“Nóng” chuyện nợ bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp chấp nhận chậm nộp và chịu phạt, dùng số tiền bảo hiểm xã hội lẽ ra phải đóng cho chuyện “làm ăn” vì như thế vẫn rẻ hơn là lãi vay ngân hàng.

Nộp phạt… rẻ hơn
Ông Nguyễn Thế Dũng – Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, một trong những vấn đề tồn đọng gây bức xúc nhiều nhất tại tỉnh này là tình hình nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến nay, trên toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 100 DN nợ BHXH từ 6 tháng trở lên với số tiền trên 25 tỷ đồng. Thống kê của cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hiện có hơn 10.000 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ trên 1.000 tỷ đồng.
Con số nợ đọng BHXH của cả nước còn cho thấy thực trạng đáng lo ngại hơn. Chỉ trong quý đầu năm 2013, số nợ đọng BHXH đã lên tới 8.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2012 (khoảng 4.600 tỷ đồng), chiếm 6,72% tổng số thu của quỹ.
Bà Trần Thị Thúy Nga – Tổ trưởng Tổ biên tập Luật BHXH sửa đổi (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã chỉ ra rằng, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH còn khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN FDI (chiếm trên 70% tổng số nợ).
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc một số DN thực sự gặp khó khăn, nhưng nguyên nhân quan trọng là ở sự sơ hở của các chế tài pháp luật khiến nhiều DN cố tình nợ, chậm đóng BHXH. DN chấp nhận chậm nộp và chịu phạt, dùng số tiền BHXH lẽ ra phải đóng cho chuyện “làm ăn” vì như thế vẫn rẻ hơn là lãi vay ngân hàng.
Luật mới sẽ “chấn chỉnh” doanh nghiệp?
Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được tình trạng các DN nợ, chậm đóng và chiếm đoạt tiền BHXH, hàng trăm ngàn người lao động còn bị “mất trắng” quyền lợi hợp pháp về BHXH, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại.
Chưa kể việc chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động, nhiều DN đã đưa mức tiền lương để tính cơ sở đóng BHXH thấp hơn nhiều so với lương thực trả. Làm cách này, số tiền DN đóng BHXH ít hơn nhưng hệ quả là mức bảo hiểm dành cho người lao động không đủ bảo đảm đời sống cho người lao động khi gặp rủi ro.
Ông Chính cho rằng, kẽ hở lớn nhất khiến DN có cơ hội lách qua để trốn nghĩa vụ đóng BHXH chính là do công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế, chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, làm cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, dây dưa, kéo dài.
Đại diện cho tiếng nói của người lao động, Tổng liên đoàn Lao động đã kiến nghị cần sớm nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật BHXH để đảm bảo thực hiện quyền lợi cho người lao động. Đồng thời tăng cường quy định về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, đảm bảo tính răn đe, hạn chế vi phạm, bảo vệ pháp chế về BHXH.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH sẽ khắc phục kịp thời những bất cập, hiện nay”, đại diện cho Tổ biên tập Luật BHXH sửa đổi, bà Trần Thị Thúy Nga khẳng định. Không chỉ kịp thời xử lý các DN chây ỳ, nợ đọng BHXH, bà Nga cho biết theo nội dung dự thảo Luật sẽ giải quyết đầy đủ các chế độ BHXH cho người lao động ở các DN đã trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH nhưng nợ hoặc không đóng cho cơ quan BHXH để đảm bảo mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội.
Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước (như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, UBND các cấp) trong việc quản lý lĩnh vực BHXH.

Theo Thời báo ngân hàng