Thời gian gần đây, thông tin nhiều nước từ chối bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng.
Cụ thể, sau khi bị một DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee”, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khiếu kiện đòi lại thương hiệu. Cùng với đó, hiệp hội cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tên gọi xuất xứ hàng hóa Cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee) ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, hiện chỉ có các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg chấp nhận. Các nước như Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Italia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Nga vẫn còn đang trong quá trình xem xét đơn. Còn lại Hoa Kỳ, Đức, Anh, Canada, Hàn Quốc đã thông báo tạm thời từ chối.
Có 2 lý do được các nước này đưa ra. Một là, theo quy định của một số quốc gia như Anh, Đức, Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý nên không ai được quyền sở hữu riêng (kể cả hiệp hội) và không có khả năng phân biệt nên không được bảo hộ. Và lý do thứ 2, quan trọng hơn, đó chính là nhãn hiệu này sẽ gây nhầm lẫn với một số nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Hoa Kỳ, Canada và Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu của phía Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tại Hàn Quốc một cá nhân có tên Lee Mi Hyang đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho 30 nhóm sản phẩm cà phê. Còn tại Canada, Công ty Starbucks Copporation đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Cà phê Buon Ma Thuot. Tương tự, Công ty Rice Field Corporation đã đăng ký nhãn hiệu này tại Hoa Kỳ. Hiện phía hiệp hội đang lên phương án gửi đơn khiếu nại nhưng hành trình sẽ rất vất vả và tốn kém.
Một phần nguyên nhân đến từ chính sự chậm trễ trong việc tìm hiểu và đăng ký bảo hộ tại nước ngoài của các DN cũng như phía hiệp hội, khiến công việc tưởng như đơn giản lại hóa thành rất phức tạp, thậm chí cơ hội thành công rất mong manh. Nếu chúng ta không nhanh chân tìm mọi biện pháp nhằm đòi lại nhãn hiệu của mình, thời gian tới nếu có xuất khẩu sang các quốc gia này với nhãn hiệu Buon Ma Thuot Coffee có khi bị kiện ngược trở lại.
Hiện cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống có uy tín, nhưng phần lớn chỉ đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, rất ít đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Nếu cứ kéo dài thực tế này, những câu chuyện tương tự cà phê Buôn Ma Thuột sẽ còn tiếp diễn. Và chúng ta cứ mãi đi sau đòi lại cái vốn là của mình. Đã đến lúc cần sự vào cuộc tích cực hơn từ các nhà sản xuất và cơ quan có thẩm quyền.
Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính