Tiếp nối thành công của Hội thảo: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” tổ chức tại Hà Nội ngày 30/7/2014, sáng nay, 6/8, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life tiếp tục tổ chức Hội thảo: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” tại TPHCM.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đúng 9h 5, Hội thảo bắt đầu.
Tham dự Hội thảo có ông Võ Tân Thành – Phó Tổng thư kí, Giám đốc VCCI Chi nhánh TPHCM; TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính Đầu tư; Ông Phạm Ngọc Hưng – Luật sư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA); Ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life; Ông Michael Stewart Elliott – Tổng Giám đốc PVI Sun Life; Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phạm Duy Doanh – Trưởng đại diện cơ quan Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phía Nam.
Từ trái sang: Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM; Ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life; Ông Võ Tân Thành – Phó Tổng thư kí, Giám đốc VCCI Chi nhánh TPHCM; TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính Đầu tư tham dự hội thảo
Hội thảo còn có sự hiện diện của hơn 200 đại biểu là đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp ngành, khối ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, đại diện lãnh đạo các Liên đoàn Lao động, Sở Lao động Thương binh Xã hội các tỉnh, giảng viên khoa bảo hiểm, bộ môn Bảo hiểm của các trường đại học, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tại TPHCM và khu vực lân cận.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành – Phó Tổng thư kí, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TPHCM cho biết: Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được trình Quốc hội với 2 điểm sửa đổi quan trọng. Thứ nhất, số năm làm việc của người lao động trước khi được nghỉ hưu sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc phải đóng góp nhiều hơn cho quỹ bảo hiểm xã hội. Thứ hai, lương hưu mà người lao động nhận được khi nghỉ hưu sẽ ít hơn so với cách tính tiền lương hưu hiện hành. Cả hai thay đổi này cùng hướng đến một mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối thu – chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội, tránh nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội sớm hơn dự báo. Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phản đối việc tăng độ tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) như tờ trình mà Ban soạn thảo luật đưa ra.
Thực tế cho thấy, vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát triển Quỹ, trong đó giải pháp lâu dài là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và phải hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân
Trong cuộc hội thảo đối thoại khu vực về Dự thảo luật bảo hiểm sửa đổi mà VCCI và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức tại TPHCM ngày 30/7 vừa qua, nhiều chuyên gia, các vị đại biểu đại diện các tỉnh thành khu vực phía Nam cũng đã tiếp tục nêu lên những quan ngại, thắc mắc về vấn đề tìm giải pháp và một lộ trình sao cho có thể bảo đảm sự cân bằng của Quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời đảm bảo lợi ích của người lao động, tạo điều kiện, khuyến khích người dân trong toàn xã hội tiếp cận để tham gia và hưởng lợi ích bảo hiểm xã hội. Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội cũng đã thừa nhận rằng sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (2006) đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, nhưng cho đến nay, Luật Bảo hiểm xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế, nhu cầu an sinh xã hội của người dân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Một trong những điểm khiến Luật không thể không sửa đổi khi hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Theo thống kê đến cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Nhìn chung, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu. Gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ khi về già. Trong những năm tới, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến năm 2015 là 18% dân số (chiếm 33% lực lượng lao động); năm 2020 là 29% dân số (chiếm 50% lực lượng lao động, khoảng 29 triệu lao động).
Ông Võ Tân Thành nhấn mạnh: “Vì lẽ đó, những giải pháp chủ động trong khi chờ các chế tài, luật định và thời gian để “giải cứu” Quỹ Bảo hiểm xã hội quốc gia là vô cùng cần thiết. Sự chủ động từ phía các tổ chức, người lao động để thúc đẩy mở rộng bảo hiểm xã hội toàn dân, với việc triển khai Hình thức Bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang được cho là một trong những giải pháp cần sớm được triển khai nhằm giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, tăng an sinh xã hội và có hiệu quả nhất cho hôm nay lẫn trong tương lai”.
