Ngày 11/11/2011, Lý Quí Trung ký quyết định chuyển giao quyền điều hành Phở 24 cho một đơn vị kinh doanh khác. Một thời gian sau, Lý Quí Trung đặt bút chia sẻ lại hành trình của mình cùng Phở 24 với nhiều bài học thất bại hơn là thành công với tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh.
Ảnh minh họa
Về tác giả
Sinh năm 1966 tại Sài Gòn, Lý Quí Trung là thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Các thương hiệu ẩm thực nổi bật khác bao gồm Nhà hàng Maxim’s Nam An, Nhà hàng An, Nhà hàng An Viên, chuỗi café Gloria Jean’s Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk…
Ông bắt đầu viết sách từ 2005 và là tác giả của quyển sách đầu tiên viết về đề tài franchise mang tựa đề Franchise – Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh (best seller năm 2005, 2006). Các đầu sách sau đó lần lượt là: Mua Franchise – Cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, Branding – Xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Luật chơi golf, Golf – Những lời khuyên thú vị.
Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng và khách sạn tại trường Đại học Western Sydney (Úc) năm 1993, sau đó Lý Quí Trung học tiếp để lấy bằng thạc sĩ du lịch tại trường Đại học Griffith (Úc) năm 1994. Năm 2003 lấy học vị tiến sĩ của trường Đại học Kennedy Western (Mỹ) chuyên khoa quản trị kinh doanh. Năm 2009, là người Châu Á đầu tiên và trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư danh dự tại trường Đại học Griffith.
Về tác phẩm
Xuyên suốt 180 trang sách Bầu trời không chỉ có màu xanh, Lý Quí Trung lần lượt kể lại từng bài học mình nhận được từ những ngày còn là chàng sinh viên Việt Nam vừa học vừa làm tại Úc, cho đến khi trở thành ông tiến sĩ đi bán phở, người đầu tiên đưa mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu về Việt Nam.
1. Gieo mầm ý tưởng
Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Quí Trung đã từng mơ ước trở thành nhà vô địch thế giới môn quần vợt.
“Mẹ tôi cũng thường động viên tôi rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Sau này khi lớn khôn tôi mới thấy việc động viên của mẹ là quan trọng như thế nào, vì dù ước mơ đó có khó hiện thực hóa đến đâu đi nữa, nuôi dưỡng nó vẫn tốt cho tâm hồn và sự phát triển của đứa trẻ. Thà mình dám mơ leo lên đến tận đỉnh núi Himalaya cao nhất hành tinh còn hơn là chỉ nghĩ đến ngọn cây cao mấy mét”.
Nếu nhìn Phở 24 như một cái cây thì giai đoạn du học ở Úc là lúc Lý Quí Trung gieo xuống đất những suy nghĩ, ý tưởng đầu tiên về mô hình nhượng quyền thương hiệu thông qua quan sát cách vận hành các cửa hàng Mc Donald tại Úc.
Trong những năm tháng du học nước ngoài, đã có lần Lý Quí Trung cũng suýt sa vào nghiện bài black-jack nhưng rồi chính ông đã tỉnh táo nhận ra và tự chữa bệnh cho mình.
“Bất cứ ai cũng có thể trở thành con nghiện nếu không biết tránh né nó. Không ai miễn nhiễm cả. Và tôi cũng tin rằng hầu hết những sai lầm, những thói quen xấu đều có thể loại bỏ được nếu chúng ta quyết tâm và có một giải pháp hợp lý”.
Trở về lại Việt Nam, Lý Quí Trung tiếp nhận vị trí Phó giám đốc công ty Tecaworld nhưng sớm từ bỏ vì ông nhận thấy vị trí của mình chỉ là người máy vận hành những quyết định đã có từ trên. Điểm đến tiếp theo của Lý Quí Trung là vị trí Giám đốc điều hành khách sạn liên doanh Sài Gòn Star. Tại đây, sau hàng loạt thể nghiệm, ông học được những bài học quản trị đầu tiên.
“Để tạo dựng lòng tin đối với nhân viên thì sự gần gũi, thân thiện không chưa đủ mà cần một sự chân thành mà không một diễn viên nào có thể diễn xuất trong một thời gian dài. Nắm được tình cảm và sự ủng hộ của tập thể cán bộ công nhân viên là nắm được tất cả, khó khăn nào cũng có thể vượt qua”.
“Tất cả những lời than phiền đều bổ ích và nó cho khách sạn một cơ hội để sửa sai. Nguy hiểm nhất là khi khách hàng không hài lòng và âm thầm bỏ đi”.
