Một trong những thị trường xem xuất khẩu là chủ lực như Việt Nam thì niềm tin doanh nghiệp lại giảm từ 22% (quý 1/2013) xuống âm 14%.
Tương đương mức độ ở quý 4/2012 (-10%); đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong khối ASEAN.
Báo cáo kinh doanh toàn cầu của Grant Thornton (IBR) tiết lộ các lãnh đạo doanh nghiệp đang đối mặt với sự đảo lộn kịch tính của các nguồn tài sản tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ tự tin hơn về sự phát triển của hệ thống vận hành và nền kinh tế, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc lại sụt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo báo cáo, niềm tin doanh nghiệp Mỹ vượt lên 55% trong quý 2, trong khi ở quý 1 là 31%, kỷ lục cao nhất được lập kể từ năm 2005. Quan điểm kinh doanh được cải thiện tạo tiền đề cho kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ; tỷ lệ kỳ vọng doanh thu tăng trong 12 tháng tới tăng từ 46% trong quý 1 lên 59% trong Quý 2, và tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng tăng lợi nhuận tăng từ 42% so với ba tháng trước lên 48% trong Quý 2.
Mặc dù tăng trưởng đang lạc quan thì tại một trong những thị trường xem xuất khẩu là chủ lực như Việt Nam thì niềm tin doanh nghiệp lại giảm từ 22% (quý 1/2013) xuống âm 14%, tương đương mức độ ở quý 4/2012 (-10%); đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong khối ASEAN. Tuy niềm tin giảm nhưng kỳ vọng tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức ổn định 86% (quý 1/2013) và 88% (quý 4/2012). Tuy nhiên có đến 64% người tham gia giữ quan điểm trung lập hoặc kỳ vọng nền kinh tế có hiệu suất tốt hơn trong 12 tháng tới.
Nhóm kỳ vọng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đã có sự sụt giảm từ 40% xuống 20%, trong khi đó nhóm nhận định chi phí tài chính là một trở ngại của doanh nghiệp tăng đáng kể từ 36% lên 64%.
Ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định “Việt Nam có những điểm nổi bật thú vị, chúng phản ánh các chủ doanh nghiệp đang lo lắng tình hình hiện tại của doanh nghiệp với rất ít niềm tin về sự tăng trưởng kinh tế 12 tháng tới. Thêm vào các con số trong báo cáo, vẫn còn những trở ngại đối với tăng trưởng như chi phí, nguồn tài chính và nạn quan liêu. Những điểm này không mới và vẫn tiếp tục được Chính phủ quan tâm.”
So với Mỹ, niềm tin doanh nghiệp Trung Quốc giảm xuống mức 4% trong quý 2, trong quý 1 là 25%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2006. Trong 12 tháng tiếp theo, các doanh nhân Trung Quốc không còn hy vọng nhiều về việc tăng doanh thu (giảm từ 72% trong quý I xuống 60% trong Quý II), xuất khẩu (29% giảm xuống 15%) và lợi nhuận (69% giảm xuống 42%).
Ed Nusbaum, CEO toàn cầu của Grant Thornton nhận định: “Hoàn toàn trái ngược, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Xuất khẩu chỉ tăng 1% trong tháng 5 bởi sự suy yếu tại các thị trường chủ lực như Liên minh Châu Âu (EU). Bộ máy lãnh đạo mới chú trọng việc gia tăng sự tín nhiệm, nhưng đang phải đối mặt với nỗi lo sợ “bong bóng gia cư” đang hình thành trong nước. Việc chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm cùng với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải bơm tiền vào hệ thống ngân hàng hồi tháng 5 để ngăn chặn khủng hoảng tín dụng.”
Niềm tin doanh nghiệp toàn cầu trụ vững nhờ Nhật Bản và Anh phục hồi
Tại Anh, niềm tin doanh nghiệp tăng từ âm 1% (quý 1) lên 34% (quý 2), bên cạnh đó lần đầu tiên trong lịch sử IBR quan điểm của Nhật Bản trở nên lạc quan, tăng lên mức 8% nhờ vào sự kích thích và sửa đổi phương pháp lãnh đạo, hay còn gọi là chính sách kinh tế mới Abenomics’.
Niềm tin doanh nghiệp trong khu vực đồng Euro vẫn mong manh, trượt từ âm 2% (quý 1) xuống âm 8% trong quý 2. Phản chiếu hình ảnh Trung Quốc, quan điểm kinh doanh đồng loạt đi xuống tại ba nền kinh tế khác trong khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) chỉ số niềm tin của nhóm G7 (32%) vượt trên mức trung bình của khối BRIC (23%) trong quý 2, đây đồng thời cũng ghi kỷ lục mới trong lịch sử các báo cáo IBR.
Trong khi các nước ASEAN, chỉ số niềm tin tiếp tục giữ mức ổn định ở mức 26%, tương ứng với các quý trước 29% (quý 1/2013), 25% (quý 4/2012), 28% (quý 3/2012) và 23% (quý 1/2012).
Theo Infonet