Việc cùng lúc có quá nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào lĩnh vực chế biến dăm gỗ đã dẫn đến hệ lụy không đủ nguyên liệu để hoạt động, thậm chí, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
Trong vài tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu đóng ở khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định đã phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Dăm gỗ nằm tồn kho dù gặp khó khăn về tài chính nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa bán vì đợi giá xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, cho đến lúc này, giá dăm gỗ trên thị trường thế giới tiếp tục hạ, từ 134 USD/tấn hồi đầu năm, giờ còn 124 USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp đều không có lời, thậm chí thua lỗ.
Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết: “Số lượng nhà máy tăng gấp 3 lần nên các nhà máy cạnh tranh nhau bằng cách đẩy giá thu mua. Chất lượng dăm gỗ giảm do chủ rừng thấy nhiều người mua nên khai thác rừng non để bán. Đây chính là lý do khiến người mua bị ép giá”.
Việc hàng loạt doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu gặp khó là hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt nhà máy chế biến tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Như tại Bình Định, nếu như năm 2010, cả tỉnh Bình Định chỉ có 5 nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm, nay đã tăng lên 22 nhà máy với tổng công suất hơn 1 triệu tấn/năm.
Nhà máy thì nhiều nhưng vùng nguyên liệu thì có hạn nên ngay tại các địa phương đang diễn ra tình trạng tranh mua nguyên liệu, thậm chí mua cả gỗ non để đưa vào chế biến. Hiện ở nhiều địa phương diện tích rừng trồng nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 35% công suất của các nhà máy chế biến dăm gỗ. Thời điểm hiện tại, các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất.
Theo Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm sản Bình Định, việc tranh mua, tranh bán đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và rủi ro này thuộc về các doanh nghiệp. Hiện, có đến 1/3 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ trong nước gặp khó khăn.
Ông Nguyễn An Điềm cho biết thêm: “60% doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc, thị trường này nắm được điểm yếu của ta nên ép giá. Có những lúc chúng tạo ra sự dư thừa giả tạo, sau đó, hạ giá. Trong khi đó, doanh nghiệp dăm gỗ nước ta có sức chịu đựng thấp nên thua lỗ”.
Giá dăm gỗ rớt, không chỉ doanh nghiệp mà người trồng rừng cũng gặp khó, bởi giá thu mua gỗ nguyên liệu sụt giảm theo. Một động thái đang được các địa phương ở miền Trung triển khai lúc này là dừng hoặc hạn chế việc cấp phép mới các nhà máy chế biến dăm gỗ.
Còn Hiệp hội gỗ và lâm sản các địa phương trong khu vực cho rằng, bên cạnh giải pháp quy hoạch nhà máy chế biến dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu thì các doanh nghiệp không nên quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà nên mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường mới. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo tính bền vững cũng như giải quyết phần nào những khó khăn mà các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu đang đối mặt.
Theo VTV