“Đừng bao giờ để lòng yêu văn hóa Việt vô tình đẩy mình vào thế bảo thủ, đối lập với các thương hiệu nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư và kinh doanh chính đáng. Cơ hội hòa nhập với thế giới không chỉ mở ra cho một chiều mà là hai, người ta vào được nước mình, thì mình cũng có thể vào được nước người ta”.
2. Ba bài học lớn với Phở 24
Chương 4 và chương 5 là hai chương nổi bật của toàn tự truyện khi đây là giai đoạn Lý Quí Trung bắt tay vào khởi dựng thương hiệu Phở 24. Ông chia sẻ: “10 năm sống với Phở 24 là một ngã rẽ đầy ý nghĩa và đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Đó là những ngày tháng tôi hạnh phúc với lý tưởng sống của mình và vui sướng với những hoài bão dữ dội của tuổi trẻ”.
Trong căn phòng nhỏ của công ty Phở 24 non trẻ, Lý Quí Trung vạch ra kế hoạch làm sao phải nhân rộng cho nhanh mô hình tiệm phở hiện đại với chiến thuật đi từ trong ra ngoài, từ gần đến xa.
“Và ở nước nào cũng vậy, tiệm đầu tiên là phải nằm ngay khu vực trung tâm của thủ đô hay thành phố lớn. Chúng tôi không chỉ bán phở mà còn bán không khí ăn phở, cảm giác ăn phở.
Ngay năm đầu tiên tôi quyết định mở luôn 4 tiệm, tuy nằm trong cùng khu vực trung tâm quận 1 nhưng tiệm nào cũng đông khách. Nhu cầu của thị trường lúc đó rất lớn trong khi đối thủ cạnh tranh thì hầu như chưa có. Qua năm thứ 2, chúng tôi mở thêm 10 tiệm nữa và cứ thế tốc độ tăng trưởng nóng dần lên theo sự bùng nổ của nền kinh tế thời hội nhập WTO”.
Bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, Lý Quí Trung quyết định ký kết cùng Quỹ đầu tư mạo hiểm Vinacapital để mở rộng mạng lưới kinh doanh và đưa Phở 24 trở thành chuỗi nhà hàng đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Số tiền đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm giúp Lý Quí Trung thay đổi chiến lược cơ bản về cách phát triển hệ thống. Năm 2008, Phở 24 hoàn thiện dây chuyền sản xuất bánh phở tươi, làm bếp trung tâm, kho bãi và các dây chuyền sản xuất khác phục vụ cho toàn hệ thống cửa hàng trong và ngoài nước. Trọng tâm được chuyển từ chuyên bán nhượng quyền thành công ty tự mở các cửa hàng thuộc quyền sở hữu 100% của mình.
“Tuy nhiên, khi bành trướng hệ thống một cách nhanh chóng như vậy, chúng tôi phải đối mặt với một thử thách vô cùng to lớn, đó là làm thế nào để giữ được chất lượng cho đồng bộ. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy đã tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa tất cả các quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng thiếu sót vẫn cứ xảy ra”.
Thử thách tiếp theo là “bộ máy quản trị của công ty đột nhiên phải nở phình ra để gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ do mình tự biên tự diễn”.
“Nếu phải cho một lời khuyên đối với những ai đang tìm kiếm nhà đầu tư thì tôi sẽ nói rằng trước hết là phải tự hỏi mình là có thật sự cần thiết hay không nếu có thể chọn cách điều chỉnh bớt tốc độ tăng trưởng. Chọn quỹ đầu tư mạo hiểm là chọn cách phát triển nóng, tăng tốc.
Lời khuyên kế tiếp là phải biết rõ những gì mà nhà đầu tư có thể mang lại, ngoài tiền vốn của họ. Nói khác đi, bạn phải thực sự hiểu về nhà đầu tư mình nhắm đến, từ năng lực tài chính đến năng lực tư vấn, chuyên môn, quan hệ và đặc biệt là kỳ vọng và những ưu tiên của họ”.
Trong quá trình mở rộng mạng lưới nhượng quyền thương mại, Lý Quí Trung ví “tất cả các cửa hàng nhượng quyền trong cùng một hệ thống giống như một đoàn quân, theo đó mọi người phải giữ đúng hàng ngũ của mình mà cùng nhau tiến lên theo tiếng trống trận. Có khi chỉ cần một chiến sĩ quay lưng, bất tuân lệnh cũng có thể làm cho cả đoàn quân hoang mang, tan rã”.
Lý Quí Trung cũng chia sẻ lại những bài học xương máu khi thất bại tại hai thị trường tiềm năng là Singapore và Hàn Quốc.
