Bên cạnh giá cá thấp, thiếu vốn sản xuất, hiện nay người nuôi cá tra còn phải đối diện với dịch bệnh trên diện rộng và nhiều khó khăn khác.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh hiện nay là 123,3 ha; trong đó 38,8 ha là của các hộ nuôi cá thể, 65,9 ha của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, 3 ha của nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp và 15,6 ha của các xã viên Hợp tác xã cá tra Hòa Hưng (Cái Bè). Hiện nay, hoạt động nuôi cá tra gần như chỉ còn diễn ra ở các vùng nuôi của doanh nghiệp và vùng nuôi gia công.
Bức tranh nghề nuôi cá tra của tỉnh Tiền Giang tĩnh lặng như vậy là do hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra từ đầu năm 2013 đến nay gặp rất nhiều khó khăn. Giá cá thương phẩm liên tục nằm dưới giá thành sản xuất và khó tìm được đầu ra, khiến người nuôi chịu thua lỗ trong thời gian dài dẫn đến hết vốn và hầu như không còn khả năng tái sản xuất, nhất là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Những ngày gần đây, giá cá thương phẩm đã tăng nhẹ trở lại khoảng 1.000 đồng/kg, hiện đang ở mức 20.000 – 21.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn phải chịu lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg (từ 600 – 900 triệu đồng/ha/vụ).
Bên cạnh giá cá thấp, thiếu vốn sản xuất, hiện nay người nuôi cá tra còn phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Dịch bệnh trên cá tra ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều loại bệnh như: gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan, trắng mang, vàng da…
Trong khi đó, việc sử dụng thuốc không đúng cách do kết hợp nhiều loại kháng sinh không có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, hoặc sử dụng kháng sinh nguyên liệu không đúng liều lượng trong điều trị bệnh cho cá khiến đàn cá bị kháng thuốc nên khi cá bị bệnh thì việc điều trị trở nên khó khăn.
Năm nay, người nuôi cá tra thâm canh thả giống với mật độ từ 65 – 75 con/m2 (cao hơn so với mật độ từ 55 – 60 con/m2 trong năm ngoái), trong khi chất lượng con giống giảm nên tỷ lệ hao hụt trong hoạt động nuôi cá tra ngày càng tăng.
Sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người nuôi nhỏ lẻ khó tiêu thụ cá, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, thời gian cho vay vốn của các ngân hàng ngắn, chỉ từ 3 – 6 tháng, trong khi thời gian nuôi cá tra phải từ 6 – 8 tháng khiến người nuôi cá gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê, diện tích thả giống mới từ đầu năm đến nay là 77 ha, giảm so với 80,8 ha cùng kỳ năm 2012. Diện tích hiện đang nuôi là 95 ha. Đến thời điểm này toàn tỉnh Tiền Giang đã thu hoạch 22.488 tấn/67,4 ha, giảm so với 24.792 tấn/79,85 ha cùng kỳ năm 2012.
Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, người nuôi cá tra cần có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trước khi tiến hành thả nuôi, không thả giống với mật độ quá cao; đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất…
Theo Báo Ấp Bắc