Nếu chỉ vì hình ảnh đồng tiền nhảy múa trước mắt vẫy gọi mà bạn quyết định “nhảy việc”, bạn sẽ sớm gặp những sai lầm đáng tiếc.
Trong nền kinh tế khó khăn và thị trường lao động không nhiều vị trí tiềm năng như hiện nay, một quyết định nhảy việc đôi khi là bước đi cần thiết để giúp bạn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được những quyết định đúng đắn.
Dưới đây là những sai lầm phổ biến mọi người thường mắc khi muốn “nhảy việc” mà bạn nên ghi nhớ để giúp bản thân có những “bước nhảy” hợp lý:
– Không có lý do phù hợp để thay đổi
Bạn phải xem xét thật cẩn thận trước khi nhảy việc bởi thay đổi nghề nghiệp không giống như sự thay đổi thực đơn trong bữa sáng. Nếu “nhảy việc” chỉ vì đang phải chịu khủng hoảng tinh thần, bị ức chế vì mọi thứ không suôn sẻ… thì bạn nên nghĩ lại. Những căng thẳng sẽ qua đi trong ngày một ngày hai nhưng theo các chuyên gia, chuyển việc trong lúc không sáng suốt sẽ khiến bạn nhiều khi phải hối hận và rất khó để tìm được một vị trí tốt hơn.
– Thiếu kiến thức và kinh nghiệm
Nếu không có được lượng kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong một lĩnh vực nhất định, quyết định thay đổi công việc có thể sẽ khiến bạn thất bại ngay từ vòng đầu. Đừng nghĩ đơn giản rằng vừa làm vừa học, bởi chẳng có nhà tuyển dụng nào đủ kiên nhẫn với nhân viên động vào cái gì cũng phải hỏi, làm đến đâu hỏi đến đấy. Trừ khi bạn có đủ may mắn để có được một người quản lý có niềm tin vô cùng lớn vào bạn nếu không, các biện pháp rõ ràng nhất là hãy học hỏi, chuẩn bị kiến thức trước khi quyết định dấn thân vào một hành trình mới.
– Nhảy việc chỉ vì tiền
Tiền là gốc rễ của mọi tội lỗi? Điều đó không hoàn toàn đúng nhưng nếu bạn chuyển việc chỉ vì tiền, nó có thể khiến sự nghiệp của bạn sớm sụp đổ. Bạn nên tạm quên đi hình ảnh của những đồng tiền nhảy múa trước mắt và nhìn vào bức tranh sự nghiệp lâu dài, chất lượng cuộc sống, sự hài lòng với công việc là những thước đo quan trọng, hơn cả tiền bạc. Nếu chỉ vì tiền, bạn dễ biến mình thành kẻ “đứng núi này trông núi nọ”, rất khó để thăng tiến trong sự nghiệp cũng như tìm thấy sự ổn định trong cuộc sống.
– Bán kính tìm việc quá hẹp
Vấn đề ở đây là tham vọng và sợ hãi, nỗi sợ hãi nhiều khi mơ hồ nhưng bạn không biết cách loại bỏ nó. Nhiều người muốn thay đổi, tìm công việc khác nhưng không dám nhìn vào những công việc mà họ hội đủ điều kiện trong các lĩnh vực rộng hơn. Họ chỉ gò bó mình trong những lối mòn mà ở đó rát khó để bản thân bứt phá. Hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm, cho bản thân nhiều cơ hội hơn, miễn sao, công việc cuối cùng bạn lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích vả kinh nghiệm bạn đang có.
– Quá chú trọng vào bằng cấp
Sai lầm này đã trở thành “dịch bệnh” thật sự trong thị trường việc làm hiện nay. Nhiều người tin rằng, một tấm bằng MBA sẽ đảm bảo cho họ yên tâm có được vị trí điều hành tại một công ty lớn tuy nhiên, điều này không chi phụ thuộc vào bằng cấp. Hãy nhớ rằng, kinh nghiệm là thứ quý giá mà các nhà tuyển dụng “thèm muốn” hơn cả những bằng cấp chỉ hiển hiện trên giấy tờ.
– Không có mục tiêu rõ ràng
Giốn như một chiếc máy tính, bạn cần phải thiết lập mục tiêu cụ thể, lâu dài để phát triển con đường sự nghiệp. Nếu muốn thay đổi sang một lĩnh vực mới, việc vạch ra mục tiêu cụ thể và có kế hoạch rõ ràng thực sự là một yêu cầu không thể thiếu. Nếu người tìm việc chỉ cảm thấy mục tiêu một cách mơ hồ, không đưa ra được định hướng cụ thể thì thất bại là dấu hiệu nhãn tiền.
– Không “đánh bóng” hồ sơ
Nhiều người muốn “nhảy việc” nhưng lại tỏ ra khá lười nhác và cẩu thả trong khâu chuẩn bị hồ sơ, thậm chí có người còn gửi cả hồ sơ cũ đã dùng từ nhiều năm trước. Thực tế, sơ yếu lý lịch là cửa ngõ dẫn đến một sự nghiệp mới, bạn cần phủi bụi và “make-up” cho nó đẹp lơn trước khi gửi đến nhà tuyển dụng. Sơ yếu lý lịch nghèo nàn, không đầy đủ hay dùng bản cũ rích sẽ làm diệt vong cơ hội làm việc của bạn.
Các chuyên gia cho rằng, người tìm việc nên “đánh bóng” lại hồ sơ và nhất là nên viết lại sơ yếu lý lịch với những kinh nghiệm đang có đến thời điểm gần nhất. Đó vừa điểm thu hút và cũng là thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng.
– Không có sự tự tin và tư thế đĩnh đạc
Vấn đề ở đây là một câu hỏi về sự tự tin và phong thái cá nhân đã đủ vững vàng khi bạn quyết định đặt chân sang một lĩnh vưc mới? Nhiều người cứ tặc lưỡi theo kiểu “nhắm mắt đưa chân”, đến đâu hay đó để rồi mất điểm hết lần này đến lần khác khi khiến nhà tuyển dụng nổi cáu vì thiếu tự tin.
Bạn cần biết rằng, sự tự tin luôn là yếu tố hấp dẫn nhà tuyển dụng. Vì thế, tốt hơn là bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần, kiến thức trước khi đối diện nhà tuyển dụng. Tác phong làm việc của một người chiến thắng sẽ đem đến cho bạn cơ hội thành công cao hơn.
Theo Trí thức trẻ