Vấn đề lớn thứ hai về quản trị mà Lý Quí Trung gặp phải giai đoạn này là ổn định đội ngũ nhân sự. Nhiều công ty sẵn sàng trả lương gấp đôi cho các nhân viên trụ cột của Phở 24, làm lòng trung thành của họ bị lung lay dữ dội. Ông đã chọn giải pháp “chấp nhận vuột mất một số thành viên nòng cốt do không thể “chạy đua vũ trang” tăng lương mãi”. Ông cũng “nghĩ đến việc tuyển dụng người nước ngoài để đem lại luồng sinh khí mới và những kinh nghiệm của một trận đấu lớn hơn”, song thất bại do trở ngại về văn hóa và ngôn ngữ.
“Triết lý quản trị xem nhân viên như “khách hàng nội bộ” của tôi đã vô tình trở nên mờ nhạt khi số lượng tiệm phở không ngừng gia tăng. Chưa kể chúng tôi cũng bắt đầu mắc sai lầm khi tuyển dụng thêm nhiều nhà quản trị cấp cao có khả năng nhưng không phù hợp với văn hóa của công ty. Không ít trong số này chỉ quan tâm đến mức lương và những quyền lợi mà họ được hưởng hoặc tệ hơn nữa, chỉ lấy kinh nghiệm và lý lịch từng làm qua ở công ty chúng tôi”.
Sau tất cả, Lý Quí Trung nhận ra: “Hệ thống càng lớn mạnh thì người lãnh đạo càng phải lưu ý những gì đang xảy ra ở cửa hàng chứ không phải ở văn phòng”, và “tôi lại phải học lại bài học đã từng học bao nhiều lần trước đây, là tất cả phải bắt đầu từ con người. Con người làm nên thương hiệu chứ không phải ngược lại”.
Vấn đề thứ ba là việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cho Phở 24.
Trong những ngày đầu tiên, Lý Quí Trung đã “bỏ ra một số tiền không nhỏ để cầu chứng thương hiệu trong và ngoài nước. Một chi phí khác mà tôi cũng phải bấm bụng chấp nhận trong những ngày đầu là chi phí thiết kế logo hay biểu tượng của thương hiệu Phở 24”.
Ở giai đoạn đỉnh cao, “câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu Phở 24 thu hút mạnh mẽ sự chú ý của báo đài trong và ngoài nước, đặc biệt phải kể đến các tờ báo, kênh truyền hình có uy tín của thế giới như The New York Times, The Wall Street Journal, International Herald Tribune, Bangkok Post, The Asahi Shimbun, Forbes Asia, Match Du Monde, Channel News Asia, CNN, AXN…
Tôi nghiệm ra rằng chính những gì chúng tôi làm cùng với những kết quả cụ thể sẽ tự nó gây ấn tượng và thu hút sự quan tâm của báo giới. Họ đến với chúng tôi chứ không phải ngược lại. Cái họ cần là những câu chuyện có thật được tạo ra bởi chính những gì chúng tôi làm hàng ngày”.
“Theo văn hóa người Việt hay Á Đông nói chung thì càng nói ít về mình thì càng khiêm tốn, càng tốt. Tôi nghĩ đối với kinh doanh điều này đôi khi có khác, vì làm sao người ta biết về mình đầy đủ khi chính mình không cho thông tin, không chia sẻ. Thách thức ở chỗ là chia sẻ thế nào cho khiêm tốn mà thông tin vẫn đến được nhiều người, càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước”.
“Nói chuyện trước đám đông về bất cứ một đề tài nào đòi hỏi một kiến thức sâu rộng và một sự háo hức được chia sẻ. Ngôn ngữ chỉ là công cụ, quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi lần đăng đàn”.
“Để tự tin hơn trước những buổi thuyết trình quan trọng, tôi luyện tập bằng cách tự mình đứng nói trước gương hoặc nhờ ai đó đủ lòng tốt và sự kiên nhẫn để lắng nghe như một khán giả thực thụ.
Đặc biệt, tôi luôn tìm cách nắm rõ đối tượng tham gia là ai, bao gồm cả những diễn giả khác nếu có. Tôi muốn biết người ta bỏ thời gian và công sức đến đây để muốn nghe cái gì từ tôi. Sau đó là phần chuẩn bị cho “sườn bài” của bài phát biểu.
Các công cụ hỗ trợ bằng hình ảnh chiếu trên màn hình đối với tôi cũng rất quan trọng, và nếu được thì càng ít chữ càng tốt. Và tôi luôn biết cách xen vào những câu nói dí dỏm khiến cho người nghe có những tràng cười sảng khoái”.
