Nước mắm truyền thống mất thị phần

Chuyện mất thị phần của nước mắm truyền thống, một vấn đề không mới song đến giờ vẫn không giải quyết được, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn gia đình ngư dân ở những làng nước mắm có tiếng khắp cả nước.

Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng: cần phải chấp nhận sự tồn tại song song giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi cách tiếp cận thị trường của mặt hàng nước mắm truyền thống, mà để làm được không thể chỉ dựa vào sự cố gắng của những cơ sở sản xuất nước mắm.
Làm nước mắm lâu đời với không dưới 100 gia đình làm nghề, vậy mà hiện tại, cả làng Bình Tân, thuộc phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn vài ba hộ còn làm mắm. Nhiều năm rồi, những dụng cụ làm nước mắm bỏ hoang trong nhiều gia đình.
Tại một số cơ sở chế biến, nước mắm bán ra theo từng thùng, không nhãn hiệu, không công bố chất lượng. Số lượng bán ra cứ giảm sút theo từng năm.
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở chế biến nước mắm cho biết: “Trước đây, cứ hai ngày cơ sở sản xuất của tôi đi một chuyến xe, mỗi chuyến 400-500 thùng, bây giờ, cả tháng chỉ có một chuyến”.
Khu chợ ngay tại làng nước mắm Bình Tân, những chai nước mắm công nghiệp chiếm phần lớn trong các gian hàng và nằm ở những vị trí bắt mắt. Trong khi đó, nước mắm truyền thống của làng bị thất thế.
Lý giải về sức tiêu thụ mạnh của nước mắm công nghiệp, các điểm bán lẻ nước mắm cho biết do nhu cầu người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương phường Phước Long cho rằng: “Do người tiêu dùng có nhu cầu thì mình lấy về bán, loại đó dễ mua, dễ dùng”.
Mất thị phần là lý do khiến cho hàng loạt làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống rơi vào cảnh chông chênh. Điều này kéo theo, nhiều gia đình mất đi công ăn việc làm. Một số cơ sở sản xuất nước mắm có năng lực tài chính, duy trì sản xuất thì phải chấp nhận tình cảnh bán nước mắm làm ra cho các cơ sở chế biến nước mắm công nghiệp với giá bán khó mà bù được chi phí.
Ước tính, mỗi kg cá cơm chế biến được 1,1 lít nước mắm. Nhưng phải mất từ 8-12 tháng mới thu được nước mắm, nghĩa là vòng quay đồng vốn đầu tư rất chậm.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Thư ký Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đối với công tác quảng bá tiếp thị nước mắm công nghiệp, họ bỏ ra 70% lợi nhuận để làm, còn mình rất khiêm tốn, không phải không biết nhưng biết mà không đủ sức làm”.
Để có được một nhãn hiệu cho mỗi loại sản phẩm, các cơ sở sản xuất nước mắm phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng. Đây là lý do khiến cho trong sản xuất nước mắm truyền thống xảy ra tình trạng, có những cơ sở sản xuất nước mắm quy mô lớn, song lại không làm thương hiệu, chấp nhận bán nước mắm cho những cơ sở có thương hiệu.
Để lấy lại thị phần cho nước mắm truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải chấp nhận thực tế bán nước mắm truyền thống cho các cơ sở chế biến nước mắm công nghiệp, song phải xem đây chỉ là cách “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Nguyễn Hoài Sơn cho biết thêm: Anh phải bán nước mắm cho tập đoàn công nghiệp để lấy vốn quay vòng lại nhanh hơn, nhưng phải sống chung với nhau chứ đừng để đối kháng. Mình phải tạo sản phẩm có đặc trưng riêng, nét không thể hòa tan với nước mắm công nghiệp”.
Chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Hiệp hội nước mắm Nha Trang, năng lực sản xuất nước mắm đã là 30 triệu lít/năm. Để cho từng ấy nước mắm được người tiêu dùng đón nhận, không chỉ cần phải thay đổi cách thức sản xuất mà quan trọng hơn là cách tiếp cận thị trường.
Người tiêu dùng khó mà chọn một chai nước mắm khi mà chưa được nhìn thấy chất lượng công bố trên nhãn hiệu, chưa được nghe thông tin giới thiệu sản phẩm… Nhưng số tiền dành cho tiếp thị, với không ít gia đình làm nước mắm truyền thống gần như là con số không.

Theo VTV