Xuất khẩu tôm có thể xác lập kỷ lục mới

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng tôm sẽ là đầu tàu trong XK thủy sản năm nay. Những dự báo cho thấy giá trị XK tôm cả năm nay có thể vượt mức kỷ lục gần 2,4 tỷ USD năm 2011.

Nhìn lại XK thủy sản trong 7 tháng đầu năm nay, và nhất là trong tháng 7 vừa rồi, sẽ thấy rõ sự kỳ vọng vào con tôm lớn như thế nào. Theo VASEP, trong 7 tháng qua, trong khi giá trị XK các sản phẩm thủy sản chủ lực khác như cá tra, cá ngừ, cá các loại khác, nhuyễn thể và cua ghẹ đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì riêng XK tôm vẫn tăng trưởng.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ USD (tăng 5%), thì XK cá tra chỉ đạt 985 triệu USD (giảm 0,6%), cá ngừ 336 triệu USD (giảm 2,1%), cá các loại khác 458 triệu USD (giảm 4,8%), nhuyễn thể 277 triệu USD (giảm 17,3%)…
Tháng 7, khi XK các mặt hàng chủ lực khác tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì XK tôm lại có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Giá trị XK tôm trong tháng 7 vừa rồi đạt tới 291 triệu USD, tăng 21,7% so với tháng trước đó và tăng tới 45,3% so với tháng 7/2012.
Có thể nói lâu lắm rồi, XK tôm lại mới có mức tăng trưởng mạnh mẽ đến vậy. Có được điều này, chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng XK tôm thẻ chân trắng (TCT). Trước đây, giá trị XK trong cả năm và trong từng tháng của tôm TCT đều thấp hơn so với tôm sú. Nhưng từ tháng 6/2013 đến nay, tình hình đã đổi khác hoàn toàn.
Trong tháng 6, lần đầu tiên giá trị XK TCT đã vượt qua tôm sú khi đạt 123,6 triệu USD (tôm sú 100 triệu USD). Đến tháng 7 vừa rồi, tôm TCT tiếp tục bỏ xa tôm sú khi đạt trên 153 triệu USD, cao hơn tới giá trị của tôm sú tới 35 triệu USD… Như vậy mà trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm TCT đã gần bằng tôm sú (tôm thẻ 609,2 triệu USD, tôm sú 679,7 triệu USD).
Đâu là nguyên nhân giúp tôm TCT đang có sự tăng trưởng quá ấn tượng về giá trị XK? Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khi tôm sú bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, người ta buộc phải chuyển sang tôm TCT. Khi tôm thẻ cũng bị dịch bệnh gây ảnh hưởng, người ta vẫn phải dùng loại tôm này vì đâu còn loại tôm nào có thể thay thế được.
Trong khi đó, người tiêu dùng ở những nước nhập khẩu tôm đã quen với tôm chân trắng. Đại diện một nhà nhập khẩu Canada cho hay, tuy tôm TCT không có màu đỏ ấn tượng như của tôm sú sau khi chế biến, nhưng bù lại nó lại có vị ngọt hơn tôm sú, mà giá tôm TCT lại mềm hơn so với tôm sú. Do đó, người tiêu dùng nước này đã chấp nhận sử dụng tôm TCT thay cho thói quen tiêu thụ tôm sú.
Nhờ giá trị lớn như trên, trong 7 tháng qua, XK tôm đã chiếm tới gần 40% tổng giá trị XK của toàn ngành thủy sản. Cũng nhờ sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu tôm, nên khi hàng loạt sản phẩm chủ lực khác như cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể … bị suy giảm về tăng trưởng, thì giá trị XK sang các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam vẫn đang có được sự tăng trưởng.
Trong 7 tháng qua, XK thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng tới 26,7%, sang Mỹ tăng 17,2%, sang Nhật Bản tăng 16,7%, sang EU tăng 8,7% … Và giá trị XK của toàn ngành thủy sản vẫn có mức tăng trưởng nhẹ là 2,2% để đạt mức gần 3,5 tỷ USD…
Theo nhận định, trong những tháng tới, nếu tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng của XK tôm, thì cả năm nay, XK tôm nước ta có thể đạt trên 2,4 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục 2,396 tỷ USD năm 2011.

Theo Nông nghiệp Việt Nam