Không phải khoản đầu tư nào cũng đáng giá. Không ít doanh nghiệp vướng các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, liên doanh như những cục nợ, mà không sao thoát ra được.
Mùa báo cáo quý 2/2013 chứng kiến các khoản lợi nhuận bất ngờ đến từ các khoản đầu tư hơn là từ hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp. Đầu tư ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, là việc doanh nghiệp đầu tư bằng cách mua cổ phần của các công ty khác, trở thành cổ đông và thu lợi nhuận từ các công ty đó.
Hẳn nhà đầu tư sẽ khó quên trường hợp của REE, trong riêng quý 2, các công ty liên kết liên doanh đã mang lại cho doanh nghiệp này khoản lợi nhuận 382 tỷ đồng, góp phần củng cố lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ, đạt 529 tỷ đồng, bằng 3,5 lần cùng kỳ 2012. Chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào các công ty liên kết liên doanh của REE đã đến lúc gặt hái được quả ngọt.
Không khác nhiều với REE, DIG được hưởng lợi nhuận từ các công ty liên kết liên doanh 18 tỷ đồng, giúp quý 2 công ty thoát lỗ, thậm chí còn lãi gấp đôi so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh chính của DIG lỗ thuần tới 9 tỷ đồng, nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ các công ty liên kết liên doanh, kết quả kinh doanh quý 2 của DIG hẳn sẽ rất thê thảm.
Cũng không thể không nhắc đến LHC, doanh nghiệp hiện có EPS 6 tháng cao nhất thị trường hiện nay: 15.827 đồng/cổ phiếu. Khoản lợi nhuận khác 24 tỷ đồng, được cho là thu được từ việc đầu tư cổ phiếu LBM, một công ty vừa trở thành công ty con của LHC – đã giúp kết quả kinh doanh quý 2 của LHC khởi sắc. Cũng không phải nói nhiều về chỉ số EPS ngất ngưởng của công ty.
Tuy nhiên, không phải khoản đầu tư nào cũng đáng giá. Không ít doanh nghiệp vướng các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, liên doanh như những cục nợ, mà không sao thoát ra được.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinaconex VCG đã làm buồn lòng không ít nhà đầu tư, khi thậm chí nó còn thấp hơn cả lợi nhuận của riêng công ty mẹ. “Tội đồ” ở đây không ai khác là các công ty liên kết và liên doanh. Chịu khoản lỗ 64 tỷ đồng từ các công ty này, lãi ròng của VCG dành cho cổ đông công ty mẹ chỉ còn 34 tỷ đồng, bằng già một nửa kết quả quý 2/2012.
Thế nhưng, so với đầu năm, số dư khoản đầu tư vào công ty liên kết liên doanh của VCG chỉ giảm vỏn vẹn 51 tỷ đồng. Chỉ riêng các khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty mẹ VCG đã phải trích lập trên 2.200 tỷ đồng dự phòng. Thoái vốn quả là không dễ dàng.
Sau khi tái cơ cấu công ty thành viên, từ một công ty liên kết liên doanh thành công ty con, việc hạch toán lại doanh thu, chi phí đã khiến CMG có một kết quả kinh doanh lỗ sâu hơn so với cùng kỳ. Trường hợp của CMG, nhà đầu tư phần nào có thể “cảm thông” vì công ty con mới được thành lập trên cơ sở tái cơ cấu các công ty thành viên, là quá mới mẻ với CMG trong hoạt động.
Ở một trường hợp khác, KMR với những khúc mắc liên quan đến cổ đông lớn Mirae Fiber. Chính cổ đông này là đối tác đã ra tay mua 5,6 triệu cổ phiếu phát hành thêm của KMR với giá 10.000 đồng, trong khi thị giá của KMR chỉ dưới 3.000 đồng/cổ phiếu. Năng lực tài chính của Mirae Fiber đến đâu thì không biết, khoản nợ của công ty này với KMR đang là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh cả năm và bán niên 2012 từ lãi chuyển sang lỗ, giáng vào cổ đông KMR một đòn khá đau.
Lật lại thương vụ bán cổ phiếu, có thể thấy rằng Mirae Fiber có thể mua cổ phiếu KMR bằng tiền hoặc bằng tài sản, trị giá 56 tỷ đồng. Trong thời buổi thóc cao gạo kém hiện nay, mua lại cổ phiếu bằng cách đổi tài sản, là một trao đổi khá hời. Ít nhất, việc đầu tư vào KMR đã mang lại những thuận lợi đáng kể cho Mirae Fiber, khi mà nhờ “quen biết” công ty này đã bán được hàng cho KMR gần 128 tỷ đồng, còn nợ 44,3 tỷ đồng mà không biết khi nào mới trả – theo báo cáo kiểm toán 2012 của KMR. Không nắm trên tay báo cáo của Mirae Fiber, nhưng có thể hình dung khoản lợi nhuận cả hữu hình lẫn vô hình mà công ty này gặt hái được từ KMR.
Suy cho cùng, kết quả kinh doanh của KMR, ai quan tâm!
Theo Trí Thức Trẻ