Các phong cách phỏng vấn tuyển dụng thường gặp

Lời mời tham dự phỏng vấn cho thấy trên đơn xin việc, bạn đã thể hiện mình là người thích hợp cho vị trí mà công ty đang tuyển dụng. Trên thực tế, hơn 80% ứng viên bị loại ngay từ vòng hờ sơ, vì thế bạn nên tự hào vì đã vượt qua 4/5 số ứng viên.

Ảnh minh họa

Các tổ chức lớn sẽ có những chuyên viên phòng nhân sự được huấn luyện kĩ càng chuyên về phỏng vấn, họ được đào tạo để kết cấu một cuộc phỏng vấn thật chuyên nghiệp và chặt chẽ sao cho lấy được càng nhiều thông tin hữu ích từ bạn càng tốt. Đối với những công ty nhỏ, bạn sẽ được phỏng vấn bởi những thành viên cấp cao trong đó nhưng chưa qua huấn luyện kĩ năng phỏng vấn tuyển dụng. Khi đó trách nhiệm dìu dắt cuộc phỏng vấn không chỉ ở phía người tuyển dụng mà có cả bạn. Lúc đó bạn phải cố làm chủ cuộc nói chuyện và xoay đề tài câu chuyện về lĩnh vực bạn am hiểu để chứng tỏ bản thân.

Tóm lại, để đạt được mục tiêu tìm việc trong các buổi phỏng vấn, bạn phải được trang bị kinh nghiệm về môt số dạng phỏng vấn tuyển dụng hay gặp để không rơi vào thế bị động trong cuộc gặp mặt quan trọng đó.

Sau đây là một số kĩ thuật phỏng vấn được các nhà tuyển dụng hay dùng đến:
– Phỏng vấn dựa trên hồ sơ: các câu hỏi sẽ xoay quanh những gì bạn ghi trên hồ sơ. Nhà tuyển dụng cần chứng minh những gì bạn nhắc đến trong CV và đơn xin việc là đúng sự thật, bởi vì họ kì vọng sẽ tuyển được một người có những tố chất như đã ghi.

– Phỏng vấn theo tiêu chuẩn công việc: nhà tuyển dụng sẽ cho một vài ví dụ về tình huống phát sinh trong công việc mà bạn ứng tuyển, họ muốn kiểm tra khả năng của bạn với công việc. Trong trường hợp này, bạn đừng bao giờ trả lời “Tôi không biết!” Chuyện bạn đưa ra giải pháp đúng cho từng tình huống là chuyện rất khó bởi vì dù sao bạn cũng chưa bước chân vào làm ở công ty họ được ngày nào. Cái nhà tuyển dụng cần biết chỉ là khả năng xử trí của bạn mà thôi.

– Phỏng vấn với những câu hỏi kì lạ: cũng như trên, nhà tuyển dụng cần kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề của bạn. Thủ thuật này thường được áp dụng ở các tập đoàn lớn, nơi họ yêu cầu nhân viên không chỉ làm tốt công việc chuyên môn của mình mà còn phải bình tĩnh, sáng tạo để đối phó với những tình huống phát sinh ngoài dự liệu.

– Phỏng vấn theo kiểu tranh luận: lời khuyên chân thành rằng nếu gặp phải trường phái này, bạn phải thật bình tĩnh trong suốt quá trình phỏng vấn mặc cho đối phương có làm gì chăng nữa(tất nhiên, ngoại trừ việc xúc phạm nhân phẩm của bạn). Mục đích của nhà tuyển dụng là mô phỏng lại một cuộc tranh luận nảy lửa giữa nhân viên và sếp nhằm tìm ra đáp án cho một vấn đề. Đây có thể là chuyện thường ngày ở công ty họ, nên nhà tuyển dụng đòi hỏi bạn phải có một cái đầu lạnh để thích nghi và làm việc hiệu quả trong môi trường của họ.

Trên đây chỉ là một vài kiểu mẫu phỏng vấn điển hình, quá trình phỏng vấn thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào cá tính của người tuyển dụng, đặc biệt ở các công ty, tập đoàn lớn, quy trình tuyển dụng càng phức tạp và khó lường hơn. Tuy nhiên dù ứng tuyển ở đâu, điều kiện tiên quyết để thành công là sự tự tin và bình tĩnh. Chúc bạn may mắn và thành công!