Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố tại 2.080 doanh nghiệp vào quý IV/2012 cho thấy lương bình quân của lao động phổ thông, sơ cấp nghề 2,5 – 2,9 triệu đồng một tháng. Thu nhập này chỉ bằng một nửa so với người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ bậc trung. Tuy nhiên, nếu so với nhân viên, chuyên viên kỹ thuật bậc cao, mức lương của lao động phổ thông chỉ tương đương một phần tư.
Thuộc dạng công việc lương thấp là may gia công, dao động 2,5 – 3 triệu đồng một tháng. Năm 2012, các đơn vị không nhận được nhiều nguyên liệu để tự cắt và may ra thành phẩm nên công nhân không có cơ hội cải thiện thu nhập.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, lương hàng tháng dưới 3 triệu đồng là “quá thấp, không theo kịp giá cả thị trường”. Trong khi đó, dạng lao động phổ thông chiếm tới 30% lực lượng lao động tại TP HCM.
“Nếu lương không tăng trong thời gian tới, cuộc sống công nhân càng eo hẹp hơn vì giá cả cứ vẫn nhích lên. Nhiều người sẽ “tháo chạy” khỏi Sài Gòn, gây bất ổn cho thị trường việc làm”, ông lo ngại.
Đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội TP HCM cũng khẳng định, lương ngành may mặc gần như không xê dịch trong vài năm qua, bởi giá gia công cứ đứng im tại chỗ.
Ngoài ra, nhiều năm nay, các công việc phục vụ quán ăn, cà phê, nhà hàng điều chỉnh mức lương rất ít. Người lao động vẫn chỉ hưởng 2,1 – 2,8 triệu đồng một tháng. Đối tượng đảm nhận chủ yếu là nữ giới, vì yêu cầu của công việc là sự tỉ mỉ, chu đáo, khéo léo.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề – giới thiệu việc làm Thanh Niên ước tính, mỗi ngày, người lao động chỉ kiếm khoảng 80.000 đồng, tương đương 2,1 triệu đồng một tháng. Kể cả khi được nhận khoản tiền “típ” hàng tháng do khách không nhận lại tiền thừa, thu nhập của họ cũng khó trên 3 triệu đồng. “Khoản thu nhập này chẳng thấm vào đâu so với mức sống tại TP HCM, khi mở mắt ra là đối mặt với tiền ăn, tiền phòng trọ, đi lại và nhiều chi phí không tên khác…”.
Khác với 2 loại công việc nói trên, vị trí bán hàng tuy lương cơ bản tầm 2,5 – 3 triệu đồng một tháng, nhưng họ còn được hưởng thêm doanh số bán sản phẩm. Tuy nhiên, do đặc thù kinh doanh năm nay khó khăn, tồn kho nhiều, một loạt công ty thu hẹp sản xuất nên nhân viên bán hàng khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra, theo thông tin từ đại diện một trang web việc làm ở TP HCM.
Ngoài lao động phổ thông, nhiều người có chuyên môn cũng nằm trong nhóm thu nhập thấp. Năm nay, một loạt công ty giảm lương để tiết kiệm chi phí kinh doanh nên một số vị trí văn phòng bị điều chỉnh lương mạnh, đơn cử như kế toán. Theo một trang web việc làm, có công ty, nhân viên kế toán trước đây khoảng 5 triệu đồng, nay giảm chỉ còn dưới 3 triệu đồng một tháng. Kế toán viên hoặc kế toán tập sự được tuyển nhiều nhưng mức lương chỉ từ 1 triệu (tập sự, thực tập) hoặc 2,5 – 3 triệu đồng một tháng (kế toán viên chính thức).
Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win – Win phân tích, phải rất dè sẻn, người lao động mới chi tiêu đủ trong khoản tiền lương 3 triệu mỗi tháng và sẽ hợp lý hơn nếu được trả 5 triệu đồng.
“Doanh nghiệp nên chi ra thêm một khoản để trả lương, đổi lại, người lao động sẽ phấn chấn làm việc, cống hiến hết mình. Cái lợi mà công ty có được có khi còn hơn khoản trả thêm lương”, ông Năm hiến kế.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố, lao động phổ thông, sơ cấp nghề đang mong muốn tìm công việc có mức lương 3 triệu đồng trở lên, chứ không phải dưới 3 triệu như hiện tại. Trên 50% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm mong muốn lương hơn 5 triệu đến 8 triệu đồng mỗi tháng.
Theo VnExpress