Sinh viên mới ra trường không dễ gì kiếm được một công việc như ý. Công ty nào cũng yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm, mà bạn thì chỉ vừa rời ghế giảng đường. Chuyên gia nghề nghiệp Lynn Taylor, Tiến sĩ Kathatine Brooks và Nicole William chia sẻ một vài “chiêu” để giúp các sinh viên mới ra trường vượt qua tình thế khó khăn này.
Làm các công việc tình nguyện
Trang mạng xã hội LinkedIn chuyên liên kết các nhà tuyển dụng với người tìm việc chỉ ra rằng, cứ 5 nhà tuyển dụng thì có 1 công ty thích những ứng cử viên hay làm những công việc tình nguyện. Bởi từ thiện cũng là một nguồn quý giá để tích lũy những kinh nghiệm đời thực. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các tổ chức đang phải cố gắng hạn chế chi tiêu, vì thế họ đang cần rất nhiều tình nguyện viên để giúp họ giải quyết công việc.
Brooks nói rằng tình nguyện không đơn thuần chỉ là dạy học cho trẻ em nghèo hay giúp đỡ những người già như mọi người thường nghĩ. Nếu muốn có kinh nghiệm trong ngành kế toán, bạn có thể tìm những tổ chức phi lợi nhuận và bày tỏ rằng bạn muốn tình nguyện giúp đỡ nhân viên kế toán của họ. Tương tự, nếu muốn học marketing, hãy giúp các tổ chức này thiết kế tờ rơi hoặc giúp họ liên lạc với những người làm từ thiện.
Tìm kiếm công việc thực tập
Hiện nay, thực tập chính là bước đệm và cơ hội để bạn giành lấy một công việc thực sự. Bạn cần phải nỗ lực làm việc để tìm cơ hội biến kinh nghiệm thực tập thành lợi thế để trở thành nhân viên chính thức.
Công thức để đạt được điều này gồm 3 yếu tố: niềm đam mê, kỹ năng và các mối quan hệ. Hãy làm những việc mà bạn có niềm đam mê
và sự thích thú khi làm nó, chỉ có thế bạn mới dễ dàng thế hiện được năng lực của mình.
Còn nữa, điều quan trọng nhất là phải tạo lập mạng lưới các mối quan hệ. Phần lớn các công việc mà mọi người kiếm được đều thông qua sự trợ giúp của các mối quan hệ xã hội.
Đừng lãng quên các kiến thức học được từ giảng đường
Sinh viên thường đánh giá thấp những kiến thức và kinh nghiệm học được từ đại học. Hãy tham gia vào các câu lạc bộ, các event và lễ hội ở trường. Tất cả những hoạt đồng này đều có thể mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho bạn và có thể áp dụng những kỹ năng này vào công việc. Và bạn có thể ghi lại những kỹ năng đạt được này vào lý lịch nghề nghiệp (resume) nộp cho nhà tuyển dụng.
Mặt khác, trong lớp học, chắc chắn bạn đã từng làm rất nhiều bài luận và báo cáo đòi hỏi nghiên cứu và phân tích thông tin, dữ liệu. Những trải nghiệm này bạn đều có thể tóm tắt nó và điền vào resume.
Tận dụng các phương tiện truyền thông
Dùng các trang mạng xã hội như LinkedIn để giúp lan truyền rộng rãi rằng bạn đang tìm kiếm một công việc. Nên tham khảo trên trang web chính thức của các công ty, ở mục Nghề nghiệp (Career) thường đăng những vị trí họ đang cần tuyển dụng. Sự chủ động và chịu khó “truy lùng” sẽ giúp bạn tìm được công việc mong muốn.
Làm nổi bật các hoạt động “dính líu” tới kinh doanh
Bạn đã từng kiếm tiền bằng những công việc gì? Từ trông trẻ hộ, làm gia sư cho đến bán hàng trên mạng, sửa chữa máy tính, xe cộ… Tất cả những việc này đều cho thấy bạn có khả năng tận dụng các hoạt động kinh doanh. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có thể xin thông tin từ những người bạn làm thuê cho họ, để nhà tuyển dụng có thể liên lạc khi muốn tham khảo.
Tạo lập càng nhiều mối quen biết càng tốt
Khi không có nhiều kinh nghiệm, hãy xây dựng các mối quan hệ xã hội với những người xung quanh. Những người này sau khi biết rõ bạn sẽ là những vị “cứu tinh” của bạn, vì họ có thể đề đạt với nhà tuyển dụng cho bạn một cơ hội.
Việc tạo lập các quan hệ không quá khó khăn khi bạn có thể nói chuyện với người khác trong khi đi dạo, trên xe buýt, hay trong tiệm cafe. Cuộc trò chuyện sẽ đưa đẩy tới những nội dung như họ làm việc cho công ty nào và bạn đang cần tìm một công việc. Ai biết được họ có thể sẽ giới thiệu bạn vào làm trong công ty họ? Hãy biết nắm bắt cơ hội.
Nhờ sự giúp đỡ của giáo sư
Nếu bạn chưa từng làm công việc nào thì sẽ không có sếp cũ hay đồng nghiệp cũ để nhờ họ làm người tham khảo (reference) cho nhà tuyển dụng. Để vượt qua tình thế này, hãy giúp giáo sư của bạn làm một vài dự án và giữ mối quan hệ thân thiết với họ. Giáo sư là những nhân vật có uy tín cao để những nhà tuyển dụng có những tham khảo thiết thực nhất về bạn.
Sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo
Nếu là thành viên của một câu lạc bộ hay tổ chức nào đó, hãy tìm cách để tham gia vào vai trò lãnh đạo bằng cách tổ chức một event hay dự án. Các vai trò của một lãnh đạo mà bạn làm luôn được nhà tuyển dụng chú trọng.
Theo DNSG