Chưa khi nào trong lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1847 đến nay, Siemens lại rơi vào khủng hoảng như hiện tại. Với quy mô và vị trí quan trọng trong nền kinh tế, cuộc cải tổ của Siemens thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận xã hội nước Đức.
Ảnh minh họa
Mức độ rủi ro của cuộc khủng hoảng khiến Hội đồng giám sát Siemens đã buộc phải thay thế vị trí điều hành cao nhất là ông Peter Loescher gần cuối năm ngóai. Ông Loescher bị quy kết trách nhiệm đã đẩy Tập đoàn và thương hiệu vào tình cảnh khủng hoảng. Với khoảng 370.000 nhân viên hoạt động tại gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, Siemens có doanh thu hằng năm 78 tỷ euro (số liệu năm 2012).
Năm 2012, lợi nhuận thuần của Siemens chỉ đạt 4 tỷ euro, thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Thêm vào đó, giá cổ phiếu của Siemens đã giảm gần 25% trong thời gian ông Loescher nắm quyền CEO, khiến giá trị vốn hoá thị trường của Tập đoàn hiện chỉ là 83 tỷ euro, giảm mạnh so với con số hơn 103 tỷ euro cách đây 6 năm.
Gần đây, Siemens đã thất bại trong các dự án sản xuất điện bằng năng lượng Mặt trời và đường sắt. Cái giá hơn 400 triệu euro mà Siemens mua lại Công ty Solel Solar System (Israel) bị coi là quá đắt và khó bán lại. Tiếp đến, do lỗi trong các thiết bị điện tử, nên việc Siemens bàn giao 16 toa tàu thế hệ mới cho Công ty Đường sắt Deutsche Bahn (Đức) cũng bị chậm lại. Thiệt hại của riêng hai vụ này ước tới gần 1 tỷ euro…
Siemens đã trở nên quá lớn và cồng kềnh nên không còn có được đủ sức linh hoạt cho tương lai. Trong 6 năm đứng đầu Tập đoàn, ông Loescher đã thâu tóm thêm 120 hãng khác, nhưng rồi lại bán đi hơn 100 công ty con, hàng chục ngàn nhân công bị sa thải. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là thương hiệu gặp khó khăn thêm chứ không bớt đi được.
Theo Morgan Stanley, các khoản thâm hụt, cơ cấu lại và các chi phí khác đã ngốn của Siemens 34,5 tỷ USD từ năm 2001, tạo ra một khoản thâm hụt lớn trong lợi nhuận. Quan trọng hơn cả, triển vọng tương lai của thương hiệu là sự thiếu vắng chiến lược kinh doanh rõ nét và ổn định. Cuộc khủng hoảng hiện tại của thương hiệu này cũng còn là cuộc khủng hoảng về bản sắc của một tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Đức và thế giới.
Giám đốc phụ trách tài chính, ông Joe Kaeser, được cử làm người thay thế ông Loescher. Ông Joe Kaeser có thâm niên 33 năm làm việc liên tục cho Siemens, rất am hiểu cách thức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp của Siemens, được hy vọng sẽ tạo nên sức sống mới của Tập đoàn.
Hiện, Siemens đang giữ vững vị trí số 1 trên nhiều mảng thị trường thuộc lĩnh vực điện khí hóa và tự động hóa. Các bộ phận đang tăng trưởng thuộc hai lĩnh vực này bao gồm cả mảng thị trường của tuốc bin khí và tuốc bin gió ngoài khơi cỡ nhỏ, hiện đang thu được kết quả kinh doanh tốt nhờ sự gia tăng về nhu cầu cung cấp điện ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, trong danh mục đầu tư hiện tại của Tập đoàn, ông Kaeser thẳng thắn chỉ ra rằng, gần 16 tỷ USD doanh thu của Siemens, khoảng 18% tổng số, đến từ các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Lĩnh vực tải điện đang gặp khó khăn nhưng không thể bán lại. Một số doanh nghiệp mạnh như hậu cần sân bay, xử lý bưu kiện và máy trợ thính đang kinh doanh tốt, nhưng không phù hợp với tầm nhìn.
Trong tháng 6, Siemens (cùng với Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản) bị thua thầu trước GE để mua các bộ phận của Alstom, một công ty của Pháp sản xuất tua bin và đường sắt. Đồng thời, Siemens cũng đã bị lỡ trong cuộc cách mạng trong dầu đá phiến và khí đốt.
Ông Joe Kaeser đứng trước một cuộc đại phẫu Siemens để tạo nên thay đổi toàn diện cho tập đoàn này. Theo đó, từ ngày 1/10, Siemens sẽ được tinh giản thông qua việc loại bỏ các ban, đồng thời nhóm các mảng kinh doanh lại thành 9 bộ phận thay vì 16 bộ phận như hiện tại. Trong tầm nhìn đến năm 2020, Siemens chỉ tập trung vào các mảng kinh doanh gắn liền với điện khí hóa, tự động hóa và số hóa.
Trước hết, Siemens xúc tiến mua lại một phần mảng kinh doanh về năng lượng của Công ty Rolls-Royce. Việc niêm yết ra công chúng mảng kinh doanh các thiết bị trợ thính cũng đang được chuẩn bị. Siemens dự định sẽ khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ số hóa không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Theo DNSG