Tiếp thị trực tuyến dần chiếm thị phần lớn

Sự gia tăng chóng mặt của người dùng internet, thiết bị di động, mạng xã hội… đã khiến tiếp thị số trở thành xu thế lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer-Mỹ, tổng chi cho quảng cáo trực tuyến (digital marketing – DM – tiếp thị số) toàn thế giới năm 2015 sẽ tăng đến 132,1 tỉ USD, chiếm khoảng 22% tổng chi quảng cáo. Theo Google, từ năm 2010, người Việt Nam đã dành 5-6 giờ/ngày để truy cập internet, gấp đôi thời gian xem truyền hình, chỉ dành 1 giờ rưỡi cho báo giấy và tạp chí. Dự báo về xu hướng truyền thông thế giới cho thấy DM cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình quảng cáo khác.
Chuyển đổi phương thức
Cách đây vài năm, doanh nghiệp (DN) chọn quảng cáo trên báo giấy, truyền hình, ngoài trời… thì nay đã chuyển sang dùng DM. Ông Ngô Trần Vũ – Giám đốc điều hành Công ty Nam Trường Sơn, nhà phân phối phần mềm Kaspersky – cho biết ngân sách đầu tư vào DM năm 2012 của công ty chiếm 20% so với quảng cáo qua kênh truyền hình, báo in; điểm bán hàng thì năm 2013 tăng lên 30%.
Ông Nicholas Chee, Giám đốc khối kinh doanh tiêu dùng Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB), nhận xét: “DM đã giúp tiết kiệm hơn 20% ngân sách marketing cho MDB trong năm 2012. Với marketing truyền thống, MDB phải tốn chi phí cho tờ rơi tiếp thị, hồ sơ giấy để có khách hàng. Với DM, nguồn khách hàng sẽ đến từ nhiều kênh trực tuyến qua website nên tiết kiệm tối đa chi phí này. Trong năm 2012, ngân sách DM của MDB chiếm khoảng 15% tổng ngân sách marketing. Sáu tháng đầu năm 2013, do khó khăn chung nên tổng ngân sách marketing sẽ bị cắt giảm, trong đó DM tuy chiếm 10% nhưng MDB vẫn đạt mục tiêu quảng bá”.
Theo MDB, trong chiến dịch ra mắt thẻ ghi nợ nội địa MDB Debit Card, MDB đã lựa chọn phối hợp những công cụ DM như tin nhắn SMS, email, Google Adwords, mạng xã hội… Sau 2 tháng triển khai, có khoảng 40 triệu lượt view (xem) trên các trang thực hiện. Khoảng 10% trong số này ghé thăm website của MDB và tham gia các chương trình MDB áp dụng, đạt hơn 15.000 thẻ mở. Tất nhiên, kết quả này có sự cộng hưởng của các hoạt động marketing truyền thống.
Xu hướng sử dụng DM kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cũng gia tăng. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc kinh doanh Trung tâm Đào tạo Kỹ năng truyền thông – Marketing (AIIM), Việt Nam đang thiếu những chuyên viên DM chuyên nghiệp. Trong năm 2012, AIIM đã nhận được hơn 500 đề nghị cung cấp nhân sự từ các công ty.
Độ phủ rộng, đúng đối tượng
So với quảng cáo truyền thống, DM hiệu quả vì tính tương tác trực tiếp với đối tượng mục tiêu đã được khoanh vùng cụ thể, độ phủ rộng và lan truyền nhanh do kết hợp trên nhiều kênh truyền thông. Người làm marketing còn có thể đo lường được hiệu quả chiến dịch DM và từ đó điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên viên của một đại lý DM tại TP HCM, phân tích: “Quảng cáo trên truyền hình trong 30 giây mất khoảng 20 triệu đồng nhưng sẽ khó đo lường được hiệu quả và cũng không thể tương tác với khách hàng, việc thay đổi kịch bản hay chọn lọc đối tượng tiếp nhận sẽ khó. Với SMS Marketing, 20 triệu đồng có thể gửi thông tin quảng bá đến 40.000 khách hàng tiềm năng được chọn lọc và khách hàng sẵn sàng mua hàng đạt tỉ lệ cao, tính tối thiểu 5% cũng đã đạt 2.000 người”.
Bà Lê Thị Tú, Giám đốc Tiếp thị số Công ty Thế Giới Di Động, cho rằng để quảng bá một sản phẩm mới, nếu chọn làm marketing truyền thống, DN sẽ phải tốn 1 tuần để gửi thông điệp đến khách hàng do phải đầu tư vào các khâu thiết kế, in ấn, chọn chỗ treo banner… Tuy nhiên, DN sẽ bị động vì không lựa chọn được khách hàng, độ lan truyền thấp.
Với công cụ DM, banner được đăng trên các trang web đã khoanh vùng theo khách hàng mục tiêu, thông điệp đến trực tiếp. Số lượng khách hàng biết đến sản phẩm ước tính tăng gấp 6-8 lần so với chiến dịch marketing truyền thống. Thời gian cho công đoạn lên ý tưởng, thiết kế… đến đăng trên website chỉ trong vài giờ.
Chi phí thấp
Ông Vương Thanh Long, chuyên gia về DM, phân tích: Để có một khách hàng, qua marketing truyền thống tốn khoảng 20.000 đồng, thư tay mất 4.000 đồng nhưng với tiếp thị trên công cụ tìm kiếm (SEM) thì chỉ mất 2.500 đồng và mạng xã hội còn rẻ hơn. DN nhỏ và vừa có thể tự tìm hiểu và thực hiện nên các công cụ của DM dần trở thành sự lựa chọn của họ.
Theo Kim Phúc

Theo Người lao động.