“Chúng ta hiện cũng đã có hành lang pháp lí quan trọng cho giải pháp này khi ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC về việc Hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Trên cơ sở hành lang pháp lý quan trọng đó, các Doanh nghiệp Việt Nam sẽ chính thức tham gia vào thị trường này và sự ra đời của loại hình Bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Bên cạnh đó, Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đa dạng hóa loại hình hoạt động, làm phong phú thêm sản phẩm bảo hiểm, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm nguồn Quỹ Bảo hiểm hưu trí quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động.Việc hình thành và phát triển hai loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ góp phần bổ sung thêm trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững và đảm bảo tính đầy đủ hơn cho hệ thống hưu trí. Đây được xem là giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Đối với người tham gia đóng góp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động cải thiện khả năng tài chính để có cuộc sống tốt hơn sau khi được đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo chế độ BHXH và có thể chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh trong cuộc sống. Đối với thị trường tài chính, lượng vốn hình thành từ các quỹ hưu trí tự nguyện và bổ sung sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững của thị trường vốn. Ngoài ra, dòng vốn từ các quỹ hưu trí sẽ được tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế.”- Ông Võ Tân Thành nói.
Cũng theo ông Võ Tân Thành, Chính phủ, Bộ LĐ- TB&XH và Bộ Tài chính có vai trò rất lớn trong việc thiết kế chương trình cải cách tổng thể, hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc giáo dục nhận thức cộng đồng về việc tham gia các chương trình hưu trí tự nguyện. Quá trình này sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới và cần phải có sự góp sức của toàn bộ xã hội. Đó là sự nỗ lực, cố gắng của các DN bảo hiểm trong việc chuẩn bị và đảm bảo năng lực, nguồn lực, triển khai các chương trình hưu trí tự nguyện, đón đầu cơ hội kinh doanh một loại hình sản phẩm mới đảm bảo an toàn và góp phần vào cải thiện an sinh xã hội. Đồng thời, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả cũng cần sự hợp tác đặc biệt từ phía người lao động, người sử dụng lao động và cả các bên trung gian cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống.
Sau lời khai mạc của ông Võ Tân Thành, TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính Đầu tư đã mang đến hội thảo tham luận: “Sự cần thiết của tổ chức Bảo hiểm Hưu trí tự nguyện tại VN – Lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động”.
Nhìn ra thế giới, TS Đinh Thế Hiển cung cấp thông tin: Hưu trí tự nguyện là kênh chọn lựa phổ biến tại các nước phát triển. Cụ thể, tài sản quỹ hưu trí tự nguyện của 13 nước năm 2010 đạt 26,496 tỷ USD. Tăng bình quân 10% trong các năm 2009 – 2013. Quỹ hưu trí của Na Uy có tổng tài sản ước tính lên đến 475,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương hơn 97.949 USD/người. Dự báo có thể đạt mức 800 – 900 tỷ USD vào năm 2017 .
Các Quỹ hưu trí của Mỹ phát triển rất mạnh. Hai Quỹ Hưu trí lớn nhất nước Mỹ là CalSTRS và Calpers. Calpers có giá trị tài sản đạt 198,7 tỷ USD, danh mục đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu (50%), tiếp đến trái phiếu (25%). CalSTRS là quỹ hưu trí dành cho giáo viên Mỹ tại bang California có tổng cộng 833.000 thành viên tham gia và tổng tài sản vào khoảng 123,8 tỷ USD. CalSTRS phân bổ tài sản vào các lĩnh vực cổ phiếu (55,5%), trái phiếu (21,5%), và cổ phần tư nhân (chiếm 11,7%).
Bàn về hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, tham luận của TS Đinh Thế Hiển nêu bật lên vấn đề: Trong giai đoạn kinh tế phát triển theo hướng bền vững và hội nhập, loại hình Hưu trí tự nguyện mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Hưu trí tự nguyện chính là kênh huy động vốn quan trọng giúp phát triển kinh tế đất nước; Là loại hình hữu ích giúp doanh nghiệp chăm lo người lao động và phát triển nguồn nhân lực; Là kênh đầu tư an toàn và lợi ích cho người lao động.
