3 cách đơn giản hóa và quản trị danh mục thương hiệu

Làm cách nào để đơn giản hóa và quản trị danh mục những thương hiệu cồng kềnh? Với các tập đoàn châu Á đang nghiên cứu rà soát lại danh mục thương hiệu, dưới đây là cách tiếp cận chiến lược nên cân nhắc để thu gọn danh mục thương hiệu và đảm bảo thành công.
Ảnh minh họa
Giữ lại các thương hiệu bạn có thể tận dụng hoặc cải thiện giá trị

Khi rà soát các thương hiệu hiện có, hãy bắt đầu với các công ty con, các doanh nghiệp thành viên và nhìn vào con đường bạn đang định đi xét về kế hoạch chiến lược của mình. Sau đó giữ lại những đơn vị bạn có thể tận dụng làm nền tảng và cải thiện giá trị. Dưới đây là một số tiêu chí cơ bản để bạn cân nhắc trước khi quyết định có nên giữ lại các đơn vị kinh doanh:
– Đơn vị đó có phải là một bộ phận cấu thành sống còn để kế hoạch chiến lược của tập đoàn đi đến thành công?
– Đâu là lợi thế cạnh tranh hiện tại của đơn vị đó xét về sở hữu trí tuệ, mạng lưới phân phối, đột phá về công nghệ hoặc thương hiệu?
– Bạn đã có những nhân tài, kỹ năng và tầm nhìn để tiếp tục gây dựng trên những kết quả công việc hiện tại?
– Bạn đã có những hiểu biết khác biệt về thị trường so với các đối thủ hiện tại hoặc sắp nổi?
– Bạn sẵn lòng đầu tư vào đơn vị này bao nhiêu và có sẵn lòng cam kết để đơn vị này trở nên cạnh tranh hơn?
Bước tiếp theo là hãy tiếp tục rà soát các thương hiệu sản phẩm và ở đây, các biến số khác nữa lại đóng vai trò quyết định. Một vài sản phẩm có thể sẽ được giữ lại chỉ để giữ chân tầm ảnh hưởng trong khi một số khác lại được đầu tư hơn trở thành sản phẩm chủ đạo. Bạn nên cân nhắc những khía cạnh liên quan đến thương hiệu sản phẩm:
– Sự nhận biết của thị trường xét về bản sắc; Sự độc đáo xét về tài sản trí tuệ; Sự thuận tiện trong việc phân phối cho các thị trường trong nước và nước ngoài; Giá trị với khách hàng xét về tính khác biệt; Lợi thế tiềm năng so với các thương hiệu toàn cầu tương tự; Năng lực đổi mới; Mối quan hệ xét về tầm ảnh hưởng doanh thu cho các thương hiệu khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc thiết lập một quy trình rà soát sẽ luôn luôn có lợi, vì nó giúp làm rõ các chỉ số đánh giá liệu danh mục thương hiệu này có đang hoạt động như kỳ vọng. Bất kỳ khi nào cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, thị trường cho các thương hiệu không có mục đích sẽ bị thu hẹp. Bất kỳ thương hiệu hay đơn vị kinh doanh tồn tại nào cũng cần phải đóng góp vào việc cải thiện lợi nhuận biên và các cơ hội doanh thu cho tập đoàn.
Coi phát triển lộ trình nhân sự là một ưu tiên
Một khía cạnh khác luôn cản trở việc triển khai công cuộc này chính là khâu quản trị nhân lực nghèo nàn. Một khi ban giám đốc đã quyết định cắt giảm và thu gọn danh mục thương hiệu, hầu hết sự chú ý sẽ được tập trung vào việc đạt được lợi thế cộng hưởng thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí.
Rất nhiều khi việc này được thực hiện mà không hiểu rõ năng lực hiện tại của các nhân sự. Cơ cấu nhân sự sai lầm hoặc đặt nhầm người vào phụ trách các thương hiệu được giữ lại có thể tạo ra ảnh hưởng vô cùng trầm trọng đến kết quả bền vững của chiến lược danh mục thương hiệu mới.
Do vậy, trước khi triển khai những thay đổi nhân sự hàng loạt, một việc cơ bản là xác định rõ những nhân tài cần thiết cho chiến lược mới bằng việc thiết lập một kế hoạch phát triển nhân sự. Dưới đây là một số việc nên cân nhắc khi phát triển kế hoạch nhân sự cho chiến lược mới:
– Rà soát năng lực của các nhân sự hiện tại trước khi triển khai phân việc mới.
– Nhận dạng những kiểu nhân tài mới cần thiết để tăng tốc cho pha triển khai.
– Thành lập viện đào tạo nội bộ chung cho các nhân sự cũ và các nhân sự mới để tạo sự hiệp lực trong tư duy và hợp tác.
– Đồng chỉnh hiệu quả hoạt động của các cá nhân với chiến lược danh mục thương hiệu mới.
– Thiết lập lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân sự để phản ánh mục tiêu và sự phát triển của kế hoạch chiến lược.
Chúng tôi đã tìm ra rằng khi các công ty nỗ lực để truyền thông và phát triển một kế hoạch cho các nhân sự cũ và mới, họ sẽ nhìn thấy sự cam kết lớn hơn để đạt được sự thay đổi thực sự. Điều này là rất cần thiết bởi con người nói chung đều cần sự chắc chắn, ổn định.
Bởi cùng với sự thay đổi sẽ là sự không chắc chắn trong tương lai cho nhân viên xét về con đường phát triển cá nhân. Kế hoạch phát triển nhân sự cùng với chiến lược danh mục thương hiệu mới đóng vai trò như sự đảm bảo và một lời cam kết đối với nhân viên, và từ đó sẽ tạo ra hiệu quả làm việc cao hơn.
Xây dựng và nuôi dưỡng môi trường cho sáng tạo
Khi việc rà soát đã hoàn thiện và chiến lược danh mục thương hiệu đã sẵn sàng để triển khai, một việc quan trọng nữa cần phải làm chính là phát triển một chiến lược khác để tạo điều kiện cho sáng tạo phát triển. Sự phát triển này sẽ không đơn thuần đề cập tới những sáng kiến về công nghệ mà còn bao hàm cách nuôi dưỡng môi trường sáng tạo cho nhân viên để họ chia sẻ và đóng góp ý tưởng nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong thế giới biến động không ngừng, việc cố gắng và đưa mọi người lại gần nhau là vô cùng quan trọng để họ hợp tác với nhau nhiều nhất có thể. Bởi vậy, mỗi người cần có cơ hội để tham gia rà soát các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó một quy trình cần được thiết lập để chỉ rõ cho họ thấy những ý tưởng này được lắng nghe và có tác động đến những kế hoạch của ban giám đốc.
Một khi những ý tưởng được rà soát, hãy chuyển chúng tới một đội nhóm chuyên sâu hơn để biến thành hiện thực. Hãy tận dụng những giây phút hợp tác để giảm thiểu tối đa những sự phân chia bè phái. Các tập đoàn lớn đang ngày càng khám phá ra rằng, khi các phòng ban hiểu rõ công việc của nhau hơn, họ sẽ có được nhiều kiến thức chuyên sâu mới và cơ hội để khám phá hơn.

Theo CEO Consulus/DNSG