Quản trị khách hàng Luật Việc làm 2013: “Giá đỡ” cho lao động tự do

Luật Việc làm 2013: “Giá đỡ” cho lao động tự do

21
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có gần 40 triệu lao động nằm “ngoài vùng” chính sách, phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Người lao động sẽ được hỗ trợ nhiều hơn trong Luật Việc làm. Ảnh: BÙI NỤ

Ngày 16-12-2013, Luật Việc làm chính thức được Quốc hội thông qua, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp lao động khu vực phi chính thức sớm ổn định và phát triển bền vững. Tuy nhiên dù đã có nhiều điểm mới so với các quy định hiện hành nhưng Luật Việc làm cũng còn không ít điểm bất lợi đối với người lao động.
Trong khi xu hướng thế giới là tích hợp các dịch vụ, phúc lợi xã hội thành một thẻ thì nước ta lại tăng thêm cho người lao động một sổ Bảo hiểm Việc làm khi đã có sổ BHXH. Ví dụ ở Pháp, các chế độ an sinh xã hội từ hỗ trợ tiền nhà, con cái đi học đến BHXH, BHTN, BHYT được hệ thống hóa, vừa thuận tiện cho người lao động vừa giúp quản lý hiệu quả, kiểm soát được sự gian lận trong khai báo tiền lương từ người lao động. 
Kỳ vọng của người lao động

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, những quy định trong Luật Việc làm sẽ là những biện pháp bảo đảm việc làm, phòng chống thất nghiệp cho người lao động. Cụ thể như: Hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng BHXH bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay. Trường hợp chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác trong DN.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm quyền lợi cho tất cả người lao động, Luật Việc làm đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm, bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn đủ 3 tháng trở lên; người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm việc làm… tức là được tham gia hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu họ mất việc làm. Với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN trong Luật Việc làm, dự kiến năm 2014 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng nhanh, ước chiếm khoảng 85-90% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy những quy định trong Luật Việc làm chính là “giá đỡ” cho lao động tự do, lao động phổ thông hiện nay.

Còn nhiều vướng mắc
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình BHTN nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Tuy nhiên, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia BHTN đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ BHTN dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu – chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế nên rất ít quốc gia thực hiện.
Đặc biệt, khá nhiều ý kiến cho rằng việc tách BHTN ra khỏi BHXH sẽ gây khó khăn cho DN khi đóng BHXH một nơi, BHTN một nơi thay vì chỉ đóng thêm 1% BHTN như hiện nay. Ông Hồ Xuân Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trong khi xu hướng thế giới là tích hợp các dịch vụ, phúc lợi xã hội thành một thẻ thì nước ta lại tăng thêm cho người lao động một sổ Bảo hiểm Việc làm trong khi đã có sổ BHXH. Ví dụ ở Pháp, các chế độ an sinh xã hội từ hỗ trợ tiền nhà, con cái đi học đến BHXH, BHTN, BHYT được hệ thống hóa, vừa thuận tiện cho người lao động vừa giúp quản lý hiệu quả, kiểm soát được sự gian lận trong khai báo tiền lương từ người lao động”.
Vấn đề nữa khiến nhiều người băn khoăn là việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, các DN sẽ lựa chọn và quyết định trả lương cho người lao động thực hiện công việc của mình căn cứ vào trình độ, kỹ năng thực hiện công việc của người lao động mà DN tự đánh giá. Việc đánh giá kỹ năng thực hiện công việc của người lao động đang làm việc cho mình do DN tự làm, tự tổ chức, không cần quan tâm tới một ai khác đánh giá hộ. Điều quan trọng, người lao động cũng không cần phải quan tâm đến việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề vì họ không thu hoạch được lợi ích về tiền lương, thu nhập sau khi đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (vì tiền lương, thu nhập do DN trả). Do chưa đồng thuận với lợi ích của đông đảo DN và người lao động, nên chính sách này sẽ không khả thi trên thực tế và làm lãng phí nguồn lực của nhà nước (phải đầu tư nguồn kinh phí, nhân lực cho việc tổ chức đánh giá và ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề).
 Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 54 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có hợp đồng lao động. Thống kê của Dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” công bố mới đây cũng cho thấy, trong vòng 5 năm gần đây, có 6,5 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp. Thống kê cũng cho thấy 80% là vì mục đích mưu sinh; gần 70% lao động di cư là thanh niên dưới 30 tuổi và đang gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Có rất ít lao động nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cơ quan Nhà nước để khắc phục khó khăn khi di cư (67,1% người lao động tự khắc phục khó khăn, 18,5% nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ và 15,7% nhờ họ hàng). Vì vậy, Luật Việc làm được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm còn mâu thuẫn trong Bộ luật Lao động và được coi là “cứu cánh” của lao động phi chính thức.

Theo Báo Hải Quan