Độc giả quan tâm đến lĩnh vực tiếp thị hẳn không quên những bài viết sâu sắc về thương hiệu của chuyên gia marketing Hoàng Tùng trên Doanh Nhân Sài Gòn Online. Bẵng đi một thời gian ít thấy anh gửi bài mới, chúng tôi được biết anh đang bận rộn với việc kinh doanh riêng. Cách đây vài tuần, anh vừa khai trương cửa hàng Pizza Home thứ hai tại Hà Nội. Cửa hàng nhỏ xinh trang trí màu xanh non bắt mắt với những mảng tranh tường sống động. Bàn thấp, thảm bệt, gối tựa êm ái đúng gu giới trẻ.
ảnh minh họa
Anh kể lại những thử thách ngày đầu khởi nghiệp: “Đó là ngày đầu tiên khai trương, tôi cùng với đội ngũ bán hàng đi phát tờ rơi ròng rã cả một ngày. Tất cả nhân viên háo hức chờ đợi khách hàng kéo tới. Mãi đến tối vẫn chẳng có ai, bên ngoài trời mưa lất phất, quán không một bóng người. Tôi ứa nước mắt. Sau sáu tháng trời kinh doanh, toàn bộ nguồn vốn đầu tư ban đầu “bốc hơi”. Nhiều đêm mất ngủ, câu hỏi trăn trở luôn đến rồi đi: “Duy trì tiếp doanh nghiệp hay quay lại làm thuê?”. Đó là thời điểm thực sự đen tối”.
* Đã là một chuyên gia marketing được tín nhiệm, vì sao anh lại quyết định chuyển hướng sang kinh doanh mà không tiếp tục con đường học thuật?
– Thực ra Pizza Home không phải là doanh nghiệp đầu tiên tôi tham gia xây dựng và thành lập. Tôi luôn mong muốn khởi tạo doanh nghiệp của riêng mình, nhưng kinh doanh luôn là một môi trường khắc nghiệt.
Trong quá trình khởi nghiệp tôi đã thất bại rất nhiều lần. Thời sinh viên, tôi nhận được nhiều hợp đồng dịch thuật. Mong muốn phát triển hơn và… làm giàu nhanh hơn, tôi đã thành lập một Trung tâm dịch thuật khi là sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, Trung tâm dịch thuật sau đó thất bại.
Bài học tôi rút ra: Bài toán hoạt động của một cá nhân thành công không thể áp dụng vào một doanh nghiệp được.
Sau khi ra trường, công việc lương cao và khá nhàn hạ, tôi theo dõi một dự án gọi vốn đầu tư vào một công ty chuyên sửa chữa máy vi tính và cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP. Chúng tôi xây dựng phầm mềm ERP với niềm tin: sản phẩm tốt tương đương với mức giá rẻ hơn sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, sau khi ra được sản phẩm, không có doanh nghiệp nào mua phần mềm của chúng tôi.
Bài học tôi rút ra: Nếu không xây dựng được một thương hiệu tốt, sản phẩm tốt cũng rất khó tồn tại trong thời buổi cạnh tranh ngày nay.
Đến năm 2007, tôi cùng một nhóm cổ đông xây dựng một nhà hàng chuyên dành cho khách du lịch. Tôi phụ trách về marketing và quản lý trực tiếp nhà hàng. Phản hồi của thị trường rất tốt. Doanh thu nhà hàng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, tôi quá mệt mỏi bởi sự bất đồng của các cổ đông cùng với nhiều sự việc phát sinh khác nên quyết định rút vốn.
Bài học tôi rút ra: Khi kinh doanh, hãy lựa chọn những đối tác có cùng tầm nhìn dài hơi, hướng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Để ngộ ra những bài học trên, tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức và cả thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cảm ơn những thất bại đó. Bởi nó là những bài học quý giá, giúp tôi xây dựng nên những thương hiệu có nền tảng vững mạnh hơn, trong đó có Pizza Home.
* Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, anh áp dụng những bài học nào vào việc phát triển Pizza Home?
– Thực ra một doanh nghiệp cũng như một con người, phải trải qua nhiều thăng trầm mới đúc rút được ra những bài học cho riêng mình. Tôi tin rằng doanh nghiệp cũng có “bộ gen” như con người. Điều đó khiến những doanh nghiệp mạnh luôn có những cá tính khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Một bài học thành công của doanh nghiệp này khi áp dụng vào doanh nghiệp khác, trong một ngành nghề khác có thể thất bại thảm hại.
Bài học lớn nhất tôi áp dụng vào Pizza Home đó là nghiên cứu ra một cấu trúc thương hiệu có cá tính khác biệt so với các đối thủ và tạo được giá trị đối với người tiêu dùng. Với Pizza Home, đó là tốc độ giao hàng thật nhanh.
Hầu hết những thương hiệu pizza mạnh và lâu đời đều phục vụ nhiều loại pizza với cỡ đế khác nhau giúp khách hàng được thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, nó khiến quy trình làm bánh bị chậm trễ nên chưa thể gọi là “ăn nhanh”.
Pizza Home tập trung cung cấp 7 loại bánh pizza phổ biến nhất thế giới, chỉ với 1 cỡ đế, 1 mức giá. Sự tập trung đó giúp Pizza Home tạo nên một quy trình làm bánh nhanh hơn các đối thủ khác. Điều đó giúp Pizza Home là một thương hiệu fast food đúng nghĩa.
Tiêu chí hoạt động của Pizza Home được chuyển tải đến toàn bộ nhân viên bao gồm 3 chữ cái: N- N- S = Ngon. Nhanh. Sạch. Đó là ba nhân tố cốt lõi, tạo nên sức cạnh tranh và bản sắc của Pizza Home.
*Anh đề cập nhiều đến việc xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh, vậy còn chất lượng sản phẩm thì sao?
– Theo tôi, marketing nếu không dựa trên nền tảng là một sản phẩm tốt sẽ hoàn toàn vô giá trị. Tôi nghĩ rằng công thức để tạo dựng nên một thương hiệu thành công bao gồm 5 bước:
1. Khát vọng lớn
2. Sản phẩm ưu việt
3. Chiến lược marketing phù hợp
4. Tạo sợi dây liên kết tình cảm với khách hàng
5. Câu chuyện thương hiệu có giá trị nhân văn.
Điều tôi học hỏi được từ những thương hiệu fast food lớn trên thế giới là họ xây dựng nên một quy trình sản xuất bài bản. Lợi thế của việc xây dựng quy trình đó là tạo nên được những sản phẩm đồng đều về mặt chất lượng ở những địa điểm cách xa về khoảng cách địa lý. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất khiến các thương hiệu fast food quốc tế có thể tự tin mở rộng thương hiệu ra tầm quốc tế.
Những ai đã từng kinh doanh nhà hàng đều vấp phải bài học xương máu, đó là sự phụ thuộc vào đội ngũ đầu bếp. Do tính chất nghề nghiệp đặc thù, không phải đầu bếp nào cũng sẵn sàng học hỏi, tiếp thu và sáng tạo nên món ăn được quản lý yêu cầu.
Việc tạo dựng nên một quy trình chuẩn mực sẽ giúp nhà quản trị trong lĩnh vực nhà hàng bớt phụ thuộc vào đội ngũ đầu bếp nói riêng và nhân tố con người nói chung. Việc kiểm soát quy trình cũng dễ dàng hơn so với việc kiểm soát con người rất nhiều.
* Fast food là một lĩnh vực đang phát triển nhanh nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Anh có tự tin với Pizza Home không?
CEO Hoàng Tùng
– Tại Việt Nam, kể từ khi có cửa hàng fast food đầu tiên vào năm 1997 cho đến nay, văn hóa ăn nhanh đã dần ngấm vào thói quen ẩm thực Việt cùng với nếp sống công nghiệp ngày càng rõ nét.
