Trong suốt 27 năm dưới thời của Huấn luyện viên Alex Ferguson, đội bóng hàng đầu nước Anh Manchester United (MU) đã đạt giá trị ước tính vào khoảng 3,1 tỉ USD (theo Forbes) trong làng thể thao thế giới. Trong suốt thời gian đó, MU đã giành được 13 danh hiệu Premier League nước Anh, 2 lần vô địch châu Âu (năm 1999 và 2008) và hàng loạt các danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế khác, đưa tổng số tài sản của HLV Alex Ferguson lên mức cao gần gấp đôi, trở thành vị huấn luyện viên xuất sắc kế tiếp của nước Anh.
Ảnh minh họa
Năm 2012, Giáo sư Anita Elberse của trường Đại học kinh doanh Harvard đã thực hiện nghiên cứu phương pháp quản lý của Ferguson, phát triển thành một nội dung giảng dạy trong trường. Theo Giáo sư Anita, những bài học quản lý này hoàn toàn có thể được ứng dụng rộng rãi trong kinh doanh và trong cuộc sống.
Một: Khởi đầu từ nền móng
Alex Ferguson đến Manchester United năm 1986, khi đó chỉ có duy nhất một cầu thủ MU dưới 24 tuổi, Ferguson nhìn nhận rằng tái cấu trúc độ tuổi của CLB là việc làm sống còn để đưa MU đi lên. Ferguson đặt ra mục tiêu dài hạn bằng cách trẻ hóa nhân sự cho United. Ông lập ra hai “Trung tâm tài năng” đào tạo các cầu thủ nhí triển vọng ở độ tuổi 8-9 tuổi, đồng thời tuyển một loạt nhà chiêu quân, đôn đốc họ tìm kiếm những tài năng trẻ hàng đầu.
Giáo sư Anita Elberse cho rằng đầu tư cho các tài năng trẻ thời gian đó quả là một sự đánh cược lớn bởi Chuyên gia bóng đá Alan Hansen- một nhân vật nổi danh thời đó từng nói: “Bạn không thể giành được bất cứ điều gì với những đứa trẻ”, vậy mà những đứa trẻ nhà Ferguson đã làm được những điều vĩ đại (tiêu biểu với cú ăn ba lịch sử năm 1999).
“Công việc của nhà quản lý cũng giống như một giáo viên, cần phải truyền cảm hứng cho người khác, dạy họ các kỹ năng, hướng họ thành những nhà vô địch, giúp họ trở nên tốt hơn, để họ có thể đi tới bất cứ nơi đâu. Khi bạn dành cơ hội cho những người trẻ tuổi, bạn không những tạo được vòng đời dài hơn cho đội bóng, mà còn tạo ra sự trung thành. Họ sẽ luôn nhớ rằng chính bạn đã mang đến cơ hội quý báu đầu tiên cho họ. Một khi họ biết bạn đang làm mọi thứ vì họ, họ sẽ chấp nhận cách bạn làm. Như vậy, bạn sẽ thật sự tạo được không khí của một gia đình. Hãy quan tâm tới những người trẻ, dành cho họ cơ hội để thành công, họ sẽ cho bạn thấy họ tuyệt vời thế nào” – Alex Ferguson chobieets.
Hai: Sẵn sàng xây dựng lại
Ngay trong giai đoạn gặt hái thành công, Ferguson cũng sẵn sàng thực hiện tái cấu trúc đội bóng. Ferguson được đánh giá cao cùng đội quân MU đã giành chiến thắng xuất sắc trong 5 mùa giải Premier League với rất nhiều huy chương khác. Các quyết định của Ferguson được dựa trên tầm nhìn về vị trí của đội bóng trong chu kỳ tái cấu trúc, và bởi tầm nhìn về “vòng đời” của các cầu thủ – những giá trị mà cầu thủ mang lại cho đội bóng trong mỗi thời điểm. Quản lý quá trình phát triển tài năng cũng không thể tránh khỏi việc cắt giảm cầu thủ, bao gồm cả những cầu thủ lão luyện đã gắn bó nhiều năm với đội bóng.
Phân tích các số liệu chuyển nhượng trong suốt một thập kỷ qua của Ferguson, giáo sư Anita Elberse đánh giá “Ferguson thật sự là một bậc thầy quản lý các tài năng. Ông ấy rất chiến thuật, rất lý trí và có tính hệ thống cao”. Các số liệu chỉ rõ trong thập kỷ vừa qua, trong khi MU chiến thắng 5 mùa giải Premier League nước Anh, CLB này tốn ít chi phí chuyển nhượng đến hơn hẳn Chelsea, Manchester City và Liverpool. Một trong các lý do chính là tính cam kết của các cầu thủ trẻ với MU. Các cầu thủ trẻ được tạo điều kiện để thành công. Phần lớn các cầu thủ lớn tuổi đều được chuyển nhượng đi khi vẫn còn phong độ, chỉ một số chiến binh kỳ cựu được giữ lại để duy trì văn hóa và tính bền vững cho CLB.