Ông Michael Stewart Elliott – Tổng Giám đốc PVI Sun Life (người ngồi ngoài cùng bên phải) cùng các DN tham dự hội thảo
Bàn về Hưu trí tự nguyện là công cụ linh hoạt và hữu hiệu giúp doanh nghiệp chăm sóc người lao động và phát triển nguồn nhân lực, ông Hiển phân tích: Hưu trí tự nguyện giúp doanh nghiệp chọn lựa hình thức linh hoạt cho nhiều loại lao động (toàn thời gian, bán thời gian, cộng tác, nhân viên, quản lý, chuyên gia…). Bên cạnh đó, hưu trí tự nguyện còn giúp DN phát triển nguồn nhân lực, khắc phục các yếu điểm của các hình thức thưởng tiền, cổ phiếu ưu đãi, điển hình là nó mang tính gắn bó bền vững, hạn chế chuyển chỗ làm; Giúp nhân viên tin tưởng vào doanh nghiệp, tin vào tương lai; Được đưa vào chi phí nên lợi ích hơn hình thức thưởng tiền và cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế…
Nhấn mạnh hưu trí tự nguyện là kênh đầu tư an toàn và hữu hiệu cho tương lai người lao động, ông Hiển cho biết: Mức sống và y tế đã phát triển giúp người về hưu (>60 tuổi) còn đủ sức khoẻ và thời gian để thụ hưởng cuộc sống (sống an nhàn, du lịch, giải trí…). Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cơ bản không đủ đáp ứng yêu cầu sống tốt cho người về hưu, nhất là nhóm chuyên viên, quản lý. Theo TS Đinh Thế Hiển, để có cuộc sống thoải mái khi về hưu, mỗi người cần phải: Tích luỹ tiết kiệm; Tự đầu tư để gia tăng tài sản (Bất động sản, chứng khoán, vàng…) và chọn lựa Hưu trí tự nguyện.
Phân tích của ông Hiển cho thấy Quỹ Hưu trí tự nguyện là hình thức đầu tư an sinh phổ biến của người dân các nước phát triển bởi khi có nguồn vốn lớn đầu tư theo danh mục, khả năng thu lợi an toàn hơn so với đầu tư cá nhân; Có đội ngũ thu thập thông tin và phân tích chuyên nghiệp nên các quyết định tốt hơn với chi phí thấp; Có uy tín nên nhiều cơ hội mua cổ phiếu đối tác chiến lược giá thấp hơn thị trường.
Cuối bản tham luận của mình, TS Đinh Thế Hiển khẳng định: “Hưu trí tự nguyện là định chế tài chính quan trọng cho phát triển quốc gia và doanh nghiệp; là công cụ hữu hiệu cho người lao động có cuộc sống tốt đẹp khi tuổi già; Hưu trí tự nguyện đã đủ điều kiện cần thiết để triển khai và phát triển tại VN trong nền kinh tế phát triển bền vững!”.
“Nhìn rộng ra lợi ích của cả nền kinh tế, Hưu trí tự nguyện sẽ là kênh huy động vốn quan trọng giúp phát triển đất nước, đồng thời cũng là kênh đầu tư an toàn và lợi ích cho chính người lao động…So sánh với kênh tiền gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm, mỗi tháng đầu tư 1 triệu đồng, sau 30 năm người gửi tiền sẽ thu được 5,6 triệu/ tháng, thì nếu cũng với số tiền 1 triệu đồng/ tháng và sau 30 năm, người tích lũy tiền qua kênh bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ có mức sống cao gấp 3-6 lần so với người chọn kênh tiền gửi”- Ông Hiển phân tích.
Ông Phạm Ngọc Hưng– Luật sư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) trình bày ý kiến của mình xung quanh vấn đề “Bảo hiểm Hưu trí Tự nguyện – Giải pháp giữ Nhân tài cho Doanh nghiệp”. Ông Hưng cho biết, hiện lĩnh vực này đang được các Công ty Bảo hiểm triển khai. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Luật sư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM trình bày tham luận “Bảo hiểm Hưu trí Tự nguyện – Giải pháp giữ Nhân tài cho Doanh nghiệp”
Theo ông Hưng, trong vòng 10 năm qua, tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên.Theo công bố mới nhất năm 2014, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi, tới năm 2020 tuổi thọ bình quân là 75 tuổi. Đây là tuổi thọ khá cao, trong đó nữ sống thọ hơn nam, cùng với tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam, thời gian nghỉ hưu lâu thì quỹ bảo hiểm xã hội sẽ có nhiều vấn đề phải lo lắng.
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 10 triệu người tham gia Quỹ Bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Tuy nhiên với 10 triệu người này, lương hưu càng ngày càng thấp. Cùng với sự bảo hộ của nhà nước trong việc tăng lương hưu và tăng lương tối thiểu đã tạo áp lực cho ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm xã hội. Và nhiều người hiện nay đang lĩnh lương hưu ở mức cận nghèo, thậm chí, tổng giám đốc một DN nhà nước đóng bảo hiểm bắt buộc tối đa 9 triệu nhưng lãnh lương hưu chỉ được 75% của 9 triệu nên không đảm bảo cuộc sống.
Hiện nay, chúng ta mới bàn tới bảo hiểm hưu trí bổ sung của các DN nhưng chưa có cơ chế nào cho loại hình bảo hiểm này. Chúng ta bàn từ năm ngoái tới nay vẫn chưa ra quy định nhà nước nào về Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Rất may mắn là bây giờ, tại Việt Nam đã hình thành Bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Nói về Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, Thông tư 115 của Bộ Tài chính quy định rất rõ ràng 2 vấn đề: Vấn đề Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và vấn đề xây dựng quản lý quỹ. Thông tư 115 là cơ sở pháp lý cho chúng ta tin tưởng rằng loại hình Bảo hiểm hưu trí tự nguyện rất phù hợp cho người lao động, cho DN và kể cả cho đầu tư. Dưới góc độ DN, Bảo hiểm hưu trí tự nguyện không phải là chuyện phúc lợi cho nhân viên mà là khoản đầu tư cho người lao động.
Theo tính toán của PVI Sun Life, nếu trong vòng 20 năm, DN đóng 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động, khi về hưu, người lao động sẽ góp được gần 1 tỷ đồng. Để có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn đó thể hiện chính sách quan tâm lớn của DN dành cho người lao động.
Thực tế, để giữ chân người lao động hiện có nhiều cách, có DN bỏ tiền mua nhà thu nhập thấp, trả góp khoảng 30m2 trở lại với mức giá 600 triệu đồng. Có DN lại tăng thêm khoản thưởng nào đó vào cuối năm, nhưng những khoản này bị hạch toán về thuế TNCN. Còn riêng DN nào đóng Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động thì khoản tiền này sẽ bị trừ ra, không tính thuế TNCN.
DN tham gia Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động sẽ được nhiều nguồn lợi. Nếu DN khó khăn quá thì nên chọn loại hình bảo hiểm theo nhóm. Đối với những nhân viên có tuổi đời 35 tuổi trở lên bắt đầu tham gia Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, các vị đang giữ chức trưởng, phó phòng… trong công ty sẽ được làm trước nếu như DN chưa có điều kiện làm hết cho toàn bộ nhân viên. Đây sẽ là cách làm để DN có thể giữ chân nhân tài.
Từ các phân tích của mình, ông Hưng đưa ra kết luận: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên là một giải pháp rất thiết thực để giữ chân và thu hút nhân tài; Chính vì vậy cần xây dựng kế hoạch nhân sự và kế hoạch tài chính thích hợp để đưa bảo hiểm hưu trí tự nguyện thành một sách lược trong quản trị nhân sự”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life cho biết, chương trình Hưu trí PVI Sun Life có 2 giai đoạn chính. Đầu tiên là giai đoạn tích lũy trước tuổi về hưu. Trong giai đoạn này, các khoản đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản Hưu trí cá nhân. Người tham gia sẽ được hưởng lãi tích lũy trên giá trị tài khoản của mình. Các chuyên gia đầu tư đầy kinh nghiệm của Sun Life financial và PVI sẽ đầu tư khoản tiền này theo các kênh đầu tư đã được nhà nước cho phép như trái phiếu chính phủ, đầu tư tiền gửi ngân hàng và các kênh đầu tư khác nhằm tạo ra lãi suất tích lũy hấp dẫn. Ngoài ra, trong giai đọan này, người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm trước những rủi ro về thân thể và tính mạng.
Khi đến tuổi về hưu, chương trình chuyển sang giai đoạn chi trả. Người tham gia lúc này sẽ được nhận quyền lợi Hưu trí theo lựa chọn hàng tháng, quý, năm theo nhu cầu tài chính của mình. Tài khoản Hưu trí cá nhân lúc này vẫn tiếp tục được sinh lãi hàng tháng.