“Và như ai cũng biết, quảng cáo rất tốn kém mà chưa chắc đem lại hiệu quả kinh tế tức thì, có khi phải mất đến vài ba năm sau mới phát huy hết tác dụng. Nhưng suy cho cùng thì quảng cáo không phải để tạo ra lợi nhuận trong tương lai mà để bảo vệ thương hiệu ngay lúc này, ngay ngày hôm nay”.
3. Bầu trời không chỉ có màu xanh
Ngày 11/11/2011, Lý Quí Trung ký quyết định chuyển giao quyền điều hành Phở 24 cho một đơn vị kinh doanh khác. Đây là giai đoạn Lý Quí Trung vừa cho phép mình nghỉ ngơi vừa cố gắng thoát ra khỏi chiếc bóng của Phở 24.
“Mỗi khi tản bộ ngang qua một tiệm phở 24 nào đó là tôi cứ bị “việt vị” vì phản xạ bước xộc thẳng vào bên trong để hỏi han tình hình hay nhắc nhở nhân viên điều gì đó. Tôi không ngừng suy nghĩ về những dự án sắp tới đến nay vẫn chưa có một ý tưởng nào mà tôi thấy “đã” như trường hợp xảy ra với món phở. Thoát ra khỏi cái bóng của Phở 24 đúng là một thách thức lớn đối với tôi, cũng như Daniel Radcliffe muốn thoát ra khỏi vai diễn để đời Harry Potter”.
“Nhưng tôi phải thú nhận là mình cảm thấy sung sướng như thế nào khi mở mắt dậy mà không bị nghĩ đến những cuộc họp căng thẳng sắp tới hay những thứ nhức đầu liên quan đến công việc hàng ngày, đặc biệt là vấn đề tiền nong.
Còn một thứ xa xỉ khác mà trong cuộc sống doanh nhân của tôi bao nhiêu năm qua không có được, là có thời gian nhiều hơn với gia đình, vợ con. Tôi cũng nhận ra rằng các con mình đã lớn nhanh quá và không còn bao nhiêu lâu nữa là chúng sẽ rời xa để đeo đuổi sự nghiệp cho riêng mình. Vì thế tôi muốn tận dụng khoảng thời gian còn lại này để nói chuyện nhiều hơn với con cái và chia sẻ những điều mà chúng quan tâm. Tôi muốn tạo thêm thật nhiều kỷ niệm đẹp đẽ cho thời thơ ấu của chúng, vì tôi luôn tin rằng tình cảm gia đình là một trong những thứ quý giá nhất, bên cạnh tình yêu và tình bạn”.
Những ngày gia đình túng thiếu nhất, chiếc đàn piano là vật dụng cuối cùng mẹ ông bất đắc dĩ phải bán đi. Và đây cũng là vật đầu tiên ông mua về cho mái ấm riêng của mình. Giữa những sóng gió, vị doanh nhân này chọn cách chơi một bản nhạc để thấy “thế giới này rộng lớn hơn cái vương quốc công việc mà tôi đang đắm mình trong đó” rất nhiều.
“Ngoài viết lách, tôi còn một cái thú nữa, đó là vẽ tranh sơn dầu. Vẽ giúp tôi giảm stress. Qua ô cửa sổ, tôi nhìn thấy bầu trời rộng lớn và mặc sức để trí tưởng tượng của mình bay bổng thông qua các đường cọ không chủ đích. Tôi tha hồ khám phá chính mình, và như người thám hiểm vừa tìm thấy một chân trời mới bao la, nơi mà đầu óc của con người được tẩy trắng và thăng hoa.
Tôi nghĩ người làm kinh doanh nào cũng có sẵn tố chất “lãng mạn” trong người, vì nếu không sẽ không làm được gì nhiều. Lãng mạn là phiêu lưu. Doanh nhân mà không phiêu lưu thì không là doanh nhân đúng nghĩa, mà là một nhà quản trị đơn thuần”.
“Tôi cũng tâm niệm rằng trên con đường đời chúng ta đi rồi sẽ có nhiều ngã rẽ bất ngờ mà không ai tính toán trước được. Điều quan trọng là chúng ta phải biết tùy cơ ứng biến để vượt qua khó khăn và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Chúng ta cũng nên sống với tất cả niềm say mê để không bao giờ phải hối tiếc.
Bầu trời trên kia không chỉ có màu xanh mà còn có nhiều màu sắc khác nữa. Chúng ta hãy tận hưởng tất cả những màu sắc mà cuộc đời mang lại”.
Theo DNSG