“Cổ đông lớn” – anh có quyền gì?

Cổ đông nắm giữ trên 35% cổ phần có quyền biểu quyết có thể phủ quyết mọi quyết định tại ĐHCĐ, bất kể quyết định đó đúng hay sai! 

Về mặt nguyên tắc, ở một công ty cổ phần, quyền lợi của mỗi cổ phần biểu quyết là hoàn toàn giống nhau. Cổ đông lớn, có chăng, “số quyền” của họ nhiều hơn các cổ đông nhỏ lẻ khác mà thôi. Để đi đến thống nhất một vấn đề cần biểu quyết, cổ đông lớn sẽ có nhiều phiếu hơn các cổ đông nhỏ lẻ. Quyền lợi của cổ đông lớn, phần nhiều bắt nguồn từ những lần biểu quyết như vậy.
Trước đây, dư luận nóng lên với những hành động mang tính “đặc quyền đặc lợi” của EVN đối với doanh nghiệp thủy điện VSH mà EVN là cổ đông lớn nhất, đồng thời là khách hàng duy nhất. Từ chuyện vay tiền lãi suất thấp, trả chậm đến việc áp đặt giá mua bán điện, EVN đều “nắm đằng chuôi” trong các cuộc thương lượng.
Thế mới thấy, những quyền lợi của cổ đông lớn, tính ra là không hề nhỏ. 
Từ việc phủ quyết
Mùa ĐHCĐ năm nay, không ít cổ đông VNM đã bày tỏ bức xúc và thất vọng trước sự phủ quyết của SCIC đối với kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP dành cho CBCNV công ty. Với lý do chưa thuyết phục lắm mà đại diện SCIC đưa ra, lo sợ tỷ lệ cổ phần của tổ chức này tại VNM bị pha loãng khoảng 1,2%, SCIC đã phủ quyết thành công. 
Từ đó đến nay, không có lý do nào hợp lý hơn được SCIC công bố. Dư luận hosài nghi những động cơ đằng sau quyết định bất ngờ đó của SCIC. Chẳng ai cấm được việc SCIC thực hiện quyền của mình. Nắm giữ 45% cổ phiếu VNM, SCIC đủ sức phủ quyết mà không cần phải đưa ra lý do hay thuyết phục một ai cả. 
Theo Luật doanh nghiệp, một cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ từ 35% vốn điều lệ của công ty có quyền phủ quyết mọi quyết định tại ĐHCĐ, bất chấp quyết định đó đúng hay sai. 
Còn nhớ cách đây 1 năm, tại ĐHCĐ thường niên của VCS, khi 2 Quỹ đầu tư nước ngoài Red River Holdings và Beira Ltd liên kết nắm giữ 36,39% cổ phần, yêu cầu sửa đổi Điều lệ để có một chân trong HĐQT. Vấn đề này bị các cổ đông khác không tán thành. 2 quỹ này đã dùng quyền phủ quyết toàn bộ nội dung HĐQT trình lên, và ĐHCĐ thất bại sau 6 tiếng đồng hồ căng thẳng. 
Đến việc điều chỉnh tờ trình trước thềm Đại hội
Trong phiên họp trước thềm ĐHCĐ, theo nghị quyết HĐQT, sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp của các cổ đông và cổ đông SCIC DQC đã quyết định loại bỏ kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, một trong những nội dung quan trọng mà trước đó HĐQT đã dự kiến trình ĐHCĐ. Nếu mua hết “room”, HQC sẽ phải bỏ ra xung quanh 100 tỷ đồng. Nguồn tiền dự kiến mua cổ phiếu quỹ sẽ được công ty tập trung vào đầu tư thương hiệu, phát triển sản phẩm mới. 
Ai là cổ đông góp ý việc loại bỏ kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, DQC không tiết lộ. Tuy nhiên, nhìn cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này, không ít người nghĩ đến SCIC, cổ đông lớn nhất nắm giữ trên 17% vốn điều lệ của DQC.
Chúng tôi giả sử, kế hoạch được trình ĐHCĐ, thì khả năng phủ quyết của SCIC sẽ thấp đi rất nhiều với chỉ 17% cổ phần có quyền biểu quyết. Về một khía cạnh nào đó, sách lược “phủ quyết sớm” của SCIC đã hoàn toàn thành công.
…và bỏ Đại hội cổ đông
Sáng 9/5/2013, theo kế hoạch, ĐHCĐ thường niên Ngân hàng Đại Á (DaiABank) được tổ chức trọng thể tại Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên, phiên họp đã không được tiến hành khi chỉ có 150 cổ đông tham dự, đại diện 162,6 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ 52,4%, không đủ điều kiện theo quy định.
Đại diện Ban kiểm soát cho biết, sự vắng mặt của các cổ đông sáng nay chủ yếu là các cổ đông lớn và không rõ lý do.
Theo tìm hiểu của phóng viên CafeF, chúng tôi được biết, các vấn đề trọng yếu được các cổ đông quan tâm như vấn đề nhân sự HĐQT, BKS, Ban điều hành không được đưa ra giải quyết, trong khi hiện nay DaiABank chỉ còn 3 thành viên HĐQT, không đủ điều kiện theo luật (tối thiểu là 5), hay vấn đề tái cấu trúc ngân hàng (hợp nhất, sáp nhập), nợ xấu…không được đưa ra trong chương trình nghị sự. 
Như vậy, có thể thấy rằng, bất đồng với HĐQT về nội dung chương trình đại hội, cổ đông lớn ngoài việc yêu cầu sửa đổi chương trình như SCIC đã làm với DQC, còn có một cách khác, đơn giản hơn nhiều, đó là…bỏ ĐHCĐ.
Sự việc tương tự cũng diễn ra với phiên họp ĐHCĐ thường niên 2013 gần đây của Bibica BBC, khi cổ đông lớn là quỹ đầu tư SSI từ chối đăng ký tham gia. Vắng SSI cùng với một vài cổ đông nhỏ lẻ khác, ĐHCĐ thường niên của BBC phải tiến hành tổ chức lại. Nguyên nhân cũng không ngoài việc thống nhất nội dung, chương trình đại hội giữa HĐQT, cổ đông lớn nhất Lotte, SSI và một vài vấn đề khác về thủ tục pháp luật…
Như vậy quyền lực của cổ đông lớn là không thể bàn cãi và các doanh nghiệp không thể “xem thường”.

Theo cafebiz.vn