Nghiệp vụ OMO được sử dụng hiệu quả

Công cụ OMO có thể được xem là một trong những kênh quan trọng nhất trong hoạt động điều hành thị trường vốn của NHNN, đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM.

Nhìn lại hoạt động điều hành và sử dụng công cụ thị trường mở (OMO) của NHNN thời gian vừa qua, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối Ngân hàng toàn cầu, kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết:
Công cụ OMO đã được NHNN sử dụng hết sức linh hoạt và hiệu quả trong khoảng 2 năm gần đây, điển hình với việc giảm lãi suất nghiệp vụ mua/bán lại một cách kịp thời, phù hợp với định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế.
Hai đợt giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 5 năm nay đã hỗ trợ mạnh mẽ cho việc ổn định lãi suất thị trường trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6. Đặc biệt khi tình hình kinh tế thị trường thế giới biến động vào cuối tháng 6 thì đợt giảm tiếp lãi suất OMO vào tháng 7 cũng đã giảm thiểu biến động của thị trường trong nước và tạo tiền đề cho sự ổn định của các tháng tiếp theo.

Vậy ông nhìn nhận thế nào về các tác động của việc điều hành công cụ này đến các yếu tố vĩ mô và thị trường tiền tệ, đặc biệt liên quan đến vấn đề lạm phát và tỷ giá?
Như đã đề cập ở trên, các đợt giảm lãi suất OMO đã được thực hiện rất đúng thời điểm. Hai lần đầu diễn ra trong bối cảnh chỉ số CPI ổn định ở mức thấp (tháng 3 tăng 6,64% và tháng 5 tăng 6,36% so với cùng kỳ năm trước) và dư địa để tăng trưởng tín dụng (TTTD) còn nhiều. Trong khi đó, lần giảm vào tháng 7 là tín hiệu kịp thời của NHNN trước việc lãi suất thị trường tăng đột biến.
Công cụ OMO có thể được xem là một trong những kênh quan trọng nhất trong hoạt động điều hành thị trường vốn của NHNN, đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM. Với việc giảm lãi suất OMO, NHNN muốn phát tín hiệu định hướng ổn định lãi suất và đảm bảo khả năng thanh khoản của thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, với đặc trưng của nguồn vốn qua kênh này là rất ngắn hạn (kỳ hạn chỉ 7 ngày) và tỷ trọng không đáng kể so với tổng giá trị của thị trường vốn liên ngân hàng. Trung bình từ đầu năm đến nay NHNN cho các NHTM vay khoảng 700 tỷ đồng/ngày kỳ hạn 7 ngày, so với khối lượng giao dịch trung bình của thị trường liên ngân hàng 18 – 20 ngàn tỷ đồng/ngày, nên sẽ rất khó để định lượng tác động của công cụ này lên tỷ giá và lạm phát.

Mới đây, HSBC nhận định lãi suất trên OMO khó có thể giảm thêm nữa, đâu là những căn cứ để HSBC đưa ra nhận định này?
Với việc điều chỉnh giá xăng và giá điện trong thời gian gần đây, cùng với việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND vào đầu tháng 6, khả năng lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới sẽ lớn hơn. Hơn thế nữa, trong bối cảnh giá hàng hoá thế giới sẽ tăng nhanh khi kinh tế toàn cầu hồi phục, việc điều hành lãi suất trong nước sẽ phải thận trọng để lạm phát không bùng phát. NHNN sẽ muốn tránh việc giảm thêm lãi suất OMO và phát tín hiệu định hướng giảm lãi suất thị trường sâu thêm nữa. Và tôi cho rằng đó chính là lý do mà Khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC đưa ra dự báo như vậy.

Khi tham gia thị trường OMO, NHTM cần lưu ý những điểm gì?
Điểm lưu ý đầu tiên là, để tham gia nghiệp vụ OMO, các NHTM phải là thành viên OMO và có nguồn giấy tờ có giá theo Quy chế của nghiệp vụ OMO.
Điểm thứ hai là, với mục đích cung cấp vốn ngắn hạn cho các NHTM, do đó các NHTM không nên dựa dẫm quá nhiều vào kênh này mà cần có kế hoạch huy động phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của bản thân mỗi ngân hàng mình. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, với tổng lượng giao dịch qua kênh này chỉ vào khoảng 700 tỷ đồng/ngày thì có thể kết luận là các NHTM vẫn đang chủ động được việc cân đối nguồn vốn và quản lý thanh khoản.
Theo nhận định của ông, liệu áp lực chênh lệch giữa tăng trưởng vốn huy động và cho vay ra có quá lớn khiến các NHTM phải quay sang các kênh đầu tư khác, như ngoại tệ? Nếu có, NHNN nên hóa giải áp lực này bằng các công cụ và giải pháp nào?
Thực tế cho đến nay thì có sự chênh lệch tương đối giữa tốc độ tăng trưởng huy động (9,40% cho 8 tháng đầu năm) và TTTD (6,21% đến hết 29/8/2013). Tuy nhiên, với định hướng TTTD cho cả năm 2013 ở mức 12% thì mức chênh lệch này là không đáng kể nên không đáng quan ngại.
Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, NHNN đã chủ động vận dụng linh hoạt kênh phát hành tín phiếu với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng để điều tiết mức chênh lệch này. Tổng lượng tín phiếu đã được phát hành trong 8 tháng đầu năm nay vào khoảng gần 198 ngàn tỷ đồng.

Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của công cụ OMO từ nay đến cuối năm?
Với định hướng TTTD 12% của năm nay, khả năng thanh khoản của các NHTM là đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, theo chu kỳ sản xuất hàng hoá hàng năm và dịp Tết nguyên đán cũng đang đến gần, tôi nhận định rằng công cụ OMO sẽ một lần nữa chứng tỏ vai trò trong việc điều tiết thanh khoản cho thị trường vốn trong nước và giúp ổn định lãi suất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng