CEO FPT: “Lỡ” tiêu 1 triệu USD, hãy đứng dậy kiếm nhiều triệu USD

CEO 7X Hoàng Việt Anh được ví như “công thần” của FPTSoftware khi bản thân anh từng “tiêu” hàng triệu USD của FPT gây… hoang mang cho lãnh đạo,

Nhưng sau đó chính anh đã đem lại khoản lãi lớn hoặc kéo về những dự án “nhiều triệu đô” khác cho doanh nghiệp.
CEO Hoàng Việt Anh.
CEO Hoàng Việt Anh sinh năm 1975, đang đảm nhận vai trò Giám đốc đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1) thuộc FPT Software, quản lý gần 1.500 nhân sự hoạt động tại các thị trường như Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương. Bản thân anh cũng là người từng mang về cho FPT Software nhiều dự án triệu đô (như dự án với Petronas – Công ty Dầu khí quốc gia của Malaysia giá trị 6,5 triệu USD), đẩy doanh số của FSU1 chiếm khoảng 37% toàn FPT Software.
Chưa đến 40 tuổi nhưng CEO 7X này đã kịp giắt lưng tới hơn 20 năm lăn lộn trong lĩnh vực CNTT; và đồng hành cùng con số đó là 20 năm Hoàng Việt Anh chỉ “ngụp lặn” ở “ao nhà” FPT (dù rằng đôi lúc cũng chẳng thể tránh khỏi sự “rung rinh” bởi những lời mời hấp dẫn từ doanh nghiệp khác – theo như lời anh nói).
“Tháng 10/1993, khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa, nghe bạn bè bảo làm việc ở FPT có máy tính, được thực tập thỏa sức và… chơi game miễn phí, thế là tôi liền nộp đơn xin việc”, CEO Hoàng Việt Anh chia sẻ về cái nguyên cớ quan trọng khiến anh quyết “đặt cược” sự nghiệp vào FPT.
Giắt lưng ngành học lập trình sau khi rời Bách khoa, Hoàng Việt Anh đã có được 7 năm đầu tiên ở FPT làm đúng nghề. Đến năm 1999, khi FPT quyết định tấn công vào mặt trận xuất khẩu phần mềm thì nhân viên lập trình “ham chơi” này khi đó cũng mạnh dạn thi tuyển, rồi lọt vào đội nhân sự nòng cốt đầu tiên của FPT Software.
“Học kỹ thuật nhảy sang làm trái ngành là kinh doanh dịch vụ phần mềm, khó khăn và bỡ ngỡ rất nhiều. Tôi đã phải tự học gần như tất cả, từ kỹ năng mềm rồi kỹ thuật Sales, không được đào tạo bài bản nên phải tích lũy, học hỏi từ những người đi trước”, CEO Hoàng Việt Anh trải lòng.
Khi được hỏi về thực tế hiện nay là nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp ngành CNTT, ngoại thương… đã loay hoay với câu chuyện khởi nghiệp bằng chính ngành đã học, hoặc nhảy sang xây dựng sự nghiệp kinh doanh trái nghề, CEO Hoàng Việt Anh cho rằng khi làm trái nghề, các bạn trẻ cần xem xét đến thực lực, cẩn trọng trong từng bước đi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Bởi không giống như kỳ vọng của một sinh viên với tầm nhìn từ ghế giảng đường. Một quyết định sai lầm khi không đủ thực lực sẽ phải đánh đổi lớn, thậm chí trả giá đắt.
Từ 20 năm nếm mật và nằm gai cùng FPT, CEO Hoàng Việt Anh chia sẻ hai câu chuyện thất bại mà anh nói là “sẽ nhớ suốt đời”.
Thất bại thứ nhất là thời điểm năm 1999 – 2000, khi FPT quyết định xuất khẩu phần mềm, thực hiện chiến lược toàn cầu hóa. Khi ấy, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã có quyết định táo bạo là điều quân sang thị trường khắc nghiệt Hoa Kỳ.
