Lawson là thương hiệu một chuỗi siêu thị bán lẻ ở Nhật Bản. Mới đây, thương hiệu này được công chúng xứ Phù Tang đặc biệt lưu ý với chủ định xây dựng những siêu thị mới “đặc biệt phù hợp với người già”.
ảnh minh họa
Trong giới kinh doanh, không có nhiều thương hiệu hành xử theo phương châm “thương hiệu đến với khách hàng trước khi khách hàng đến với thương hiệu” như thế. Tinh thần chính của biện pháp kinh doanh này là thể hiện thái độ thân thiện, coi trọng và chu đáo với khách hàng để rồi chinh phục thiện cảm của khách hàng.
Thiện cảm, sự mến mộ và tin cậy của khách hàng là thứ keo tốt nhất gắn kết thương hiệu với khách hàng và chỉ như thế thì thương hiệu mới có thể phát triển bền vững.
Lawson làm đúng việc đó với chủ ý mới nói trên. Một tính toán khôn ngoan và có tầm nhìn xa của thương hiệu này. Nhật Bản là nước có tỷ lệ người già cao nhất trên thế giới mà đa phần người già phải tự lo liệu cuộc sống thường nhật cho mình. Lawson dự định trong 3 năm tới sẽ xây dựng hơn 30 siêu thị mới gần như chuyên cho người cao tuổi.
Chẳng hạn như lối đi trong siêu thị phải rộng hơn, có độ bám lớn hơn để không trơn trượt. Số và chữ đề trên giá phải với cớ to hơn để các cụ dễ đọc. Trong siêu thị sẽ có khu riêng dành cho các cụ nghỉ chân. Hàng hoá chuyên cho người cao tuổi cũng không chỉ phong phú hơn mà còn được để ở các khu riêng giúp các cụ đỡ công đi lại tìm kiếm.
Lawson còn dự định có trong siêu thị này những nhân viên bán hàng được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về tâm lý, sức khoẻ và dinh dưỡng cho người cao tuổi để có thể tư vấn tại chỗ. Ngoài ra, Lawson còn có kế hoạch hợp tác, liên kết với các bệnh viện, trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khoẻ, thể dục thể thao, du lịch… để cùng nhau có những dịch vụ đa dạng khác nữa phù hợp và có lợi cho người già. Tranh thủ thiện cảm của diện khách hàng này như thế chẳng phải là chiêu thức “bỏ ra trước, nhận về sau” hay sao?
Theo dddn