Để một nhân tài rời bỏ doanh nghiệp là điều không mong muốn của bất kỳ nhà quản trị nào. Tỷ lệ thay đổi nhân lực cao khiến doanh nghiệp bị tốn nhiều chi phí, trong khi những gì lẽ ra mang lại trái ngọt thì biến mất, chỉ còn lại một vị đắng. Nhân tài được hiểu nôm na là nhân viên có trình độ, năng lực tốt, hiệu suất làm việc luôn vượt trội và tuân thủ nghiêm túc theo chuẩn mực và định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Những nhân viên xuất sắc như vậy luôn khan hiếm trên thị trường cung ứng lao động vì họ có khả năng mang về lợi nhuận và những giá trị vượt trội cho doanh nghiệp. Cũng vì thế mà họ dễ bị rơi vào “mắt xanh” của những công ty săn đầu người hoặc đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp toàn cầu sở hữu môi trường làm việc rất tốt vẫn cứ phải đối mặt với thách thức gìn giữ nhân tài.
Những phương thức áp dụng với nhân viên không hợp lý có thể sẽ mang đến những bài học “gậy ông đập lưng ông” cho những chủ doanh nghiệp không biết cách đối xử khéo léo với người lao động.
Xin lưu ý rằng điều này không thật sự nằm trong tầm kiểm soát của riêng bộ phận quản trị nhân sự, mà phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của những người lãnh đạo doanh nghiệp, từ việc tuyển dụng nhân tài, quản lý năng lực làm việc của nhân viên, phát triển khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cao hơn là năng lực lãnh đạo cho các nhân viên xuất sắc.
Lao động không thiếu trên thị trường nhưng người tài luôn hiếm hoi. Khi sự cạnh tranh tìm kiếm người tài càng căng thẳng thì thủ thuật được sử dụng bởi các công ty săn đầu người hay của đối thủ cạnh tranh cũng càng tinh vi hơn. Những nhân viên hàng đầu luôn bị giới tuyển dụng để ý rất kỹ. Họ còn tận dụng các mối quan hệ thông qua mạng xã hội để lôi kéo nhân tài. Nếu thực sự muốn giữ chân người tài, doanh nghiệp nên tham khảo hai điều quan trọng dưới đây:
1. Thật sự coi trọng nhân tài
Hãy điểm lại những cá nhân mà doanh nghiệp bạn không được phép đánh mất và nói trực tiếp với họ rằng lãnh đạo doanh nghiệp luôn đánh giá cao và trân trọng họ. Khi làm việc tốt, họ luôn nhận được những lời biểu dương, khen thưởng và ghi nhận đóng góp trong hồ sơ cá nhân, trong các báo cáo sơ kết, tổng kết của doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp phải chỉ ra cho họ thấy vai trò to lớn hơn của họ đối với tương lai của doanh nghiệp, tạo cho họ cơ hội đóng góp những ý tưởng sáng tạo và được thoải mái trao đổi ý kiến với ban giám đốc. Sau cùng, đảm bảo mức lương, thưởng và những quyền lợi khác trước mắt và lâu dài luôn tương xứng với cống hiến của họ cho doanh nghiệp.
2. Khi nhân tài vẫn cứ ra đi
Hãy luôn giúp đỡ nhân viên trong việc tự đánh giá tiến bộ của từng người và thấy được bước đường thăng tiến của họ. Vì một lý do nào đó mà nhân tài vẫn quyết định sẽ ra đi thì tốt nhất là tỏ ra thông cảm và tiếc nuối. Khi ấy bạn sẽ thấy được lợi ích từ việc đối xử tốt với nhân viên. Trong hoàn cảnh ấy, hãy xem xét sự việc một cách tích cực nhất.
Nếu được đối xử tốt, nhân viên ấy sẽ luôn ca ngợi doanh nghiệp của bạn là một nơi tuyệt vời để làm việc và phát triển, lại còn chủ động giới thiệu với bạn nhân tài mới. Hãy nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới siêu kết nối, nên những lời truyền miệng được phát đi rất nhanh và rất xa.