưa vào chi phí hợp lý của DN thì hiệu quả sản xuất kinh doanh được phản ánh chính xác hơn góp phần minh bạch hoạt động của DN, tránh tình trạng lách luật.
Nhiều quan điểm lo ngại về khả năng cạnh tranh với các DN FDI, tôi cho rằng không có cơ sở. Đúng là các DN lớn của nước ngoài chi phí dành cho quảng cáo của họ rất lớn, tuy nhiên mỗi DN họ đều căn cứ vào tiềm lực, vào chiến lược kinh doanh để có kế hoạch và chi phí hợp lý.
Bỏ trần chi phí là tất yếu và phù hợp với nhu cầu phát triển của DN. VN đang hội nhập và chuẩn bị hội nhập sâu rộng hơn thì phải điều chỉnh theo luật pháp, thông lệ quốc tế để thu hút đầu tư. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, cần phải nâng cao năng lực quản lý, tổ chức bộ máy để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý của DN, chống thất thu thuế và chuyển giá.
Chi phí nào được chấp nhận là chi phí hợp lý?
GS TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài

Các DN nước ngoài vốn dĩ đã có chiến lược quảng cáo rất tốt vừa tại VN bằng ngân sách Cty ở VN vừa tại nước ngoài bằng ngân sách của tập đoàn ở nước ngoài nên thương hiệu được nhận biết rộng rãi hơn. Trong khi đó, DN trong nước không làm như vậy được vì họ bị khống chế chi phí quảng cáo vượt 15% tổng chi phí được khấu trừ thuế thu nhập DN (tại Trung Quốc tính đến 15% trên tổng doanh thu). Vì vậy, gỡ trần 15% là một cơ hội cho DN, kể cả DN trong nước FDI.

Và như tôi đã nói ở trên, các DN FDI vốn dĩ lâu nay đã có thế mạnh trong việc quảng cáo truyền thông, nên việc gỡ bỏ giá trần quảng cáo lần này có thể xem là một cơ hội lớn cho họ càng đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư quảng cáo truyền thông. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là DN trong nước hoàn toàn mất cơ hội, bởi lẽ, trong giai đoạn cạnh tranh sắp tới khi khu vực thuế quan ASEAN, ASEAN+1 bằng 0, nếu chúng ta không xây dựng được thương hiệu thì rất khó cạnh tranh. Khi đã dỡ được trần sẽ tạo điều kiện cho các Cty lớn hoặc nhỏ tìm giải pháp quảng bá thương hiệu của mình tốt hơn. Với những DN nhỏ sẽ tạo điều kiện phát triển uy tín của mình trong nước, những thương hiệu lớn càng có điều kiện cạnh tranh, trước hết là ở trong nước với các hàng hóa sản phẩm của nước ngoài tại VN, đồng thời tạo điều kiện mang sản phẩm của mình ra quốc tế. Vấn đề là, sau khi gỡ bỏ trần 15% thì cơ chế nào cho DN thực hiện? Bởi lẽ, lâu nay, vấn đề chi phí nào được chấp nhận là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, chi phí nào không được luôn là băn khoăn của DN.
Với một Cty cụ thể phải hạch toán rõ ràng, nếu chi quá nhiều cho quảng cáo mà không đem lại hiệu quả thì cổ đông sẽ có ý kiến phản hồi. Còn về thị truờng, chẳng đơn vị nào không tính đến hiệu quả marketing. Còn nếu sản phẩm nào quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn thì sẽ có hành vi xử phạt. Như vậy, cách quản lý của nhà nước ở đây cần phải là người đi trước hướng dẫn định hướng, giám sát hoạt động của DN và nếu trường hợp DN làm sai thì có biện pháp xử lý hiệu quả.
Lo mất nguồn thu chỉ là… cảm giác
Ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DNVN

Khi đưa ra quy định áp trần chi phí quảng cáo, các nhà làm luật đưa ra lý lẽ là để bảo vệ DN. Tuy nhiên, điều này thực chất là can thiệp quá sâu vào hoạt động quyết định kinh doanh của họ và trong điều kiện hiện nay thì không phù hợp nữa. Theo đó, việc tháo trần quảng cáo cũng sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách vì thực tế Nhà nước vẫn thu được thuế của DN quảng cáo, hơn nữa còn tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Người ta nói DNVN thời gian qua không đủ sức cạnh tranh cũng là dễ hiểu. Bởi lẽ, Cty nội mới gia nhập thị trường, lại bị hạn chế việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thì sao đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, nhóm FDI đa số đã xây dựng thương hiệu từ lâu và rất mạnh rồi mới đến VN.
Có thể nói, việc bỏ trần là để bảo vệ ngân sách, “túi tiền” của Nhà nước, khi quảng cáo tăng giúp DN tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cũng thu được thuế giá trị gia tăng và Thuế TNDN, tạo công ăn việc làm… Nếu không bỏ trần, có thể sẽ mất nguồn thu của Nhà nước, khi DN không bán được hàng mà các Cty nước ngoài có thể lách luật để tăng quảng cáo, khiến cạnh tranh không lành mạnh. Cần đặt tổng thể lợi ích bài toán nên bỏ trần hay để trần, để có quyết định cho phù hợp với người tiêu dùng. Chẳng hạn, DN có lợi nhuận 1 tỷ đồng trước thuế, Nhà nước sẽ thu được 250 triệu đồng tiền thuế thu nhập DN. Nếu 1 tỷ đồng đó được chuyển thành chi phí quảng cáo, khuyến mại thì Nhà nước vẫn thu được thuế, trong khi lại tạo thêm được công ăn việc làm. Lo mất nguồn thu thực chất chỉ là cảm giác, chưa biết thực sự sẽ mất bao nhiêu, chưa kể việc DN không bán được hàng thì lấy đâu ra lợi nhuận để thu thuế? Trong khi đó, rõ ràng, nếu bỏ giới hạn mức chi hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác mà Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này.
Tôi cho rằng, lần này, Bộ Tài chính đã có đề xuất và Chính phủ yêu cầu như vậy là một tia sáng rất có ý nghĩa với DN, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo dddn