TP.HCM: Kêu gọi vốn đầu tư vào ngành công nghệ cao

Để trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại, chính quyền TP.HCM đang kêu gọi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Mặc dù tình hình thu hút FDI của Việt Nam gần đây có dấu hiệu giảm sút nhưng TP.HCM vẫn có được sự tăng trưởng khá ấn tượng. Ngày 10/9, ba dự án FDI với tổng giá trị 170 triệu USD của DN Nhật Bản đã được chính quyền TP. HCM trao giấy chứng nhận đầu tư. Ba dự án gồm dự án khu Kỹ nghệ Việt- Nhật, vốn khoảng 31 triệu USD đầu tư tại KCN Hiệp Phước. 
Dự án tăng vốn đầu tư 129 triệu USD của Công ty TNHH Sài Gòn Precision tại KCX Linh Trung II, nâng tổng vốn đầu tư của công ty này lên 219 triệu USD để nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ và xây dựng nhà máy thứ tư. Dự án tăng vốn 10 triệu USD của Công ty TNHH Nidec Tosok Akiba Việt Nam tại KCX Tân Thuận, nâng tổng vốn đăng ký lên 38,5 triệu USD để hiện đại dây chuyền sản xuất và đầu tư mới thiết bị máy móc.
Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có 4.575 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đầu tư 32,78 tỷ USD, đứng đầu cả nước về tổng vốn đầu tư. Trong 2 năm (2011, 2012) và 8 tháng đầu năm 2013, hiện TP.HCM có 1.135 dự án FDI mới được cấp giấy đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, trong đó có 339 dự án điều chỉnh vốn trên 1,83 tỷ USD. 
Như vậy, tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và dự án tăng thêm vốn đã đạt 5,83 tỷ USD, chiếm 15,73% so với cả nước. UBND TP.HCM dự ước, tình hình thu hút vốn FDI trong năm 2013 của TP.HCM dự ước đạt khoảng 1,29 tỷ USD, trong đó số DN nước Châu Á chiếm số đông.
Để hiện địa hóa ngành công nghiệp từ nguồn vốn FDI, UBND TP.HCM đang kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào các dự án về công nghiệp công nghệ cao, đầu tư sản xuất các loại sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, xây dựng hạ tầng đô thị, điện, xử lý chất thải, y tế, giáo dục… Đối với các KCN và KCX, chủ trưởng của TP.HCM là tập trung mời gọi đầu tư vào 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ cao gồm ngành cơ khí, điện tử- tin học, hóa chất và tinh chế lương thực- thực phẩm.
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong 2 năm 2011-2012, bình quân ngành công nghiệp cơ khí của TP.HCM đạt mức tăng trưởng 13,4%, ngành cơ khí được xác định là ngành công nghiệp trọng yếu (chiếm 20% – 21% giá trị gia tăng trong công nghiệp) của hoạt động kinh tế thành phố. 
Trong vài năm gần đây, ngành cơ khí của TP.HCM không ngừng thu hút được những dự án đầu tư lớn, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất. Tuy vậy, ngành công nghiệp cơ khí đang cần đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu, công nghệ đúc mẫu chảy, công nghệ nhựa Furan để thay thế hàng nhập khẩu và tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ hơn để phục vụ cho ngành xay xát, bào chế dược, chế biến thực phẩm.
Hiện tại ngành điện tử- công nghệ thông tin của TP.HCM có tốc độ tăng trưởng bình quân 4,6%/năm (trong năm 2011 – 2012), chiếm hơn 27% thị phần cả nước. Trong lĩnh vực này, nhiều dự án lớn của Intel, Nidec sản xuất sản phẩm công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử, bán dẫn và nhiều dự án gia công phần mềm, sản xuất sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời thay thế năng lượng điện…TP.HCM đang có lợi thế về hạ tầng (Khu Công nghiệp Phần mầm Quang Trung và Khu công nghệ cao), nhiều chuyên gia giỏi để thu hút các DN nước ngoài hợp tác đầu tư nhắm đến xuất khẩu các loại sản phẩm công nghiệp giàu trí tuệ. 
Ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm đang được UBND TP.HCM định hướng phát triển từ đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất sản phẩm tinh chế, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đây là lĩnh vực cần vốn FDI để hướng đến mức tăng trưởng ở mức 16-16,5% trong cơ cấu công nghiệp TP.HCM trong tương lai.
Ngành công nghiệp hóa chất (năm 2011- 2012) đạt giá trị sản xuất tăng 8,8%, nhưng tỷ trọng ngành hóa chất trong công nghiệp của TP.HCM tiếp tục tăng từ 18,1% (năm 2005) lên 20% (năm 2012), chiếm khoảng 39- 45% sản lượng cả nước. Ngành công nghiệp hóa chất của TP.HCM đang phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và nâng cao giá trị gia tăng, vì vậy đòi hỏi lượng vốn FDI nhiều hơn, trong đó ưu tiên các DN đầu tư bằng công nghệ hiện đại.

Theo Công thương