Ngành mía đường gồng mình đứng trước thách thức kép

Sau những vụ mía thua lỗ, những rẫy mía không người chăm sóc xuất hiện ngày càng nhiều ở Hậu Giang. Nông dân không mặn mà bởi chưa biết họ sẽ thu lời bao nhiêu hay tiếp tục thua lỗ như những năm trước đây.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa sẽ khiến ngành chế biến đường gặp nhiều khó khăn, khi mà đường từ Thái Lan với ưu thế giá rẻ có thể dễ dàng nhập khẩu vào nước ta ở mức thuế suất 0%.
Niên vụ 2012-2013, nhà ông Lê Văn Tám ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang trồng 4 công mía. Đến vụ thu hoạch, 19 tấn chỉ bán được 14 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí canh tác đã là 12 triệu. Lỗ vốn nên vụ này, mía trồng xong ông phó mặc cho trời bởi năm tới, diện tích này sẽ được ông chuyển sang trồng loại cây khác.
Ông Lê Văn Tám cho biết: “Tôi không chăm sóc vì cũng tính hết vụ này đốn mía chuyển sang trồng cây khác. Mía giá thấp quá không có lời. Ở đây cũng có nhiều người bỏ mía để trồng lúa rồi”.
Sau những vụ mía thua lỗ, những rẫy mía không người chăm sóc xuất hiện ngày càng nhiều ở Hậu Giang. Nông dân không mặn mà chăm sóc bởi chưa biết vụ này họ sẽ thu lời bao nhiêu hay tiếp tục thua lỗ như những năm trước đây.
Người trồng mía gặp khó, nhà máy chế biến cũng chẳng khá hơn. Thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, cuối tháng 8, lượng đường tồn kho là 288.000 tấn. Tình trạng buôn lậu trái phép trên các tuyến biên giới khiến áp lực giải phóng hàng tồn kho ngày càng khó khăn. Niên vụ mía mới lại đang đến gần khiến nhiều nhà máy lo lắng.
Bà Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa nói: “Chúng tôi không thể tiêu thụ được bởi đường nhập lậu quá nhiều. Mỗi ngày có hàng ngàn tấn qua biên giới, nhất là ở An Giang thì làm sao mình buôn bán được”.
Đây chỉ là một trong những khó khăn của ngành đường từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội đường Việt Nam, áp lực tiêu thụ sẽ càng đè nặng khi nước ta xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu vào năm 2015. 
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng: “Đường Thái Lan bây giờ nhập khẩu chịu thuế 5% nhưng giá vẫn thấp hơn đường trong nước từ 2.000-3.000 đồng. Nếu năm 2015, Việt Nam hạ thuế suất bằng 0% thì đường Thái Lan đàng hoàng nhập vào trong nước chứ không phải nhập lậu như hiện nay và sẽ là khó khăn rất lớn cho ngành mía đường trong nước”.
Hiện Hiệp hội mía đường Việt Nam đã kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đàm phán kéo dài hạn ngạch thuế quan kéo dài đến năm 2020 hoặc ít nhất là áp dụng phương án linh hoạt đến hết năm 2018. 
Phải chăng đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh kế hoạch hội nhập không chờ đợi ngành nào xin hoãn? Sự thay đổi của ngành mía đường cần phải tích cực hơn nữa để người dân không phải chịu thua thiệt ngay trên đất nhà mình.

Theo VTV