Có thể ví von lợi nhuận khác như một món xổ số, mà không phải lúc nào cũng có thể hình dung trước được.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2013 đã đi được gần nửa chặng đường với kết quả kinh doanh của khá nhiều doanh nghiệp. Mùa báo cáo chứng kiến không ít doanh nghiệp phất lên nhờ “bảo bối” là lợi nhuận khác.
Nói gì thì nói, lợi nhuận của một doanh nghiệp, lành mạnh nhất, nên đến từ hoạt động kinh doanh chính. Lợi nhuận khác, cũng tốt thôi, nhưng đó không phải là khoản lợi nhuận bền vững. Có thể ví von lợi nhuận khác như một món xổ số, mà không phải lúc nào cũng có thể hình dung trước được.
Lợi nhuận khác của các doanh nghiệp thường đến từ hoạt động nhượng bán và thanh lý tài sản. Đây không phải là khoản thu bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp. 1 doanh nghiệp có thể bán tài sản đã hết khấu hao, hoặc bán do tài sản do không còn khai thác được như kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, việc bán tài sản không bao giờ là đơn giản.
Trong bất kỳ trường hợp nào, câu trả lời cũng là: nếu còn sử dụng, khai thác được hiệu quả, thì bán/thanh lý chưa hẳn đã là một lựa chọn khôn ngoan. Tất nhiên, theo tính toán của doanh nghiệp, một khi quyết định bán, thì đó hẳn sẽ là lựa chọn tốt nhất.
Còn nhớ, ngành vận tải biển sau giai đoạn tăng trưởng nóng, mua sắm tàu ồ ạt mà không lường trước tình hình u ám năm 2011 – 2012. Kết quả, không ít doanh nghiệp phải rao bán tàu do không gánh nổi chi phí vận hành khổng lồ cho một con tàu trong khi thị trường trở nên èo uột. Nếu không bán được, doanh nghiệp không tránh khỏi kết quả lỗ, vì hoạt động kinh doanh vận tải biển. Nếu may mắn bán thành công, các doanh nghiệp “bỗng dưng” nhận được những khoản lợi nhuận như từ trên trời rơi xuống, bất ngờ báo lãi.
Quý 2 năm 2013, VTO và VFR đã bất ngờ báo lãi, thậm chí riêng kết quả kinh doanh của công ty mẹ đã nhanh chóng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ bán tàu thành công. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, ở cả 2 doanh nghiệp này, mảng kinh doanh chính đều lỗ thuần. Mới nửa năm trôi qua, đêm dài lắm mộng, liệu kết quả kinh doanh khả quan có còn được công ty duy trì trong 6 tháng cuối năm. Chỉ cần không lỗ, là đủ để cổ đông hồ hởi. Nói thì dễ, nhìn vào tình hình thị trường vận tải với chỉ số BDI có xu hướng đi xuống trong 1 tháng trở lại đây, không thể nói trước được điều gì.
Có thể kể đến các khoản lợi nhuận khác đã làm thay đổi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sau: KAC báo lãi sau 3 quý liên tục lỗ nhờ thanh lý quỹ đất, HRC vượt 37% kế hoạch lợi nhuận 2013, NGC tăng vọt lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ, TYA, VPH thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác, công ty mẹ DBT lãi khác gấp đôi lãi thuần quý 2, vực dậy kết quả kinh doanh trong kỳ… HTV sau quý 1 thua lỗ cũng tuyên bố nguyên nhân do kế hoạch bán các xà lan không được thực hiện, quý 2 lợi nhuận khác xấp xỉ lãi thuần của doanh nghiệp.
Khi phân tích hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, chỉ tiêu lãi ròng là không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nguồn gốc khoản lãi đó đến từ hoạt động kinh doanh chính hay từ hoạt động khác, từ đó có thể dự đoán chính xác hơn tiềm năng của một doanh nghiệp, là điều nhà đầu tư nên cân nhắc.
Theo Trí Thức Trẻ