Đỏng đảnh nhập siêu Việt Nam

Nhập siêu tăng tốc trong tháng 5 nhưng đột ngột trở lại lừ đừ trong tháng 6, sự đỏng đảnh này khiến cả nền kinh tế hồi hộp trong trạng thái chưa rõ nên mừng hay lo vì không biết đã đến giai đoạn sản xuất thực sự phục hồi được hay chưa.
Như tại một trong hai đầu tầu của cả nước là TP.HCM, Cục Thống kê TP.HCM hai tháng trước đã loan tin như một tiếng reo: TP.HCM nhập siêu hơn 53 triệu USD trong tháng 4. Đây là tháng nhập siêu đầu tiên của TP.HCM kể từ tháng 2/2012. Và, tình hình trở nên sôi động thấy rõ vào tháng 5 khi riêng tháng 5, cả nước đã nhập siêu 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến tháng 6, theo các con số dự kiến của Tổng cục Thống kê, thì với kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 6 ước 11,4 tỷ USD, giảm nhẹ 2,3% so với ước thực hiện tháng 5. Kim ngạch nhập khẩu cả nước tháng 6 ước 11,6 tỷ USD, giảm 5% so thực hiện tháng 5. Nhập siêu hầu như đã trở về trạng thái rất trầm lắng.
Khi nhập siêu tăng mạnh vào tháng 5, nhiều ý kiến hân hoan cùng nhận định đây là tín hiệu rất tốt của nền kinh tế, vì điều đó được coi là đồng nghĩa với sản xuất đang phát triển trở lại, hứa hẹn nền kinh tế sẽ sớm khởi sắc.
Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ông Huỳnh Đắc Thắng, khẳng định: “Nhập siêu có nghĩa là sản xuất đang phát triển. Nếu đã có nhập siêu, thì trong một vài tháng tới, tình hình xuất khẩu cũng sẽ khởi sắc hơn”.
Cùng một trạng thái hân hoan này, khi tổng hợp số liệu về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm của cả nước, Tổng cục Thống kê cũng nhận định rằng, nhập khẩu tăng cao phần nào cho thấy sản xuất trong nước bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Hân hoan cũng là phải bởi sau 20 năm triền miên trong nhập siêu, năm 2012, Việt Nam lại đột ngột có xuất siêu, dù con số xuất siêu cũng chỉ ngót nghét khoảng 780 triệu USD, nhưng tại các báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn bày tỏ tâm trạng lo lắng không giấu được về “thành tích” này vì xuất siêu, có nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm sản xuất chứ không phải do sự hứng khởi của xuất khẩu.
Ở một nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, không có nhập siêu, cũng đồng nghĩa kinh tế đình trệ.
Tuy nhiên, niềm vui này có lẽ ngắn không tày gang, khi nhập siêu không còn “khởi sắc” như vậy trong tháng 6. Nhưng, sự đỏng đảnh này có lại phải là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn là rất yếu ớt và mong manh? Với một số chuyên gia, tình hình có lẽ không hoàn toàn đáng phải bi quan như vậy.
Bởi, nếu nhìn vào chi tiết vào các danh mục nhập khẩu đã mang lại niềm vui nhập siêu cho tháng 5, thì có thể thấy, bên cạnh các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng tốt là nguyên liệu phục vụ sản xuất như:
Chất dẻo nguyên liệu, tăng 16,7% về lượng và 16,1% về kim ngạch (2,22 tỷ USD); 
Máy móc thiết bị tăng 8,5% (7 tỷ USD); vải tăng 17,8% (3,3 tỷ USD); 
Nguyên, phụ liệu dệt may tăng 18,7% (1,48 tỷ USD)… 
Thì kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập khẩu cũng tăng tới 10,7%, ước đạt 2,3 tỷ USD, trong đó mặt hàng điện thoại di động tăng 15,2%; kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng hóa khác tăng cao tới 29,7%, ước đạt 1,92 tỷ USD.
Ngoài ra, nếu xét cơ cấu từng nhóm hàng xuất khẩu như lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may luôn tăng khá còn các mặt hàng chủ lực tác động đến nhiều DN trong nước và người lao động lại giảm hoặc tăng thấp.
Đơn cử xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 7,92 tỷ USD, giảm 8,5% trong đó, những mặt hàng chủ lực như thủy sản, gạo, sắn, cà phê hay cao su có mức giảm từ 2,5 – 26,7%.
Như vậy, để có thể thấy rằng yếu tố tạo nên sự tăng tốc của nhập siêu trong tháng 5, không hoàn toàn chỉ là dấu hiệu phục hồi của sản xuất kinh doanh và nó cũng chưa phản ánh đúng cục diện khả quan hơn của nền kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Trần Đông Phong nói: “Phải nhìn tổng thể từ cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu mới có thể đánh giá đúng tác động của nhập siêu đối với nền kinh tế. Ngoài ra, nếu nhập siêu tăng do xuất khẩu giảm (cả về giá hay về lượng) thì cũng là điều đáng lo ngại”.
Vì thế, theo ông Phong, khi nhập siêu lại trở nên trầm lắng hơn vào tháng 6, thì cũng chưa có gì vội hốt hoảng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho rằng với một nền kinh tế đang trong giai đoạn cần có nhập siêu, thì nhập siêu là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Song nếu nó cứ liên tục tăng cao trở lại, sẽ gây áp lực đến cán cân thanh toán, tỷ giá ngoại tệ…

Theo VnEconomy