Quản lý yếu kém, tiếp thị không hiệu quả hay sáng tạo ra giải pháp cho một vấn đề không tồn tại là những lý do phổ biến nhất khiến 75% các công ty khởi sự trên toàn thế giới thất bại. Hãy xem các doanh nhân có thể học được gì từ những sai lầm để tránh lặp lại vết xe đổ của người đi trước.
Ảnh minh họa
Cassandra Phillips, người sáng lập nên Failcon, một hội thảo quy tụ các chủ doanh nghiệp khởi sự thất bại đến để chia sẻ những điều họ đã rút ra được, cho rằng: “Đó có thể là vì bạn mở công ty với những người bạn không có những kỹ năng bổ sung cho bạn hoặc ở trường hợp ngược lại – những người bạn nghĩ có kỹ năng đồng đều, nhưng cách giao tiếp lại hoàn toàn khác nhau”.
Hãy xem những công ty khởi sự nổi tiếng đã từng có những lời hứa tuyệt vời. Một số đã được mua lại hoặc đã tới giai đoạn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhưng không bao giờ “cất nổi cánh”. Giờ họ chỉ tồn tại dưới dạng số liệu.
1. Gowalla. Hàng triệu người đã thích thú mạng xã hội về địa điểm được khai trương từ năm 2007 và đóng cửa 5 năm sau đó này. Đây là một công ty về ứng dụng web trên các thiết bị di động trước khi công nghệ smartphone đủ phát triển để tạo ra trải nghiệm người dùng tích cực. Song quá nhiều vấn đề đã cản trở Gowalla đạt được sức lôi cuốn rộng rãi với công chúng. Chính sự táo bạo đã giết chết danh tiếng của công ty này. Giao diện trang web không phải là không thân thiện với người dùng. Tỷ lệ đăng ký người dùng và sự hăng hái với trang web giảm khi Gowalla chuyển trọng tâm và dỡ bỏ các tính năng.
Công ty khởi sự đã huy động 8,3 triệu đô la trong giai đoạn huy động vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng cuối cùng đã bị Facebook mua lại với giá 3 triệu đô la. Ngay cả khi công ty của bạn đã được mua lại thì nó vẫn có thể thất bại.
Bài học rút ra: Tránh cạnh tranh với ông lớn. Nếu bạn cạnh tranh với Facebook, bạn sẽ phải đối mặt với cuộc chiến lao dốc. Hãy đảm bảo công nghệ có thể truyền tải những điều bạn đã hứa hẹn. Bạn có thể tự hỏi mọi việc sẽ thế nào nếu Gowalla ra mắt gần đây khi các ứng dụng di động phát triển mạnh mẽ do tốc độ tăng trưởng điện thoại nhanh hơn và có nhiều người sử dụng hơn.
2. Pay By Touch. Ngay cả khi có một danh sách dài những người ủng hộ công ty sử dụng dấu vân tay để xử lý các khoản thanh toán này thì Pay By Touch vẫn thực sự không bao giờ có thể bay cao được. Các cáo buộc gian lận và các vấn đề với hội đồng quản trị đã gây khó khăn cho người sáng lập trước khi công ty tuyên bố phá sản cuối năm 2007. Các nhà đầu tư không hài lòng khi người sáng lập dành hàng trăm triệu đô la mua lại các công ty đối thủ nhưng lại không thể trả được đầy đủ tiền lương cho nhân viên trong cả năm. Công ty phá sản một phần vì nhiều người quen với các loại thẻ tín dụng/ghi nợ và thích kiếm được các dặm bay miễn phí.
Bài học rút ra: Pay By Touch đã sáng tạo ra giải pháp cho một vấn đề không tồn tại, một trong những cái bẫy phổ biến với các công ty khởi sự. Theo Phillips: “Mọi người cứ nghĩ những gì họ tạo ra là tuyệt vời, hấp dẫn hay thú vị và khi họ hỏi bạn bè về nó, họ sẽ nhận được các câu trả lời đại loại như: ‘Ừ, hay đấy’. Để khiến sản phẩm đó được thực sự sử dụng, bạn cần tạo ra thứ mọi người nhận ra họ không thể sống thiếu được. Dễ đến một nửa công ty khởi sự thất bại mà tôi biết đã chết vì chính lý do này”.
3. RealNames Corporation. Thành lập năm 1997, RealNames cho phép người dùng trình duyệt Internet Explorer của Công ty Microsoft đăng ký các tên miền bằng cách sử dụng thanh gõ địa chỉ trên trình duyệt. Việc này có thể hoạt động hiệu quả mà không cần có tên miền có đuôi thuộc hàng top như “.com” or “.net.”
Công ty và những người ủng hộ đã huy động được hơn 130 triệu đô la tiền vốn. RealNames đã ngừng mọi hoạt động năm 2002 theo một quyết định của Microsoft để chuyển 1 tỷ lượt page view mỗi quý mà RealNames giải quyết từ thanh địa chỉ của trình duyệt sang công cụ tìm kiếm MSN.
Bài học rút ra: RealNames tồn tại phụ thuộc vào các quyết định của một công ty lớn. Đừng dựa vào công ty của ai đó để có được tính hiệu quả và trụ vững của sản phẩm của bạn.
4. Pets.com. Trang web nổi tiếng trong kỷ nguyên dotcom này từng bán các sản phẩm chăm sóc thú cưng trực tuyến và chỉ tồn tại trong hai năm từ 1998-2000. Công ty đã rót hàng triệu đô la vào các chiến dịch tiếp thị bao gồm cả quảng cáo Super Bowl. Các nhà quản lý công ty đã phát hiện ra rằng thị trường thú cưng không đem lại đủ doanh thu mà họ cần. Việc cung ứng các sản phẩm cho thú cưng và phí chuyển hàng quá đắt đỏ. Các sản phẩm giá cao như đồ chơi không thể bán được với mức giá cạnh tranh. Doanh số bán hàng của trang Pets.com cũng phụ thuộc vào lượng chiết khấu, và chính điều này đã làm giảm lợi nhuận.
Bài học rút ra: Phải trung thực đến tàn nhẫn với bản thân về tiến bộ của bản thân. Phillips cho biết: “Có quá nhiều người sáng lập thất bại vì họ ngại nhờ giúp đỡ, hoặc không nói ra khi họ đang chật vật đấu tranh. Tôi chắc chắn mọi việc sẽ dễ hơn 3 lần nếu bạn trung thực với bản thân và những người xung quanh bạn. Quá ít người sáng lập làm được như vậy”.
Theo Entrepreneur