Bà chủ siêu thị Maximark: “Việc tới tay thì làm”

Làm siêu thị là phải hết sức kiên trì và kỷ luật. Có cả hàng chục ngàn mặt hàng thì chủ siêu thị đều phải biết. Đây là “kỳ công” của bà chủ siêu thị Maximark – Nguyễn Ánh Hồng.

Bà Nguyễn Ánh Hồng

Là người tiên phong làm siêu thị tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn từ năm 1994, bà Nguyễn Ánh Hồng lúc đó cùng chị ruột là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, điều hành siêu thị Citimart ở đường Nguyễn Văn Cừ.
Gần hai năm sau, đầu năm 1996, bà Hồng mở siêu thị Maximark với diện tích rộng hơn ở đường Ba Tháng Hai, quận 10. Và bây giờ, từ quy mô siêu thị, sau vài lần sửa chữa mở rộng, Maximark đã trở thành một trung tâm thương mại bề thế ở quận 10.
Là một trong những siêu thị đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, chuỗi Maximark hiện nay không phát triển mạnh về số lượng (chỉ có hai trung tâm ở Sài Gòn, một ở Cần Thơ, một ở Nha Trang và một ở Cam Ranh), nhưng với hướng đi khác biệt, Maximark là nơi mua sắm ưa thích của nhiều phụ nữ.
Cần mẫn và kỷ luật
* Gần 20 năm xây dựng thương hiệu Maximark, chị tự hào nhất điều gì?
– Tôi tự hào thương hiệu Maximark được đánh giá rất cao, dù không trải rộng.
* Là người đi đầu trong việc thành lập siêu thị, khi đó có khó khăn nào khiến chị muốn chùn bước?
– Không có khó khăn nào làm tôi chùn bước. Đơn giản là đã làm thì cứ cắm đầu cắm cổ làm. Tới chừng nhìn lại, chính mình còn hoảng, sao mình làm kinh khủng vậy mà không biết mệt (cười).
Có lẽ bản năng phụ nữ giúp tôi nhiều trong công việc này: đòi hỏi chi tiết, rất chi tiết và đôi khi vụn vặt. Không có bản năng phụ nữ, tôi nghĩ sẽ không làm được siêu thị như thế đâu!
* Hàng tháng chị phải lo lương cho bao nhiêu nhân viên? Có bao giờ chị bị hụt hơi đến nỗi phải trả lương trễ cho nhân viên?
– Tôi phải lo lương cho trên 1.000 nhân viên mỗi tháng. Tôi chưa trả lương trễ cho nhân viên vì hụt hơi lần nào.
* Trong điều hành siêu thị, điều gì khiến chị nản?
– Nghề làm siêu thị, cái nản là khi mình dễ dãi, bỏ lơ đi là mọi thứ lại quay về khởi điểm. Hình như mọi quy định đều rất dễ bị lãng quên. Nên phải luôn luôn kỷ luật, nghiêm khắc.
* Còn niềm vui?
– Niềm vui là hình như càng ngày khách hàng càng hiểu mình hơn.
Bản năng kinh doanh
* Với lợi thế gia đình – chị ruột là chủ chuỗi siêu thị Citimart, anh ruột là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) – sao gia đình chị không tạo thành group chuỗi siêu thị mạnh để hỗ trợ nhau hoặc mở rộng chuỗi?
– Anh chị em chúng tôi đều thừa hưởng gen kinh doanh của cha – một thương gia có tiếng ở Nha Trang trước và sau năm 1975 – và sự thành công của mỗi người đều có bóng dáng ông. Tuy nhiên, mỗi người chúng tôi có con đường của mình và tôn trọng hướng đi riêng của nhau.
* Vì sao Maximark chỉ dừng lại 2 trung tâm ở Sài Gòn?