Theo ông Phạm Anh Đức, tham gia chương trình Hưu trí tự nguyện, cả DN và NLĐ đều được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn an tâm hơn khi biết rằng những khoản tiết kiệm của mình vẫn luôn sinh lợi đều đặn hàng năm với mức lãi suất ghi nhận được công bố hàng tháng không thấp hơn mức lãi suất tối thiểu được đảm bảo. Đóng góp của NLĐ sẽ được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế với mức khấu trừ lên đến 12 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, các DN sẽ được hưởng nhiều lợi ích cũng như những chính sách ưu đãi về thuế bởi đóng góp của DN cho NLĐ sẽ được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật cho DN. NLĐ sẽ chỉ chịu Thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm chi trả. Ví dụ: Nam, 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1triệu đồng từ DN – 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư được đóng góp vào Chương trình Hưu trí PVI Sun Life, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng. Đối với DN: một DN với 200 nhân viên, khoản đóng góp vào chương trình Hưu trí tự nguyện là 12 triệu đồng/mỗi nhân viên/năm và với thuế TNDN 22% sẽ tiết kiệm được 528 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, với chương trình Hưu trí tự nguyện PVI Sun Life, người lao động còn có các quyền lợi như: Tài khoản Hưu trí được tích lũy lãi trong suốt thời giam tham gia, bao gồm cả giai đoạn chi trả. Có 2 loại lãi bao gồm: Thứ nhất, lãi đầu tư thực tế từ hoạt động quỹ, lãi này được chi trả hàng tháng. Riêng đối với Hưu trí tự nguyện, khoản phí quản lý quỹ này bị quy định giới hạn ở mức tối đa 2%, tức là kết quả hoạt động của quỹ đạt bao nhiêu % tăng trưởng thì sẽ chia hết vào các tài khoản cá nhân Hưu trí cá nhân, công ty chỉ giữ lại tối đa 2% phí quản lý. Thứ hai, lãi thưởng theo giá trị tài khoản, giá trị tài khoản càng lớn thì mức thưởng càng nhiều. Lãi thưởng này được chi trả hàng năm theo tỷ lệ tăng dần (từ 0,25% đến 0,75%) và không phụ thuộc kết quả đầu tư quỹ.
Chương trình này có ưu điểm nổi bật về thời gian, số tiền đóng và hưởng linh hoạt. Trong trường hợp người tham gia gặp rủi ro trong giai đoạn chi trả, giá trị tài khoản tích lũy không mất đi mà sẽ được chuyển toàn bộ cho người thụ hưởng.
Sau phần tham luận của các diễn giả, hội thảo chuyển sang phần thảo luận. Các đại biểu tham gia phiên thảo luận có ông Võ Tân Thành – Phó Tổng thư kí, Giám đốc VCCI Chi nhánh TPHCM; Ông Phạm Ngọc Hưng– Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM ; Ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life; TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính Đầu tư.
Ông Võ Tân Thành chịu trách nhiệm điều hành phiên thảo luận.
– Ưu điểm và sự khác biệt của bảo hiểm tự nguyện với các loại hình bảo hiểm khác?
Ông Phạm Anh Đức: Không có sự so sánh giữa các Bảo hiểm với nhau, vì các loại bảo hiểm đều tôn trọng vào quyền lợi của người mua bảo hiểm
– Quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ nợ, vậy chúng tôi muốn mua Bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì lấy gì để đảm bảo nếu một lúc nào đó quỹ này cũng lâm vào nguy cơ vỡ nợ?
TS Đinh Thế Hiển: Khi nói về vấn đề rủi ro, từ kinh tế bao cấp bước sang kinh tế thị trường, chúng ta thấy kinh tế thị trường đầy rủi ro nhưng cuộc sống càng ngày tốt hơn, do vậy, sự chọn lựa giữa rủi ro và an toàn không phải như cách chúng ta nghĩ trước đây. Rủi ro là phần tất yếu để chúng ta phát triển lên.
Cái rủi ro nguy cơ vỡ nợ quỹ bảo hiểm xã hội là cách nói của tổ chức quốc tế để nhắc nhở tổ chức Việt Nam trong vấn đề điều chỉnh thêm vấn đề quản lý, chi trả nguồn thu bảo hiểm xã hội, còn tôi nghĩ quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước sẽ không bao giờ bị vỡ nợ.
