Hướng phát triển cho ngành dược liệu của Việt Nam

Đầu tư phát triển các dự án dược liệu để đảm bảo số lượng và chất lượng đang là hướng đi của một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cũng như sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, diện tích và quy mô các dự án dược liệu trong nước vẫn còn hạn chế trong khi Chính phủ đã tạo ra rất nhiều cơ chế ưu đãi cho ngành đặc thù này. Anh Mai Thế Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển dược liệu sạch Hà Nội cho biết: “Khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta rất thuận lợi để có thể phát triển được nhiều loài cây thuốc quý, quỹ đất dành cho các dự án khá dồi dào, lao động sẵn có, chi phí nhân công thấp, chi phí đào tại nhân công cũng không hề tốn kém. Nhưng điều khó khăn cản trở ở đây là cơ chế bao tiêu cũng như giá thành sẽ là bức tường vô hình ngăn cản nguồn dược liệu sạch đến với ngành dược liệu và các ngành khác trong nước. Bên cạnh đó, nguy cơ thất thoát và mất cân bằng nguồn dược liệu trong quy hoạch sẽ diễn ra bởi nước ngoài luôn sẵn sàng thu mua dược liệu của nước ta với giá rất cao”.
Anh Mai Thế Thành nhận cúp ”Bản lĩnh doanh nhân thời hội nhập” do tiến sĩ Cao Sĩ Khiêm trao tặng.
Trong mỗi dự án bao giờ cũng phải tính đến số lượng nguyên liệu phục vụ nội địa và số lượng cho xuất khẩu, để đảm bảo ổn định điều đó cũng là ổn định cho việc kinh doanh sản xuất cho các công ty dược trong nước thì trước hết các công ty này phải có cơ chế đầu ra thật ổn định cho các nhà đầu tư phát triển dự án. Thị trường kinh doanh nước ta phụ thuộc nhiều vào mệnh giá đô la, giá vàng, giá xăng dầu, giá điện, cổ phiếu… Vì thế, có thể nói thị trường các mặt hàng tiêu dùng trong đó, có cả thuốc chữa bệnh luôn luôn bất ổn từng ngày.
Trồng dược liệu như nhân sâm cũng phải sau 6 năm mới được thu hoạch, tam thất thì sau 7 năm trong khi ngành nông nghiệp của chúng ta để bao tiêu cho một vụ lúa trong vài tháng. Đây cũng đã là cả một vấn đề lớn, với cây trồng đặc thù như cây dược liệu sẽ luôn là một thách thức lớn cả với nhà nước khi đặt bút quy hoạch vùng, cho tới các nhà đầu tư dự án và các công ty sản xuất dược.
Hiện trạng phát triển dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp, do vậy để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Nhu cầu thực tế hiện nay với nguyên liệu dược rất cao trong cả nội địa và xuất khẩu nên nếu dành tâm huyết quyết tâm, nghiêm túc hợp tác thực hiện sẽ thành công và bền vững.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khó khăn trong chuỗi phát triển và sản xuất nguồn nguyên liệu dược đó là công nghệ sơ chế, bảo quản, chiết xuất và tổng hợp hoạt chất của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bởi nếu chỉ xuất thô với giá rẻ và nhập tinh với giá đắt thì lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu. Nếu mỗi nhà đầu tư hoặc nhà sản xuất phải đầu tư công nghệ này thì rất tốn kém và lãng phí. Cần phải có một công ty phát triển hệ thống công nghệ này để hỗ trợ cho ngành. Nước ta đã có rất nhiều dự án trồng trầm hương với tầm cỡ quy mô nhưng thiếu công nghệ chiết tách nên phải xuất đi như nguyên liệu thô rồi lại nhập nguyên liệu tinh để điều chế thành phẩm thành hương liệu cho ngành hóa mỹ phẩm. Như vậy, chi phí nâng cao và giá thành đội lên khiến lợi nhuận và doanh số bị hạn chế rất nhiều.
Nếu chỉ trong khuôn khổ ngành dược ở nước ta thì số cây làm nguyên liệu đã có hơn 3.000 loài, chưa nói đến ngành hóa mỹ phẩm (hương liệu), thực phẩm (gia vị). Trong đó, có rất nhiều loài cây nguyên liệu quý hiếm và có giá trị lớn. Nguồn dược liệu phục vụ cho ngành dược trong nước hiện phải nhập 80% đến 90% trong khi chất lượng không rõ ràng và khó kiểm soát

Theo Vnexpress