– Tìm đất không ra chứ đâu có dừng. Chúng tôi sẽ mở trung tâm thứ ba, nhưng thủ tục kéo quá dài, gần hai năm nay rồi!
* Người ta vẫn đánh giá Maximark là siêu thị rất mạnh về hàng ngoại nhập. Những loại thực phẩm và hàng gia dụng nổi tiếng của nước ngoài đều có ở Maximark. Đó có phải là thế mạnh của Maximark?
– Hàng Việt Nam trong Maximark rất nhiều, thậm chí còn nhiều chủng loại hơn các siêu thị khác. Hàng ngoại chỉ để cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, và tôi thừa nhận Maximark có những mặt hàng lạ và mắc tiền mà siêu thị khác không có.
Tuy nhiên, chúng tôi không có chính sách ưu tiên nhập hàng ngoại. Tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng.
Tôi có niềm vui mang đến hàng lạ và tốt cho khách hàng, kể cả chấp nhận chiết khấu thấp, vì muốn khách hàng có cơ hội sử dụng hàng tốt. Hàng đó bán chậm tôi cũng nhập. 
Mặt hàng nào của Maximark cũng có nhiều nhãn hiệu, có giá từ thấp đến cao cho khách hàng lựa chọn.
Chỉ riêng thuốc lá thì từ trước đến nay chúng tôi chỉ bán một loại thôi, do tôi ghét thuốc lá nên chỉ chọn loại thuốc lá đó có đầu lọc hạn chế sự độc hại cho người sử dụng!
* Kinh nghiệm nhiều năm làm siêu thị, theo chị, hàng Việt Nam còn những hạn chế nào?
– Theo tôi, hàng Việt Nam cần chú ý nhiều hơn về sự ổn định chất lượng. Các doanh nghiệp đừng vì lợi nhuận mà chạy theo thời vụ, rất dễ gặp sự cố, dẫn đến mất uy tín. 
Hàng ngoại chất lượng ổn định hơn và thường liên tục nâng cao chất lượng. Hàng Việt Nam nếu không đủ mạnh thì cố gắng duy trì cái đang có thật tốt và tích lũy để phát triển thêm cái mới.
Trong các trung tâm thương mại, Maximark là nơi dành mặt bằng rộng nhất cho siêu thị, có đủ thứ thực phẩm sơ chế làm các bà nội trợ mê mẩn, đặc biệt là một số loại chè, thức ăn tráng miệng do siêu thị tự nấu. Ngoài ra, hàng gia dụng của Maximark cực kỳ phong phú và nhiều chủng loại.
* Đây có thể coi là sự khác biệt của Maximark?
– Vì tôi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại Maximark từ mô hình siêu thị, nên tôi luôn dành diện tích ưu tiên cho siêu thị.
Từ khi mới thành lập vào năm 1996, Maximark đã chú trọng đến việc sơ chế thực phẩm dành cho các bà nội trợ bận rộn. Chúng tôi có nhà bếp rộng và nhiều nhân viên giàu kinh nghiệm nấu ăn.
Bản thân tôi cũng thích nấu ăn nên có những món tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn cho nhân viên, như món chè trôi nước hương vị Nha Trang với nhân heo quay mà bạn sẽ không tìm thấy ở siêu thị nào khác. Hiện nay, mỗi lần tiếp khách, tôi đều mời khách món bánh hoặc chè do siêu thị nấu và thấy vui khi khách khen ngon.
Tôi cũng là người yêu thích việc trang trí nhà cửa, mê dụng cụ làm bếp… nên rất hứng thú khi xây dựng khu trưng bày hàng gia dụng. Khu vực này ở Maximark luôn có diện tích rộng rãi, với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng để khách thoải mái chọn lựa. Tuy nhiên, khu vực đó vẫn chưa đúng như tôi mơ ước đâu!

