Mặc cảm tội lỗi khi đi xin việc

Theo một cuộc điều tra, việc phải đi phỏng vấn đã đứng đầu danh sách những điều khó chịu nhất mà người ta phải trải qua, trên cả việc mua bảo hiểm nhân thọ, kiểm tra tuyến tiền liệt và cái chết. Tại sao phỏng vấn lại bị nhìn nhận tiêu cực đến vậy?

Đó là vì sự mặc cảm tội lỗi. Chúng ta cảm thấy cắn rứt về tất cả những gì mình đã nói dối để có được công việc. Nhưng “đấu trường” việc làm không cho chúng ta một sự lựa chọn nào khác. Hoặc là ganh đua, hoặc là thất nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải nói với nhà tuyển dụng điều họ muốn nghe, nếu không ứng viên tiếp theo sẽ làm thế. Có một vài ví dụ để bạn tham khảo.
Hỏi: Tại sao bạn lại bỏ công việc trước đây?
Trả lời: Tôi cảm thấy đã đến lúc tìm kiếm một thách thức lớn hơn với một công ty triển vọng hơn.
Sự thực: Họ phát hiện ra tôi đã đánh cắp các vật dụng văn phòng đủ để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ.
Hỏi: Điều gì ở công việc hiện tại gây cho bạn niềm hứng khởi?
Trả lời: Cơ hội tìm kiếm những cách thức hiệu quả hơn và kinh tế hơn để công ty tôi tiến hành các hoạt động kinh doanh và đảm bảo rằng công ty sẽ luôn dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh.
Sự thực: Mấy nữ nhân viên văn phòng xinh xắn hấp dẫn và cả những buổi chiều cuối tuần ăn chơi, nhậu nhẹt tới bến cùng các đồng nghiệp nam.
Hỏi: Bạn đã học được gì từ những sai lầm của mình?
Trả lời: Mỗi một sự thụt lùi là một kinh nghiệm đáng ghi nhớ vốn luôn mang lại cho tôi những ý tưởng làm việc hiệu quả và năng suất hơn.
Sự thực: Sẽ không hay ho chút nào khi cố ngồi lên máy in và nhấn nút trong lúc sếp đang đưa các nhà đầu tư tiềm năng đi thăm quan văn phòng.
Hỏi: Bạn làm việc như thế nào khi phải chịu áp lực?
Trả lời: Tôi thực sự hứng thú với áp lực và cảm thấy làm việc với hiệu quả tối đa trong hoàn cảnh đó. Chính áp lực đã thúc đẩy tôi suy nghĩ sáng suốt nhất, giúp tôi hoàn thành công việc nhanh chóng và thường gây ngạc nhiên cho chính tôi và các đồng nghiệp khi đưa ra những cách giải quyết độc đáo cho các vấn đề khó.
Sự thực: Một lần, khi tôi đang phải điền thông tin vào bảng biểu, có hai cuộc điện thoại đến cùng một lúc và tôi đã bối rối đến mức muốn khóc.
Hỏi: Tại sao bạn lại tìm kiếm công việc ở công ty này?
Trả lời: Sau quá trình tìm hiểu sâu rộng, tôi thấy rằng công ty này đang bắt đầu những dự án mới về công nghệ thông tin và tôi thực sự mong muốn có được cơ hội để đóng góp vào thành công đầu tiên của công ty.
Sự thực: 75 công ty mà tôi đã liên hệ trước công ty này thậm chí còn không thèm phỏng vấn tôi.
Hỏi: Bạn nhận thấy mình ở đâu 5 năm sau?
Trả lời: Tại công ty này, ở một vị trí với trách nhiệm lớn hơn, đó là góp phần vạch ra các chiến lược và chính sách đảm bảo cho các thành công tiếp theo cũng như sự duy trì vị trí dẫn đầu của công ty trong cộng đồng doanh nghiệp.
Sự thực: Đang loay hoay ở đâu đó tìm một công việc mới.
Hỏi: Điều gì thúc đẩy bạn nỗ lực tối đa?
Trả lời: Niềm đam mê thực sự đối với công việc này, một khát khao cháy bỏng được trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực này, và một thực tế rằng tôi là một người ham công tiếc việc, chỉ thấy hạnh phúc khi được phục vụ công ty cũng như các mục đích của công ty.
Sự thực: Lời cảnh báo: “Anh có hai ngày để thay đổi, hoặc sẽ bị tống cổ ra khỏi đây trước khi anh kịp quay đầu lại”.
Hỏi: Bạn có thể nói gì về bản thân?
Trả lời: Một người cầu toàn, tháo vát và luôn làm việc có mục đích.
Sự thực: Tinh tế ở mức tối thiểu.

Theo FabJob