Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu tăng khá mạnh khiến hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy bỏ, ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của doanh nghiệp thu mua.
Một bản hợp đồng mua 50.000 tấn gạo do một nhà nhập khẩu Pháp ký với một nhà cung cấp gạo Việt Nam được ký ngày 8/7/2013. 10 ngày sau đó, khi đối tác Pháp đang mở L/C thanh toán thì nhà cung cấp gạo Việt Nam tuyên bố không bán gạo nữa và hủy hợp đồng. Lý do họ đưa ra là giá gạo Việt Nam tăng mạnh trong những ngày qua, do đó họ muốn ký lại hợp đồng với giá tăng thêm 20 USD/tấn.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, đại diện nhà nhập khẩu Pháp tại Việt Nam cho biết, số gạo này được công ty mua để xuất sang châu Phi, hợp đồng với đối tác châu Phi họ đã ký. Hợp đồng mua gạo bị hủy khiến việc kinh doanh của họ bị đình trệ.
“Lúc giá gạo ổn định mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, chúng tôi nhập khá nhiều gạo và bán sang châu Phi. Tuy nhiên giá gạo tăng thì việc hủy hợp đồng xảy ra nhiều và ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của chúng tôi với đối tác”, chị Nhung bức xúc.
Trong nửa tháng qua, nhiều hợp đồng mua bán gạo cũng bị hủy được các nhà nhập khẩu gạo nước ngoài cung cấp cho chúng tôi. Mỗi hợp đồng đều có khối lượng hàng chục nghìn tấn, giá trị khoảng vài triệu cho đến hàng chục triệu USD (tương đương hàng trăm tỷ đồng). Lý do hủy hợp đồng đều là do giá gạo tăng.
Đại diện Công ty Tư vấn Xuất khẩu VIETGO cho biết: “Một số đói tác bỏ đi luôn, còn một số khác mắc kẹt hợp đồng với đối tác thứ ba thì chấp nhận hy sinh lãi ký lại hợp đồng với giá cao hơn. Họ ký lại hợp đồng với một tâm thế rất khó chịu”.
Rõ ràng bán được gạo với giá cao hơn lên tới cả chục USD cho mỗi tấn, gạo Việt Nam đang có lợi hơn rất nhiều, tuy nhiên điều này lại đang khiến uy tín và sức cạnh tranh giảm đi đáng kể, nhất là trong bối cảnh Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang nỗ lực giảm giá để thu hút người mua.
Theo VTV