Đích thân đánh giá hàng hóa
* Maximark có hơn 30.000 mặt hàng, từ thực phẩm đến phi thực phẩm. Con số này không phải là ít, nhưng chị có một điểm rất lạ là không giao cho nhân viên chọn lựa sản phẩm nhập vào siêu thị mà tự mình tiếp các nhà cung cấp, kể cả việc thử hàng mẫu. Tại sao vậy?
– Cũng có lúc tôi đã từng giao cho nhân viên, nhưng rồi thấy mình tự quyết định chọn hàng thì sẽ nhanh hơn, chính xác hơn và nhất là minh bạch hơn – không sợ hàng lọt vào siêu thị do… được hối lộ!
Khi chọn lựa hàng nhập vào siêu thị, phải có kiến thức về hàng hóa, chưa kể luôn có hàng mới, hàng lạ xuất hiện với giá cao, đòi hỏi quyết định nhanh.
Vậy mà thỉnh thoảng vẫn phát hiện những mặt hàng kém chất lượng hoặc giá cao bất hợp lý không biết từ đâu ra. Vậy là phải tiến hành kiểm tra, xử lý…
Tôi cũng thích vai trò là trung gian giữa nhà cung cấp và khách hàng mua lẻ của siêu thị, bởi tôi cần lắng nghe cả hai bên và trao đổi thông tin để giúp cho nhu cầu của hai bên gặp nhau.
Vì lợi ích của khách hàng, chúng tôi không ngại thử các loại thực phẩm hoặc dùng trước các loại hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, dù đôi lúc cũng ngán ngẩm lắm. Hàng hóa của Việt Nam có những loại thực phẩm và thức uống mang bao bì rất đẹp, nhưng khi mở ra thử thì chất lượng rất kém.
Phải kiểm tra thường xuyên, không chỉ thử một lần lúc mới nhập. Thỉnh thoảng tôi vẫn đột ngột lấy hàng trưng bày trên kệ để cho thử lại hoặc định kỳ cho nhân viên kiểm tra lại chất lượng.
Ngoài ra, việc kiểm tra cơ sở sản xuất cũng phải tiến hành thường xuyên, nhất là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thường ít chú ý đến vấn đề vệ sinh.
Có một cơ sở nước mắm rất có tiếng bán nhiều ở các chuỗi siêu thị lớn, khi chào hàng, chủ cơ sở cứ khoe đang bán doanh số rất cao tại siêu thị khác, nhưng khi nhân viên của tôi đi kiểm tra thì họ ngăn không cho vào cơ sở sản xuất.
Giằng co mãi, cuối cùng họ cho vào xem thì điều kiện an toàn vệ sinh không đảm bảo nên chúng tôi đành không nhập hàng của họ.
Sau nhiều năm trực tiếp đảm nhận vị trí tôi cho là rất quan trọng này, thành quả mà tôi có được là sự tin cậy của khách hàng, nên tôi tiếp tục làm thế.
* Xu thế hiện nay ở một số siêu thị là đặt nhà sản xuất cung ứng hàng hóa dưới nhãn mang tên siêu thị, gọi là hàng nhãn riêng. Có vẻ như việc này đem đến nhiều lợi nhuận hơn. Sao chị không làm vậy ở Maximark?
– Tôi không chắc lợi nhuận sẽ nhiều hơn hay không, nhưng tôi biết chắc chắn là nếu muốn có giá rẻ thì phải hạ chất lượng của sản phẩm xuống. Hiện nay tôi vẫn chưa đủ số lượng cửa hàng để làm hàng thương hiệu riêng.
Khi đến thời điểm, tôi sẽ làm những mặt hàng tiêu dùng cần thiết với chất lượng tốt, ổn định và giá cả hợp lý nhất. Chắc chắn sẽ làm hài lòng khách hàng của mình.
Sống hết lòng
* Trong tương lai, chị tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị hay có dự tính kinh doanh ngành nào khác?
– Vẫn làm siêu thị và phát triển những gì có dính tới siêu thị. Quen rồi thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn.
* Có dự án kinh doanh nào chị mơ ước mà chưa làm được?
– Nói thật nghe, tôi chỉ thích đi chơi chứ có muốn làm đâu mà ước với mơ (cười lớn)!
* Chị quan niệm thế nào về cuộc sống?
– Sống là sống, việc gì tới tay mình thì mình làm, tới tay mình thì mình lo. Sống là sống hết lòng thôi!
* Xin cảm ơn chị!

Theo doanhnhan.net