Tốc độ tăng bình quân/năm nếu trong thời kỳ 1998-2005 mới đạt 15,8%, thì thời kỳ 2006-2012 đã đạt 27,6%, đặc biệt trong thời kỳ 2011-2012 tăng tới 47,8%.
Điện tử, máy tính là mặt hàng kỹ thuật- công nghệ cao, mặc dù mới tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, nhưng mấy năm nay đã tăng rất nhanh và đang hướng tới kỷ lục mới, mốc 11 tỷ USD.
Theo cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện qua một số năm và dự báo năm 2013 của người viết như sau.
Theo đó, tốc độ tăng bình quân/năm nếu trong thời kỳ 1998-2005 mới đạt 15,8%, thì thời kỳ 2006-2012 đã đạt 27,6%, đặc biệt trong thời kỳ 2011-2012 tăng tới 47,8%.
Năm 2012 so với năm 1997, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính đã cao gấp trên 17,8 lần bình quân 1 năm tăng gần 21,2%- cao hơn nhiều các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (gần 12,5 lần, tăng 18,3%/năm).
Trong 9 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính đã tăng tới 45,3% so với cùng kỳ năm trước và gần bằng với mức cả năm 2012. Nếu bình quân tháng trong 3 tháng bằng với mức đã đạt được trong tháng 9 (1 tỷ USD), thì cả năm 2013 sẽ đạt xấp xỉ 10,8 tỷ USD; nếu tốc độ tăng so với cùng kỳ của 3 tháng cuối năm bằng với tốc độ tăng của 9 tháng, thì cả năm 2013 sẽ đạt xấp xỉ 11,4 tỷ USD.
Việc tăng cao của mặt hàng này, cùng với các mặt hàng khác như điện thoại…, đã góp phần làm cho tăng trưởng tổng kim ngạch đạt cao và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu chuyển biến tích cực.
Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố. Số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học là 630, với tổng số lao động khoảng 240 nghìn người, với tổng số vốn trên 124 nghìn tỷ đồng, với giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn khoảng 60,5 nghìn tỷ đồng, với tổng doanh thu thuần đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng…, tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong toàn ngành công nghiệp cũng như trong toàn bộ nền kinh tế của cả nước, nhưng lại có năng suất lao động cao, hiệu quả đầu tư khá, nên chỉ số phát triển sản xuất tăng cao hơn chỉ số phát triển sản xuất của toàn ngành công nghiệp (năm 2011 tăng 81,2% so với 9,1%, năm 2012 tăng 12,9% so với 6,3%, 9 tháng 2013 tăng 1,3% so với 5,5%, nhưng tháng 9 tăng 6,2% so với 5,6%).
Một yếu tố quan trọng là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm tới 98,3%, thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ có 1,7%. Một yếu tố quan trọng khác là có nhiều thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng điện tử, máy tính sản xuất tại Việt Nam trong 8 tháng, như: Trung Quốc (1,5 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước), EU (1,47 tỷ USD, tăng 73,8%), Hoa Kỳ (856 triệu USD, tăng 50,1%), Malaixia (747 triệu USD, tăng 41,8%)…
Tuy đạt được kết quả như trên, nhưng về xuất nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng đặt ra một số vấn đề, nhất là tính gia công, lắp ráp trong lĩnh vực này rất lớn.
Trong khi xuất khẩu 9 tháng năm nay đạt 7,775 tỷ USD, tăng 45,3%, thì nhập khẩu mặt hàng này đã lên đến 13,046 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Đành rằng trong tổng kim ngạch nhập khẩu, có một phần để lắp ráp các mặt hàng cho xuất khẩu và một phần để dùng cho nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có nhiều (trong 8 tháng 2013 lớn nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia…).
Về cân đối giữa xuất và nhập khẩu về mặt hàng này, Việt Nam đã ở vị thế nhập siêu khá lớn, lên tới 5,271 tỷ USD, bằng 67,8% kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, cần phải phát triển nhanh hơn công nghiệp phụ trợ để khắc phục tình trạng gia công, đại lý, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm tính lan tỏa của kỹ thuật- công nghệ hiện đại.
Theo Chinhphu.vn