“Ông ấy không bao giờ chỉ nhìn vào hiện tại, ông ấy luôn nhìn thấy tương lai. Ông ấy có tài nhận biết cái gì cần thúc đẩy, cái gì cần đổi mới” – cầu thủ Ryan Giggs nhận xét về Ferguson.
Ba: Đặt tiêu chuẩn cao và buộc mọi người phải tuân theo
Giáo sư Anita Elberse đã lắng nghe Ferguson nói chuyện rất nhiệt huyết về việc ông muốn truyền tải các giá trị tinh thần tới các cầu thủ của mình. Hơn cả việc dạy cho họ kỹ năng, Ferguson muốn truyền cảm hứng giúp các cầu thủ cố gắng hơn nữa và không bao giờ từ bỏ – hay nói cách khác là biến họ thành những người chiến thắng. Ferguson đã tuyển về cả các cầu thủ được gọi là “thất bại thảm hại”, và yêu cầu họ làm việc cực kỳ chăm chỉ. Sau nhiều năm, thái độ làm việc này đã được lan tỏa – các cầu thủ không chấp nhận những đồng đội không chịu phấn đấu hết mình vì đội bóng. Những ngôi sao lớn cũng không phải là ngoại lệ.
“Tôi phải nâng mức kỳ vọng của các cầu thủ lên. Họ không bao giờ được chấp nhận mình thất bại. Và tôi luôn nói với họ rằng: “Nếu anh chấp nhận thất bại một lần, anh sẽ phải chấp nhận thất bại lần thứ hai”. Ferguson đã không ngừng nhắc nhở và rèn luyện cho các cầu thủ một tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ, điều đó tạo ra những ngôi sao hàng đầu.
Bốn: Không bao giờ được để mất kiểm soát
Ferguson nói: “Bạn không bao giờ được để mất kiểm soát – đặc biệt là khi bạn đang làm việc với 30 chuyên gia hàng đầu mà tất cả đều là tỷ phú. Nếu bất cứ một cầu thủ nào muốn thách thức quyền kiểm soát của tôi, tôi sẽ xử lý họ”. Theo giáo sư Anita thì phản ứng quyết liệt chỉ là một phần của câu chuyện thành công. Phản ứng nhanh chóng trước khi các tình huống vuột khỏi tầm tay cũng quan trọng không kém trong việc duy trì sự kiểm soát.
“Nếu đã từng có một ngày quản lý của Manchester United bị kiểm soát bởi các cầu thủ – hay nói cách khác, nếu các cầu thủ được tự quyết định các buổi luyện tập phải diễn ra thế nào, ngày nào họ nên được nghỉ, các quy tắc nào nên được áp dụng, và các kỹ thuật nào nên được sử dụng, thì khi đó Manchester United sẽ không thể là Manchester United mà chúng ta đang biết” – phát biểu của HLV Alex Ferguson.
Năm: Thông điệp phải khớp với thời điểm
Một điều làm cho giáo sư Anita Elberse thấy rất ngạc nhiên về Ferguson, một nhà lãnh đạo có tiếng là khắt khe, đó là mỗi khi cần phải truyền đạt các quyết định cho cầu thủ của mình, Ferguson đều phải điều chỉnh rất kỹ các câu từ sao cho hợp với tình huống. Khi Ferguson phải nói với một cầu thủ đang mong đợi sẽ được ra sân rằng hôm nay cậu ta sẽ không ra sân nữa, ông ấy sẽ dùng một cách nói rất tinh tế”. Ông sẽ nói rất riêng tư: “Nghe này, có thể là tôi đã sai, nhưng tôi nghĩ đây là đội hình đẹp nhất cho hôm nay rồi!” và ông sẽ giải thích đây là vấn đề chiến thuật, những trận đấu lớn thực sự còn ở phía trước.
“Không ai thích bị chỉ trích cả. Một vài người còn giỏi lên nhờ những chỉ trích, số còn lại sẽ giỏi lên vì những lời động viên. Cho nên tôi luôn cố gắng đưa ra lời khích lệ mỗi khi có thể” – ngài Alex Ferguson cho biết.
Theo tinh thần đó, khi cần thiết, Ferguson sẽ chỉ ra ngay những sai sót của cầu thủ ngay sau trận đấu và sẽ kết thúc ở đó mà không chỉ trích thêm một lời nào nữa. Thông thường, trước trận đấu, Ferguson sẽ nói về các kỳ vọng, niềm tin của các cầu thủ vào chính họ và vào đồng đội của mình. Giờ giải lao, nếu đội bóng đang trên đà thắng lợi, ông sẽ nói về việc tập trung thi đấu chứ không đi vào tiểu tiết. Nhưng nếu đội đang thua, ông sẽ nói về việc tập trung sức mạnh của cả đội và của mỗi cá nhân, và cũng chỉ ra lý do tại sao thua.
