Làm sao để tham dự hội chợ franchise hiệu quả?

Hội chợ nhượng quyền thương mại (franchise) là cơ hội tốt cho bạn để làm quen với mô hình kinh doanh, hiểu rõ tình hình thị trường và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để tham dự hội chợ nhượng quyền một cách hiệu quả, bạn nên ghi nhận những lời khuyên sau.
Đừng đi lòng vòng không có chủ đích
Tất cả các hội chợ nhượng quyền thương mại đều phát hành danh bạ hội chợ (directory) giới thiệu tất cả các thương hiệu, đơn vị tham gia hội chợ. Bạn có thể nhận được cuốn danh bạ đó khi làm thủ tục đăng ký tại quầy đăng ký tham dự trước khi đi vào cổng hội chợ; hay bạn cũng có thể tìm thấy danh bạ này trên các website chính thức của đơn vị tổ chức hội chợ.
Quyển danh bạ này có vai trò như một bản đồ hướng dẫn bạn, do vậy hãy bỏ ra ít nhất 15 phút nghiên cứu thật kỹ trước khi bắt đầu hành trình tham quan (hoặc tốt hơn bạn có thể nghiên cứu nó vào đêm hôm trước). Nghiên cứu sơ qua cuốn danh bạ và nên nhanh chóng chọn lọc các nhãn hiệu mục tiêu mà bạn muốn tham quan nhất. Sau đó, bạn nên sắp xếp một cách có hệ thống các gian hàng (booth) mà bạn cần ghé thăm và chuẩn bị thật kỹ các câu hỏi cần thiết (xem phần sau) và đặt mục tiêu về thông tin mà bạn cần thu thập.
Sau khi hoàn thành các cuộc ghé thăm trong danh sách mục tiêu, bạn có thể thoải mái tham quan để tìm thêm những thông tin mới hay những cơ hội ngoài mong đợi.

Phải bảo đảm chắc chắn là bạn đang làm việc với một đơn vị nhượng quyền thật sự
Trong một hội chợ có rất nhiều đối tượng tham dự, có những đơn vị tham gia hội chợ nhượng quyền không phải là những đơn vị nhượng quyền thật sự. Rất nhiều đơn vị tham gia hội chợ nhượng quyền thương mại chỉ để giới thiệu những cơ hội kinh doanh, tìm nhà phân phối cho các hệ thống phân phối đa cấp. Những công ty giới thiệu những cơ hội kinh doanh như trên có thể tìm được các đối tác kinh doanh tại hội chợ, nhưng thật sự họ không phải là đối tác nhượng quyền của bạn.

Nhiều công ty tham gia hội chợ nhượng quyền thương mại chỉ để tìm cơ hội kinh doanh hay tìm nhà phân phối

Bạn cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa cơ hội kinh doanh và cơ hội nhượng quyền và nắm vững những lợi ích của từng loại.

Làm sao để xác định rõ ràng bạn đang giao dịch với một đơn vị nhượng quyền thương mại thật sự?
Trước tiên, đơn giản là hãy hỏi thẳng người đại diện công ty là thương hiệu họ có thật sự là một thương hiệu nhượng quyền thương mại không.
Kế đến, yêu cầu người đại diện giới thiệu mô hình kinh doanh, phương thức chuyển giao nhượng quyền, cách thức đào tạo, chính sách hỗ trợ… – những yếu tố cơ bản thường có của một đơn vị kinh doanh nhượng quyền thương mại.
Một đơn vị nhượng quyền thương mại thật sự có thể cung cấp cho bạn một cách rõ ràng, mạch lạc các thông tin trên cùng với cách thức họ nhân rộng hệ thống, quy trình kinh doanh, các hệ thống và cách thức đào tạo người nhận nhượng quyền…
Bạn cần chuẩn bị kỹ danh sách các câu hỏi. Và dĩ nhiên, thông thường các công ty nhượng quyền có thể trả lời cho bạn một cách rõ ràng. Bạn phải đảm bảo rằng khi rời khỏi hội chợ, bạn đã có được những thông tin cơ bản và hữu ích nhất để so sánh giữa các cơ hội bạn đang lựa chọn.
Bạn cần có ít nhất từ 3 đến 5 câu hỏi quan trọng nhất được trả lời để giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư.
Đây là những câu hỏi tham khảo được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên:
Phí nhượng quyền ban đầu là bao nhiêu, khoản đầu tư để bắt đầu kinh doanh là bao nhiêu, phí nhượng quyền hàng tháng như thế nào, phí đóng góp marketing là bao nhiêu?
Bao nhiêu thời gian mà người nhận nhượng quyền cần phải đầu tư để làm việc tại cơ sở kinh doanh trong 2 năm đầu tiên? Bên nhượng quyền ước tính khoảng thời gian này dựa trên các yếu tố nào?
Những loại hình và nội dung đào tạo gì mà người nhận nhượng quyền sẽ nhận được, hệ thống hỗ trợ liên tục như thế nào?
Những đặc điểm chính để hệ thống nhượng quyền này thành công là gì? Những yếu tố nào có thể là rủi ro thất bại của hệ thống này (câu này thường ít được trả lời)?
Có những yêu cầu đặc biệt nào về kỹ năng để tham gia hệ thống không? (Ví dụ, có những hệ thống nhượng quyền yêu cầu người nhận có những bằng cấp cụ thể như CPA hay bằng dược sĩ…).
Là một người nhận nhượng quyền mới, bạn có được độc quyền trong khu vực bạn dự tính kinh doanh không? Nếu không, thì bao nhiêu cửa hàng hay người nhận nhượng quyền có thể có trong khu vực của bạn?
Những lời khuyên trên chỉ là những gợi ý cơ bản, bạn cần hỏi các chuyên gia có kinh nghiệm chi tiết các thông tin khác mà bạn cần biết khi thương lượng với một đơn vị nhượng quyền thương mại.

Theo NQVN