Có nhiều hạng mục công việc trong một dự án website nói chung và social media nói riêng, mỗi công ty, mỗi quy trình làm việc lại có những tên gọi và mô tả công việc khác nhau cho các vị trí này. Tuy vậy nhìn chung có những hạng mục công việc cơ bản tương ứng với các vị trí công việc quen thuộc mà bạn nên biết.
Product Manager
Nói một cách ngắn gọn, Product Manager là người biến những ý tưởng kinh doanh, những mong muốn về một trang web của người dùng thành hiện thực. Ở một số tổ chức, product manager đóng vai trò như project manager, chịu trách nhiệm về phát triển sản phẩm, định hướng cho sản phẩm từ việc lên kế hoạch cho đến thực hiện, bao gồm từ phát triển web cho đến khai thác lợi nhuận, họ phải làm việc với nhiều team để có một sản phẩm thành công, từ team R&D đến marketing, bán hàng… Ở một số tổ chức khác thì Product Manager chỉ chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm, còn việc kinh doanh khai thác lợi nhuận hay marketing đã có những bộ phận độc lập đảm trách.
Về mặt kỹ thuật, Product Manager dĩ nhiên phải là người am hiểu kỹ thuật để có thể biết phát triển một sản phẩm web thế nào cho phù hợp và có thể quản lý được việc thực hiện sản phẩm đó. Nhưng Product Manager đồng thời phải là người có con mắt của một người làm kinh doanh, phải am hiểu thị trường, thấu hiểu nhu cầu của người dùng mục tiêu và nắm bắt những xu hướng mới để có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng được những kỳ vọng của công ty. Chẳng hạn một công ty ”đặt hàng” Product Manager phát triển một mạng xã hội dành cho các cặp đôi sao cho có thể khai thác lợi nhuận từ chúng thì người Product Manager chính là người liên kết các bộ phận, từ nghiên cứu, phát triển cho đến marketing, kinh doanh, bán hàng để phát triển ra một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và đem được về lợi nhuận công ty.
Nhiều Product Manager ở Việt Nam, do xuất thân là dân kỹ thuật, nên họ thường mắc phải một điểm là can thiệp sâu vào chuyên môn, việc này làm cho họ không có thời gian để nhìn xa hơn và đội ngũ bên dưới bị bào mòn sự sáng tạo. Với mô tả công việc như trên đây, Product Manager cần phải là người am hiểu kỹ thuật nhưng không nên là người dấn thân quá sâu vào các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, họ nên đứng ở vị trí bao quát để hoạch định ra chiến lược phát triển cho một sản phẩm web, những vấn đề có tính chuyên môn đã có đội ngũ chuyên môn đảm trách.
Bussiness Analyst
Đây là người chịu trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất những giải pháp, ý tưởng, tính năng cho một dự án website. Nếu sản phẩm đó đã tồn tại, họ là người xem xét để cải tiến tốt hơn nữa sản phẩm của mình dựa trên các nghiên cứu về người dùng, đối thủ cạnh tranh cùng những tìm tòi nghiên cứu cá nhân về những xu hướng mới. BA phải sát sao cùng người dùng để thấu hiểu họ, làm việc với cấp quản lý để nắm bắt yêu cầu của tổ chức và là cầu nối giữa người dùng và bộ phận kỹ thuật để phát triển những website phù hợp với người dùng nhất. Có thể nói BA là người ”thông dịch” những ý tưởng về sản phẩm cho những người làm kỹ thuật hiện thực hoá chúng.
Theo sát và thấu hiểu người dùng là nhiệm vụ của Business Analyst
Website Development Group
Ở đây Bánh bèo chỉ nêu những vị trí tiêu biểu cần thiết phải có, nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn có thể tham khảo thêm các tài liệu về quy trình thiết kế website. Cũng như bất kỳ một dự án phát triển website nào khác, một dự án social media tối thiểu cần có những vị trí sau trong nhóm phát triển:
-Project Leader, Technical Leader: Là người chịu trách nhiệm quản lý khâu phát triển kỹ thuật của website, từ thiết kế, lập trình, kiểm thử đến vận hành.
-Web designer, User Interface Artist: Từ những yêu cầu được mô tả ban đầu, website được phát triển thành các Wireframe (bản mô tả vị trí, kích thước cho các thành phần trên trang web), sau đó phát triển thành Final Design với giao diện người dùng hoàn chỉnh dưới bàn tay của người thiết kế website.
-Developer, Coder: Sau khi có thiết kế web hoàn chỉnh, website sẽ được chuyển sang cho bộ phận lập trình để biến thành website có thể chạy live được.
-Tester, testing engineer, QC, QA: Sau khi website được hoàn thành thì sẽ chuyển qua bộ phận kiểm chứng sản phẩm, họ đóng vai trò như người dùng, khai thác những lỗi, lỗ hổng… để có thể sửa chữa, khắc phục nhằm đưa đến người dùng cuối cùng (end-user) một sản phẩm website hoàn thiện nhất.
Ngoài ra còn có những người chịu trách nhiệm bảo mật web, phát triển và duy trì hệ thống… là những người nằm sau hậu trường của một website.
Content Creator, Webmaster, Content Manager, Production Team
Một dự án social media, nhất là những trang đặt nhiều trọng tâm vào nội dung, vai trò của người làm Content là hết sức quan trọng. Nhiều dự án Social Media có đội ngũ làm nội dung lên đến cả trăm người. Tuỳ vào tính chất từng website, họ có thể được biết đến với vai trò admin, mod, điều phối việc thảo luận và đăng bài của cộng đồng, họ có thể là những biên tập viên duyệt, tham gia viết tin bài hoặc liên hệ những đầu mối cung cấp tin bài, cũng có thể là những người làm Production, chịu trách nhiệm về những hình ảnh, video… trên trang. Nói chung họ là người làm cho trang Social Media có cái để người ta chịu ghé đọc/ghé xem.
Community Specialist
Nếu như một trang Social Media đặt trọng tâm vào nội dung (content-centric) cần một đội ngũ làm nội dung mạnh như kể trên thì một website đặt trọng tâm vào việc mở rộng network của người dùng (people-centric) sẽ coi trọng vai trò của những người phát triển cộng đồng. Nói ngắn gọn thì họ là người làm mọi biện pháp để xây dựng cộng đồng đông đảo, tập hợp phần lớn những người dùng mục tiêu mà website mong muốn, và khuyến khích được người dùng làm những việc mà mình mong muốn như kết bạn, chia sẻ…
Ngoài việc phát triển cộng đồng, người làm Community còn là người đại diện cho tiếng nói của user. Họ lắng nghe những phản hồi của user về trang, từ đó làm việc với các bộ phận R&D để website được cải thiện, phục vụ cộng đồng tốt hơn.
Marketing Specialist
Là người chịu trách nhiệm quảng bá dự án Social Media rộng rãi để tiếp cận người dùng mục tiêu, người làm marketing sẽ sử dụng những công cụ tương tác với người dùng (Interactive Marketing) như video, hình ảnh, bài viết hay podcast để marketing cho trang.
Ngoài ra, việc marketing cho một dự án Social Media có thể liên quan đến việc sử dụng Email Marketing, Mobile Marketing, Online PR, SEO…, và những công cụ marketing truyền thống như PR, Event (sự kiện), POSM (vật phẩm quảng cáo), OOH (quảng cáo ngoài trời), TVC (quảng cáo truyền hình), PrintAd (quảng cáo báo)…
Theo marketing.24h.com.vn