Sáu: Sẵn sàng tinh thần chiến thắng
Đội bóng của Ferguson có một biệt tài là giành được chiến thắng trong những phút cuối của trận đấu. Các phân tích của giáo sư Anita Elberse về kết quả các trận đấu đã chỉ ra rằng trong 10 mùa giải gần đây, MU có số lần gỡ hòa trong hiệp 2 và gỡ hòa khi chỉ còn 15 phút cuối thi đấu cao hơn hẳn bất cứ CLB nào của giải Premier League nước Anh. Hiển nhiên là những phát biểu khích lệ giữa giờ cũng như những thay đổi chiến thuật hợp lý đã tác động tới chiến thắng này, nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện.
Ferguson buộc các cầu thủ phải luyện tập thường xuyên cho tình huống phải ghi được một bàn thắng khi chỉ còn mười, năm hoặc ba phút. Và điều đó đã giúp đội bóng chiến thắng. Các buổi luyện tập của MU đều tập trung vào việc lặp đi lặp lại kỹ thuật và thủ thuật. Giáo sư Anita Elberse cho rằng phương pháp này mới chính là lời giải thích xác đáng cho những chiến thắng của MU, thay vì điều mọi người vẫn tin tưởng rằng chiến thắng là đương nhiên – các cầu thủ có thể tự động chuyển sang một số lối chơi khác.
Bảy: Tận dụng sức mạnh quan sát
Ferguson bắt đầu sự nghiệp làm HLV bóng đá khi ông 32 tuổi, tức là năm 1974. Trải qua các bước tiến trong sự nghiệp, cho đến tận khi thành công vang dội tại Manchester United và giao phó dần việc huấn luyện cho các trợ lý, Ferguson vẫn luôn có mặt tại sân tập và quan sát. Chia sẻ với giáo sư Alita Elberse, Ferguson cho biết việc chuyển đổi từ hướng dẫn sang quan sát đã cho phép ông đánh giá đúng hơn về các cầu thủ và phong độ của họ, giúp ông nhận ra những điểm cần thay đổi về phương pháp huấn luyện, mức độ năng lượng, cũng như cường độ làm việc.
Cuối cùng: Không bao giờ ngừng thay đổi
Trong suốt một phần tư thế kỷ Ferguson gắn bó với MU, thế giới bóng đá đã thay đổi mạnh mẽ, từ sự tham gia của giới tài chính (kéo theo những hệ quả cả tích cực và tiêu cực), đến những nghiên cứu khoa học giúp các cầu thủ thi đấu tốt hơn. Phản ứng với các thay đổi chưa bao giờ là việc dễ dàng, và thậm chí còn khó hơn nhiều đối với một người đã đứng trên đỉnh cao quá lâu. Nhưng những dấu hiệu về sự sẵn sàng thay đổi của Ferguson có thể tìm thấy khắp mọi nơi. David Gill chia sẻ với giáo sư Anita Elberse rằng Ferguson đã “thể hiện một khả năng thích ứng khủng khiếp mỗi khi cục diện trận đấu thay đổi”.
Giữa những năm 1990, Ferguson trở thành HLV đầu tiên đưa ra sân số lượng lớn các cầu thủ trẻ trong giải đấu kém danh tiếng Premier League Cup, việc làm mà ban đầu gây ra nhiều bất bình nhưng hiện nay lại trở nên phổ biến trong các CLB Premier Premier League. Ngoài sân đấu, Ferguson cho mở rộng phòng của nhân viên hậu thuẫn, và mời một đội khoa học thể thao đến hỗ trợ các HLV về dinh dưỡng, trang phục luyện tập có gắn thiết bị GPS rất hữu ích cho các cầu thủ. Ferguson cũng là HLV đầu tiên thuê bác sĩ thị lực và giáo viên yoga về chăm sóc sức khỏe cho các cầu thủ.
Ferguson từng nói: “Điều mà tôi vẫn luôn làm tốt trong nhiều năm đó là quản lý được những thay đổi. Tôi tin rằng bạn có thể kiểm soát được những thay đổi bằng cách chấp nhận chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đặt niềm tin vào những người bạn thuê. Giây phút mà một nhân viên chính thức được tuyển dụng cũng là lúc bạn phải tin vào việc mà họ đang làm… Nhiều người trong ngành của tôi không thích thay đổi. Nhưng tôi luôn cảm thấy tôi sẽ không bước tiếp được nếu không thay đổi. Chúng tôi phải thành công – tôi không có sự lựa chọn nào khác – và tôi sẽ tìm mọi cách để có thể phát triển hơn nữa. Tôi làm việc chăm chỉ hơn. Tôi luôn coi mỗi thành công đều là chiến thắng đầu tiên. Công việc của tôi là tạo cơ hội tốt nhất có thể để giành chiến thắng. Đó chính là động lực của tôi!”
Như vậy, qua đây chúng ta có thể nhận ra một điều là HLV Alex Ferguson không chỉ là một nhà quản lý thể thao đơn thuần mà còn là một chuyên gia tâm lý, kinh tế và một chuyên gia marketing đích thực đã đưa đội bóng đang gặp vô vàn khó khăn trong những năm giữa thập niên 80 trở thành thương hiệu hàng đầu của làng thể thao thế giới.
Theo dddn