Băn khoăn của những người thất nghiệp

Ròng rã 6 tháng trời nay bạn lăn lộn đi xin việc mà vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ nhà tuyển dụng (NTD), hoặc bạn đã đến dự phỏng vấn nhưng sau đó lại bị lãng quên ngay.
Hãy thử trả lời 9 câu hỏi sau nhé:
1. Bạn có chủ động tìm kiếm thông tin không?
Để mở rộng cơ hội tìm việc, bạn cần chủ động gặp gỡ bạn bè và người thân và nói cho họ biết (càng nhiều người càng tốt) rằng bạn đang tìm việc. Vì các công ty rất thường tuyển dụng nhân viên, biết đâu bạn bè người thân bạn đang công tác ở những công ty đó. Họ sẽ sẵn sàng nói cho bạn biết khi có cơ hội phù hợp với bạn.
2. Bạn có giới hạn việc tìm kiếm không?
Có phải bạn chỉ phụ thuộc vào quảng cáo trên báo? Bạn có biết các website việc làm là một kênh tiện ích mang đến cho bạn hàng ngàn cơ hội việc làm? Hãy khai thác tối đa các phương tiện này. Để tối đa hóa hiệu quả tìm việc, bạn hãy kết hợp các hình thức “săn” việc khác nhau: qua các website việc làm, quảng cáo trên báo, trên TV, các dịch vụ “săn đầu người”, qua bạn bè giới thiệu…
3. Bạn có nhắm đến các công ty cần đến khả năng và thế mạnh của mình?
Hãy chắc rằng bạn hiểu thấu đáo về công việc bạn muốn tìm để xây dựng danh sách các nhà tuyển dụng phù hợp với bạn. Dựa vào những tiêu chuẩn tìm kiếm khác nhau, bạn sẽ nhắm đến các công ty mà bạn thực sự muốn làm việc, những công ty có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực của bạn.
4. Bạn có dành đủ thời gian để tìm việc không?
Nhiều chuyên gia tin rằng bản thân quá trình tìm việc là một công việc toàn thời gian. Nếu bạn đang đi học hoặc đi làm, thời gian tìm việc của bạn có thể bị giới hạn ở chừng mực nào đó. Để đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên đầu tư nhiều thời gian.
5. Bạn có liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi gửi hồ sơ tìm việc không?
Thực tế cho thấy những người chủ động liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi gửi hồ sơ tìm việc có nhiều khả năng được mời phỏng vấn hơn.
6. Kỹ năng trả lời phỏng vấn của bạn như thế nào?
Bạn không thành công khi đi phỏng vấn có thể vì kỹ năng trả lời phỏng vấn của bạn chưa đạt và cần được trau dồi thêm. Hãy nhờ một người bạn đóng vai là phỏng vấn viên và phê bình cách trả lời phỏng vấn của bạn. Tốt hơn hết là hãy nhờ một người có chuyên môn trong ngành nghề của bạn.
7. Chất lượng hồ sơ của bạn có tốt không?
Nhiều người nộp đơn dự tuyển mà không biết mình mắc rất nhiều lỗi trong hồ sơ khiến cho người phỏng vấn bực mình và không ngần ngại quẳng hồ sơ của họ vào sọt rác. Hãy kiểm tra xem hồ sơ của bạn đã đạt yêu cầu chưa.
8. Bạn có gửi thư cám ơn sau khi được phỏng vấn?
Hãy viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian quý báu để bạn tìm hiểu thêm về công ty và có những kinh nghiệm phỏng vấn bổ ích. Điều này còn cho thấy bạn có tôn trọng người tuyển dụng và quan tâm đến vị trí đang ứng tuyển. Đây cũng là cơ hội để bạn nêu bật những thành tích đã quên đề cập trong buổi phỏng vấn trước.
9. Bạn có tìm hiểu mình phạm sai lầm gì không?
Sau buổi phỏng vấn không thành công, bạn có liên lạc lại và khéo léo hỏi NTD xem bạn đã phạm sai lầm gì, hoặc bạn có thể cải thiện như thế nào? Phần lớn NTD sẽ không trả lời thẳng với bạn nhưng thỉnh thoảng vẫn có NTD sẵn sàng chia sẻ điều đó với bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên cho NTD biết bạn rất thích làm việc với công ty họ. Trong trường hợp ứng viên được tuyển không nhận lời làm việc của NTD, có thể NTD sẽ mời bạn vào làm việc cho công ty vì bạn chỉ thua “một chín một mười” so với ứng viên từ chối trên.

Theo Vietnamwork