Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi

Mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này tâm lý của khá nhiều người dân và doanh nghiệp đã bớt nặng nề hơn.

Có phải do nền kinh tế đã thoát đáy, sản xuất được phục hồi, hay do tâm lý quen chịu đựng khiến người dân cảm thấy bớt sức nóng? TS TRẦN DU LỊCH, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ QUỐC GIA cho rằng, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, song còn chậm. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực trong thực hiện các giải pháp đã xác định.

Các số liệu thống kê về tình hình KT – XH 6 tháng qua cho thấy, nền kinh tế nước ta hiện có nhiều tín hiệu tích cực. Theo ông, những số liệu này có đủ để khẳng định kinh tế đã bớt khó khăn hay chưa?

– Trước khi đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế trong 6 tháng tới, cũng như của cả năm 2013, cần nhìn lại giai đoạn phát triển của nền kinh tế nước ta trong 6 năm qua. Từ năm 2008, cùng với khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn nội tại, nền kinh tế đã trải qua nhiều năm liền bất ổn vĩ mô. 
Trong đó, nổi bật nhất, đáng lo lắng bao trùm nhất là lạm phát. Lạm phát cao xuyên suốt qua nhiều năm và tất cả các chính sách trong thời gian vừa qua đều vì mục tiêu kiềm chế lạm phát. Có thể nói, lạm phát như bóng ma bao phủ, tác động đến nhiều chính sách kể cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và tâm lý người dân. Và trong thời gian vừa rồi, để ứng phó với những tình trạng như vậy, niềm tin thị trường bị giảm. Một số doanh nghiệp không có phương hướng phát triển.
Tuy nhiên, với tất cả nỗ lực của năm 2012 và đặc biệt là các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ trong đầu năm nay nhằm phục hồi thị trường, hỗ trợ vốn, các giải pháp đồng bộ, tình hình kinh tế vĩ mô đã tương đối ổn định trở lại. Nổi bật nhất là kiềm chế được lạm phát. Lạm phát thời điểm này không phải là con ngựa bất kham nữa. 
Đây là chỗ dựa tâm lý quan trọng để thị trường phục hồi. Bên cạnh, tỷ giá cũng được bình ổn, tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát được thị trường ngoại tệ. Dù vậy, không được chủ quan, vì tín dụng giảm, đầu tư giảm, nên nền kinh tế mới ổn định được tỷ giá hay ngoại hối. Nếu như kinh tế tăng trưởng trở lại, thì kiểm soát được tỷ giá cũng không phải là đơn giản.

– Những hạn chế cũ như tình trạng doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất đình đốn, mức độ tiêu dùng ảm đạm… đã có những thay đổi nào, thưa ông?
– Trước tiên phải nói kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Tốc độ tăng trưởng trong quý I.2013 là 4,5%, thì quý II đã lên 5%. Tốc độ tăng trưởng của cả hai quý đầu năm là 4,9%. Nhưng mức độ phục hồi này quá chậm, nước ta còn trong giai đoạn khá trì trệ dù niềm tin có tăng. Bởi sức mua thị trường chưa tăng đáng kể và đặc biệt là trong thị trường nông sản. 
Do đó một bộ phận thị trường nông thôn khó mà tăng trưởng nhanh. Và dù hàng tồn kho có giảm nhưng xí nghiệp phục hồi chậm, không tăng được công suất trở lại theo thiết kế ban đầu. Việc kinh tế phục hồi chậm đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng.

– Theo một khảo sát, trên 500 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ta, có 66% số doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng năm nay cao hơn năm ngoái, đặc biệt là nhóm ngành vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp quyết định như vậy có phải nhờ thị trường bất động sản đã ấm lên?
– Dấu hiệu ấm dần của thị trường bất động sản đã xuất hiện. Sự ấm lên này nhờ có phân khúc thị trường nhà ở trung bình, giá không cao, như nhà giá 1 tỷ đồng ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; hay giá 5 triệu/m2, 6 triệu/m2 ở các địa phương khác. Phân khúc này đang có nhu cầu và hiện nay nhiều nhà đầu tư đang đi vào phân khúc này. 
Điều đó giúp hâm nóng thị trường, kéo theo hâm nóng thị trường vật liệu xây dựng, thị trường xây dựng… Doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng doanh thu, tức là họ đã có tính toán về phương diện thị trường chứ không phải đặt mục tiêu một cách chủ quan. 
Sức khỏe của các công ty niêm yết giống như một hàn thử biểu về sức khỏe nền kinh tế, nó cho thấy kinh tế đang phục hồi.

– Khi nền kinh tế có nhiều cơ hội tăng trưởng, thì liệu có cần lo việc lạm phát năm nay sẽ vượt mục tiêu 8% hay không?
– Đây là điều đáng lo lắng. Các cơ quan chức năng nên tính toán làm sao tạo một sự đồng bộ giữa ba nhóm chính sách, cả ba nhóm này đều phải nhìn về trung hạn đến hết năm 2015. 
Nhóm thứ nhất là chính sách tiền tệ, tức trong đó có vấn đề lãi suất, vấn đề cung tiền, tỷ giá. 
Nhóm thứ hai là chính sách tài khóa, chọn lọc đầu tư công, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ thuế.
Nhóm thứ ba là điều chỉnh các loại giá dịch vụ như điện, y tế… mà Nhà nước đang quản lý giá. Ba nhóm này đặt ra một gói tổng thể để xử lý một cách hài hòa trong từng quý, trong 6 tháng, từ nay đến hết 2015. Với cách làm như vậy, giả sử chúng ta đặt mục tiêu là lạm phát trong ba năm tới ở mức 7%, thì lúc đó tính toán, cân nhắc xem dư địa của từng nhóm chính sách trong thể thống nhất ba nhóm chính sách vừa nêu là bao nhiêu. 
Có như thế mới không bị động trong việc lạm phát quay trở lại và kinh tế phục hồi được mà lạm phát không tái phát. Còn nếu chúng ta làm theo kiểu độc lập, thiếu gắn bó giữa ba nhóm này thì có thể gây lạm phát và hiệu quả điều hành lại thấp.

– Xin cám ơn ông!

Theo Đại biểu nhân dân