Những thành công bất ngờ từ tôm-lúa

Vùng luân canh tôm-lúa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã hình thành nhiều năm nhưng năm nay, đang được đánh giá thành công bất ngờ, có người nuôi 1 ha lãi cả tỷ đồng.

Lãi cao
Ông Nguyễn Văn Như ở ấp Lê Văn Xe, xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), phấn khởi cho biết: Với diện tích 3,5 ha, ông chia làm 8 ao thả tôm thẻ chân trắng. Giữa tháng 8, sau gần 90 ngày nuôi, ông thu hoạch 1,5 ha, được 8,6 tấn, bán giá 140.000 đ/kg (loại 80 con/kg), thu 1 tỷ 204 triệu đồng, lãi trên 600 triệu đồng. “Diện tích còn lại đang chờ thu hoạch, nếu tiếp tục giữ được mức giá hiện nay, vụ tôm năm nay gia đình tôi cầm chắc trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi”, ông Như khẳng định.
Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Đông, ông Trịnh Thanh Hồng, cho biết HTX có 13 xã viên với diện tích tôm – lúa 25,5 ha, năm nay thả nuôi 100%. Vào vụ, có trên 50% xã viên thiếu vốn sản xuất do không vay được ngân hàng. Ông Hồng nói: “Nhưng gia đình tôi làm đại lý con giống và thức ăn, đã bán chịu đến sau thu hoạch mới thu tiền nên các xã viên nuôi hết diện tích. Những hộ thả nuôi đợt 1 đã thu hoạch, tỷ lệ có lãi đến 99%. Nhờ trúng mùa và được giá, năm nay ước lợi nhuận của các xã viên đạt khoảng 10 tỷ, trong khi cũng diện tích ấy năm 2012 chỉ đạt lợi nhuận 2,6 tỷ đồng”.
Xã Ngọc Đông nằm trong vùng sản xuất tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng đã nhiều năm, khẳng định được sự thành công so với cây lúa, còn với con tôm thì năm nay thành công bất ngờ. Cá biệt có người nuôi 1 ha có lãi cả tỷ đồng, còn nuôi 0,2 -0,3 ha cũng lãi hàng trăm triệu đồng.
Thạc sĩ Tăng Thanh Chí, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Đông, cho biết, tôm thẻ chân trắng nuôi bán thâm canh ở mật độ trung bình, nuôi 75- 90 ngày là thu hoạch, năng suất 3,5 tấn/ha, giá bán 140.000 đ/kg (70-80 con /kg) đã cho doanh thu 490 triệu đồng/ha, cao gấp 14 lần so với lúa thơm, lợi nhuận tối thiểu 50%. Tôm thẻ chân trắng, một năm nuôi được 2 vụ, tổng lợi nhuận không nhỏ. Hết vụ tôm, chuyển sang làm lúa còn có thêm thu nhập khá. Đến ngày 12/9, toàn xã Ngọc Đông thả nuôi tôm thẻ 815 ha, đạt 163,05% kế hoạch.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, ông Trần quốc Quang, cho biết: Toàn huyện đã thả tôm thẻ chân trắng 5.091,1 ha. Còn bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đến đầu tháng 9, toàn tỉnh đã thả nuôi 40.533,3 ha tôm nước lợ, trong đó tôm thẻ chân trắng 13.024 ha, “vụ tôm năm nay có nhiều thuận lợi, ít rủi ro, nhờ tăng cường khuyến cáo lịch mùa vụ và thời điểm thả nuôi, kết hợp với thả thăm dò ở đầu vụ nên tỷ lệ rủi ro thấp”.

Bền vững
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên Trần Quốc Quang cho rằng, luân canh tôm-lúa thắng lợi trong tình hình dịch bệnh tôm hoành hành hai năm qua, cho thấy rõ đây là hình thức canh tác bền vững mà khoa học đã khẳng định. Ông Quang nói, tuân thủ 1 vụ tôm (hoặc 2 vụ tôm) xen 1 vụ lúa, giảm tác hại đến thiên nhiên, “chính cây lúa sẽ cải tạo được môi trường nuôi tôm, cắt đứt mầm bệnh trong vùng nuôi”.
Đánh giá sơ bộ vụ tôm năm 2013, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, phân tích, diện tích tôm thẻ chân trắng tăng gần gấp đôi kế hoạch và gấp 3 lần so với năm 2012, nhưng thiệt hại giảm nên sản lượng tôm năm nay sẽ tăng cao. “Tổng diện tích đã thu hoạch trên 12.922 ha (tôm thẻ 5.670 ha), năng suất bình quân tôm sú 1,8 tấn/ha, tôm thẻ 5,3 tấn/ha, sản lượng tôm của Sóc Trăng đến thời điểm này đã đạt 40.936 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của địa phương”, bà Bình nói.
Ba cuộc hội thảo khoa học về tôm-lúa do Bộ NN&PTNT tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định đây là hệ thống canh tác cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói: Tôm-lúa là hình thức “nông nghiệp thông minh”. 
Nhiều nhà khoa học khẳng định: “Luân canh tôm-lúa phù hợp với thời kỳ biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, ở ĐBSCL một thời gian lại tập trung vào thâm canh tôm sú để gây ra dịch bệnh như hai năm qua, mà còn thiếu chính sách và quy hoạch, kế hoạch cụ thể phát triển tôm-lúa.

Theo Tiền phong