Dù đã lường trước mọi khó khăn, thế nhưng không may cho FPT, thời điểm Tập đoàn sôi sục “chinh chiến” lại rơi vào đúng vệt khủng hoảng Dotcom đang kéo dài vài năm trời, lan rộng với sự suy sụp, thất bại lớn về tài chính của hàng loạt công ty Internet tên tuổi trên thế giới. Đen đủi hơn, Mỹ lại chính là cái rốn của cuộc khủng hoảng. Chưa hết, cuộc khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 cũng khiến cho toàn bộ kế hoạch hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ của FPT đóng băng. “Quả thực là thời điểm đó chúng tôi rất nản. Bản thân tôi có tới 6 – 7 năm làm việc cho công ty, hoạt động trong nước đang rất thuận lợi với nhiều khách hàng lớn… Vậy mà trên đất Mỹ, anh em phải chịu cảnh ngồi không”, CEO Hoàng Việt Anh nhớ lại.
Thất bại thứ hai là vào năm 2010. Sau 10 năm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của Tập đoàn, cũng “đánh Đông dẹp Bắc” với nhiều dự án triệu đô thì năm đó FPT có dự án làm với một ngân hàng lớn thuộc Top 25 ngân hàng lớn trên toàn cầu, có hệ thống chi nhánh trải khắp Châu Mỹ, Châu Âu, Úc và Châu Á. Đồng thời anh được giao nhiệm vụ thành lập nhà máy Global Notes Compete xây dựng sản phẩm cho các công ty lớn trên thế giới.
Tự tin với kinh nghiệm của mình “kiểu gì cũng chiến” được, FPT đã lập một đội quân với số lượng lên tới 350 lập trình viên để thực hiện dự án. Thế nhưng, từ chỗ tưởng “ngon ăn”, FPT Software đã phải đối mặt với thực tế gần 350 con người không làm ra được sản phẩm cho khách hàng như mong muốn. Kết quả là trong vòng 14 tháng công ty đã thua lỗ gần 2 triệu USD.
Trong hoàn cảnh bết bát đó, lãnh đạo Tập đoàn đã hỏi ngay vị CEO 7X này về chuyện: Tồn tại hay không tồn tại, bản thân anh có đủ năng lực để đảm nhận trọng trách phát triển dự án hay không?
Đau đầu để tìm cho ra bằng được hướng đi. Cũng may mắn là lãnh đạo FPT đã chọn nước cờ táo bạo: Tiếp tục cho vị CEO “tiêu tiền đáng nể” này có được cơ hội sửa sai. “Và sau nhiều nỗ lực của anh em FSU1 thì hết năm 2012 chúng tôi đã bù được lỗ và sau đó thu được khoảng 1 triệu USD tiền lãi. Còn năm 2013, số lãi chắc chắn vượt hơn rất nhiều”, CEO Hoàng Việt Anh hào hứng.
Từ chính câu chuyện từng trải của bản thân, CEO Hoàng Việt Anh nhấn mạnh các bạn sinh viên cần liên tục học hỏi về chuyên môn cũng như các kỹ năng “mềm” trong cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm từ sự cọ xát với thực tế… để làm hành trang cho sự nghiệp. Trong đó, hãy học cách biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, cho dù đó là những thất bại nặng nề.
“Ở góc độ nhà tuyển dụng, chúng tôi luôn muốn nhìn thấy ở ứng viên sự tự tin thể hiện quyết tâm. Làm kinh doanh hiện nay, kỹ năng chuyên môn rất quan trọng song những kỹ năng mềm như khả năng trình bày, giao tiếp, biết chia sẻ cũng quan trọng chẳng kém, nhất là với ứng viên sẽ ra nước ngoài “chinh chiến” lại luôn cần sự chủ động, chuyên nghiệp và sáng tạo”, CEO Hoàng Việt Anh nói.

Theo tapchikinhdoanh24h.com