Với một người cũng kinh doanh trong ngành fast food, tôi nghĩ rằng đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội bởi vì mình có thể trực tiếp học hỏi từ những tên tuổi quốc tế, nhận thức của người tiêu dùng đối với ngành fast food trở nên rõ nét hơn.
Thách thức bởi vì doanh nghiệp của mình còn rất nhỏ bé với nguồn lực còn hạn chế khi so sánh với những đối thủ nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi thực tế nghiên cứu các đối thủ quốc tế, tôi nhận thấy rằng nếu được điều hành một cách tập trung với một khát khao lớn, thương hiệu Việt hoàn toàn có thể phát triển và tồn tại song song cùng các “ông lớn” đến từ nước ngoài.
Khát vọng thương hiệu quốc gia
Giờ đây sau một thời gian phát triển, Pizza Home đã có lượng khách nhất định nhưng Hoàng Tùng vẫn cẩn trọng:
– Tôi luôn tin rằng lúc sóng yên biển lặng là khi tiềm ẩn những cơn bão lớn. Thời điểm hiện tại, áp lực của Pizza Home là ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn nữa trong tâm trí người tiêu dùng trước các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Pizza Home cũng đứng trước áp lực phải mở rộng nhiều thêm điểm bán lẻ để có thể cung cấp dịch vụ đến khách hàng một cách nhanh chóng hơn nữa.
Khó khăn lớn nhất của không chỉ Pizza Home mà của ngành ẩm thực Việt nói chung, đó là chi phí thuê mặt bằng hiện còn cao. Nếu làm không khéo, có khi cuối tháng chỉ đủ tiền trả tiền nhà. Áp lực nữa là có những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, cố tình sao chép thương hiệu khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
* Vậy anh có hài lòng với những gì Pizza Home đã làm được cho đến hôm nay?
– Pizza Home là một thương hiệu non trẻ. Ở thời điểm hiện tại, Pizza Home đã đi đúng với kế hoạch ban đầu được tôi đề ra. Tuy nhiên, trong tương lai, tôi luôn kỳ vọng có thể xây dựng được một thương hiệu ẩm thực mạnh của Việt Nam mang tầm quốc tế.
GS Phillips Kotler, cha đẻ của Marketing hiện đại khi đến Việt Nam đã gợi ý cho Du lịch Việt một định vị, đó là: “Việt Nam, bếp ăn của thế giới”, theo tôi, đây là một định vị tốt.
Thông qua những thương hiệu ẩm thực mạnh, quốc gia hoàn toàn có thể truyền bá văn hóa của mình như một thứ quyền lực mềm trên trường quốc tế. Đến McDonald’s, chúng ta sẽ thấy mình trong một không gian văn hóa Mỹ. Đến với Lotteria, chúng ta sẽ thấy những nét biểu trưng của văn hóa Hàn Quốc v.v… Tạo sức ảnh hưởng qua con đường ẩm thực là một cách làm hiệu quả.
Việt Nam là một quốc gia có nền ẩm thực rất phong phú, có nhiều món ăn độc đáo nhưng còn thiếu vắng những thương hiệu ẩm thực quốc gia và càng thiếu những thương hiệu ẩm thực có tham vọng quốc tế.
Điểm yếu của chúng ta là gì? Đó là sự yếu kém trong việc đóng gói sản phẩm ẩm thực để tạo thành những thương hiệu ẩm thực mạnh. Đó là mong mỏi và tham vọng của tôi. Dĩ nhiên, đó còn là một chặng đường rất dài và đầy thách thức. Nhưng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng khi xã hội ngày càng cởi mở hơn, tinh thần doanh nhân được nâng cao hơn, sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa những thương hiệu ẩm thực mạnh “Made in Vietnam”.
* Cám ơn anh về những chia sẻ thú vị. Chúc anh đạt được những mục tiêu của mình.
Theo DNSG