Bạn out mà không biết vì sao? – Những băn khoăn của nhà tuyển dụng

Phỏng vấn xin việc thực sự là một trò chơi đọc vị lẫn nhau. Nhà tuyển dụng muốn đọc xem con người bạn thế nào, bạn đang nghĩ gì. Còn bạn thì cũng muốn biết họ đang suy tính những gì đằng sau những khuôn mặt lúc nào cũng nhẹ nhàng mỉm cười với bạn.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên thông thường, nhà tuyển dụng là người có lợi thế hơn trong trò chơi này, vì họ đã được đào tạo, huấn luyện và có kinh nghiệm hơn hẳn bạn trong các tình huống thế này .
Dù vậy, bạn cũng có thể rút ngắn khoảng cách với nhà tuyển dụng bằng cách tìm hiểu trước những suy tính mà họ không bao giờ tiết lộ trong buổi phỏng vấn. Đi trước một bước luôn là ý kiến hay!

1. Liệu anh/ cô ấy lúc nào cũng đến muộn thế này?

Cuộc phỏng vấn cũng có thể diễn ra một cách bình thường, tuy nhiên bạn không biết một điều rằng mình đã mất điểm với nhà tuyển dụng từ trước khi bước vào văn phòng chỉ bởi đến trễ 10 phút. Đến trễ trong buổi phỏng vấn chứng tỏ bạn hoặc là không quan tâm lắm đến cuộc gặp, hai là do thói quen vốn dĩ đã vậy nên dù cho đây là một dịp quan trọng bạn cũng không thể ép bản thân mình nhanh nhẹn hơn một chút. Cả hai giả định đó đều khiến nhà tuyển dụng hoài nghi về năng lực cũng như tinh thần làm việc của bạn.

2. Liệu anh/ cô ấy có nói dối trong hồ sơ không?
Hãy nhớ lại lúc bạn đi mua hàng. Đâu phải lúc nào bạn cũng nói rõ những hoài nghi của mình về sản phẩm trước mặt người bán, đúng không? Phản ứng thường thấy nhất là lịch sự từ chối hoặc bỏ đi. Nhà tuyển dụng cũng thế, trong tay họ có hàng chục hồ sơ nên chỉ cần nảy sinh nghi ngờ với những gì bạn mô tả trong hồ sơ, họ sẽ tạm gác ưu tiên tuyển dụng bạn lại mà tìm hiểu thêm ứng viên khác có vẻ đáng tin hơn. Đây là nguyên nhân hàng đầu một người tìm việc bị out mà không hiểu vì sao! Đó là lý do vì sao bạn phải tập dượt trả lời trước các câu hỏi thường gặp để tránh luống cuống, tạo sự hiểu lầm cho nhà tuyển dụng.

3. Anh/ cô ấy sẽ ở công ty mình bao lâu?

Không gì tồi tệ hơn việc thuê một nhân viên về, bỏ công đào tạo đến khi người đó học nghề xong xuôi, đủ lông đủ cánh lại nhảy sang đầu quân cho nơi khác. Hơn bất kì điều gì, nhà tuyển dụng cần biết liệu bạn có ý định ở lại công ty làm việc lâu dài hay không. Do đó họ đặc biệt nhạy cảm với những ứng viên có thời gian làm việc tại công ty cũ dưới một năm. Bạn đừng ngại chấp thuận các cam kết trong buổi phỏng vấn khi nhà tuyển dụng yêu cầu, đó chỉ là một động tác thử để bảo đảm bạn muốn làm việc ổn định tại công ty, những vấn đề cần linh động đều có thể thương lượng sau.

4.Tính cách của anh/ cô ấy có hợp với công việc và văn hóa công ty không?
Đôi khi bạn thể hiện rất tốt trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng tỏ ra đánh giá cao năng lực của bạn, tuy nhiên, sau đó họ lại cho bạn “out”. Lý do vì sao? Rất nhiều khả năng đó là do họ phát hiện trong tính cách của bạn có điểm không phù hợp với công việc hoặc văn hóa công ty. Có thể họ rất thích các ý tưởng sáng tạo, cách giải quyết vấn đề của bạn, nhưng khi tìm hiểu về tính cách, họ lại phát hiện ra bạn không thích hợp làm việc nhóm, thế là dù cho rất trọng tài năng của bạn, họ cũng phải để bạn đi vì văn hóa công ty vốn dĩ trước nay là làm việc nhóm.
Vậy là bạn đã biết qua những băn khoăn mà nhà tuyển dụng không bao giờ tiết lộ. Tuy không đảm bảo thành công 100% cho bạn trong lần dự phỏng vấn sắp tới, nhưng biết trước và đón đầu những vấn đề này sẽ giúp bạn tăng đáng kể khả năng lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng và có được cô việc mình mong muốn.