– Bảo hiểm hưu trí tự nguyện diễn ra trong một thời gian dài tới 30 năm và hiện nay người mua lo ngại về lạm phát. Nếu kinh tế vỹ mô ổn định, mức độ lạm phát 5-7% thì không sao, có thể tính toán được nhưng nếu có những đột biến lạm phát lên tới vài chục phần trăm thì rõ ràng đồng tiền bị mất giá. Nếu gửi ngân hàng, khi lạm phát cao, đột biến có thể rút ra mua tài sản khác để bảo toàn vốn nhưng quỹ này gửi vào không được rút ra, thì nguy cơ do vấn đề lạm phát xảy ra sẽ có, vậy có hình thức nào để đảm bảo cho người mua?
Ông Phạm Anh Đức: Quan điểm của chúng tôi là tất cả các kênh đầu tư đều chịu ảnh hưởng của lạm phát. Nếu nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp thì lãi suất đầu tư sẽ thấp. Như bây giờ, chúng ta đang ổn định lạm phát ở mức độ trung bình thấp, chúng tôi trả 8%. Cách đây khoảng 2 năm, khi chỉ số CPI tăng lên trên 10%, khi đó lãi suất tiền gửi ngân hàng, lãi suất trái phiếu là 15- 17% thì chúng tôi cũng trả 17%. Do vậy, phần lãi suất trả cao đã bù cho phần lạm phát rồi, tuy nhiên, trong những trường hợp đột biến, đồng tiền hoàn toàn mất giá, về mặt DN tôi không trả lời được, ví dụ như khi Chính phủ đổi tiền chẳng hạn, tất cả khoản tiền đó thay đổi theo quyết định của Chính phủ.
– Người lao động đóng Bảo hiểm hưu trí tự nguyện được 5 năm, sau đó họ nghỉ thì người lao động có được hưởng số tiền ấy hay là DN hưởng?
Ông Phạm Anh Đức: Tùy thuộc vào chính sách của DN khi giữ người lao động và công ty bảo hiểm sẽ tôn trọng chính sách đó. Ví dụ: DN muốn giữ người lao động trong vòng 5 năm thì DN sẽ thỏa thuận mua bảo hiểm và người lao động sẽ được hưởng quyền lợi nếu làm đủ 5 năm cho công ty. Khi hết thời hạn 5 năm, người lao động chuyển đi DN khác thì Công ty bảo hiểm sẽ thực hiện việc chuyển tài khoản đó cho người lao động. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp DN đưa ra thỏa thuận, nhưng trước 5 năm người lao động chuyển đi mà DN không đồng ý, thì Công ty bảo hiểm sẽ giữ lại tiền bảo hiểm và trả cho DN. Tức là, Công ty bảo hiểm sẽ tôn trọng thỏa thuận giữa người lao động và DN.
– Hiện nay, người dân Việt Nam có 2 loại thu nhập: Một bộ phận thu nhập cao và phần lớn là nông dân với thu nhập thấp, vậy loại hình bảo hiểm này có phù hợp với người Việt Nam không?
Ông Phạm Anh Đức: Theo quan điểm của tôi, loại hình bảo hiểm này phù hợp với tất cả mọi người có nhu cầu sau nghỉ hưu có một cuộc sống ổn định. Bản chất của Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là loại hình bảo hiểm tiết kiệm, tức là người lao động sẽ tiết kiệm trong suốt quá trình lao động của mình rồi gửi vào một quỹ, đến khi hết tuổi lao động, Công ty bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả.
Đối với những người nông dân, thu nhập thấp thì không được hưởng ưu đãi về thuế của Chính phủ vì hiện Chính phủ ưu đãi về thuế TNDN và thuế TNCN, tôi nghĩ rằng tới 99% bà con mình không phải đóng mấy loại thuế này. Do đó, đối với bà con nên tính toán ở góc độ đa dạng hóa kênh đầu tư, nên trích ra một phần tiền dư mua Bảo hiểm hưu trí tự nguyện để sau này khi đến tuổi nghỉ hưu thì họ sẽ được hưởng.
Sau hơn 2,5 giờ đồng hồ diễn ra hội thảo, ông Võ Tân Thành kết luận: Hội thảo đã được nghe các diễn giả trình bày nhiều thông tin cụ thể xoay quanh vấn đề Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nghe giải đáp nhiều câu hỏi của các vị đại biểu đặt ra khi tham dự hội thảo. Hy vọng qua hội thảo này, các DN sẽ có dịp nghiên cứu một cách thấu đáo hơn và có thể mua Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng để giữ lại và thu hút nhân tài cho Doanh nghiệp.
Theo dddn