Thiên tài hay kẻ phá hoại?

Nhà đầu tư tài chính vĩ đại nhất lịch sử, kẻ đầu cơ tiền vĩ đại nhất thế kỷ 20, anh hùng và tội đồ của thế giới, người làm khuynh đảo thị trường tài chính toàn cầu… là những danh hiệu được mọi người đặt cho George Soros – nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản, nhà kinh doanh đầy cá tính và là cái tên đã trở nên hết sức quen thuộc với Phố Wall.
Tên tuổi của George Soros được biết đến nhiều nhất trên thị trường tài chính thế giới qua vụ đầu cơ đồng bảng Anh vào năm 1992. Vào ngày Thứ tư Đen tối (Black Wednesday) 16/9/1992, George Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, và kiếm lợi từ việc Ngân hàng Trung ương Anh do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác trong Tổ chức sử dụng chung cơ chế tỷ giá châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.
Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. George Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh “kẻ phá hoại Ngân hàng Trung ương Anh”. Những người thân cận của George Soros có lần tiết lộ, khi thấy những điểm yếu của đồng bảng trong thời điểm đó, George Soros đã hối thúc những người dưới quyền tận dụng lợi thế của mình chuẩn bị cho cuộc “tấn công” vào đồng tiền này.
Mùa hè năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á, George Soros một lần nữa “đánh” đồng tiền của các quốc gia, trong đó khu vực Đông Nam Á rơi vào tầm ngắm. Bắt đầu từ Thái Lan, cuộc khủng hoảng theo hiệu ứng đôminô nhanh chóng lan ra toàn châu Á trong nhiều tháng tiếp theo và như một kết quả tất yếu, các thị trường chứng khoán tại châu Á tụt dốc nhanh chóng. Quỹ đầu cơ của George Soros bị cáo buộc đã gây áp lực lên các đồng tiền để hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược đầu cơ vào đồng tiền đó.
George Soros phản bác các cáo buộc và nói rằng quỹ của ông đơn thuần kiếm lợi từ chính những yếu kém của hệ thống tài chính thế giới mà ai cũng biết. Chiến lược đầu tư của quỹ này được dựa trên phân tích về các xu hướng kinh tế vĩ mô đang diễn ra hoặc được nhận định sớm diễn ra tại một số nước.
Nạn nhân tiếp theo của George Soros bị ảnh hưởng bởi dây chuyền khủng hoảng kinh tế châu Á chính là Mỹ. Đợt sóng khủng hoảng này đã tràn đến Phố Wall vào tháng 10/1997 và đã gây tâm lý lo ngại sẽ kéo theo một loạt sự sụp đổ các thị trường tài chính trên toàn cầu nên đã làm dấy lên làn sóng bán cổ phiếu tại Mỹ vào ngày 27/10. Cũng vào ngày hôm đó, chỉ số Dow Jones đạt một mức kỷ lục mới khi rớt 554,26 điểm, phá vỡ mức kỷ lục của “Ngày thứ hai đen tối” ở Mỹ vào năm 1987.
Danh sách các nạn nhân của George Soros vẫn được kéo dài ra cho đến nay, trong đó có nước Nga trong cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8/1998 khi giới đầu cơ quốc tế tấn công vào đồng rúp. George Soros đã đưa ra những lời bình luận không có lợi khiến ngay trong giờ đầu tiên của một phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nga đã tụt 12% và 5 ngày sau, đồng rúp đã mất tới 25% giá trị.
Những sự kiện trên khiến George Soros được biết đến như một nhà đầu cơ tiền mặt “vĩ đại” nhất của thế kỷ 20. Phố Wall và các thị trường tài chính toàn cầu chú ý đến George Soros bởi họ cho rằng ông là nhân vật số một trong giới tài chính của thế giới, là một người có khả năng “một tay che cả bầu trời” khi ông có thể làm mất giá bất kỳ đồng tiền nào hay gây ra khủng hoảng kinh tế chỉ với một vài nhận định về thị trường hay một hành động đầu tư một loại chứng khoán, đồng tiền nào đó. 
Có hai luồng ý kiến trái ngược đánh giá về George Soros. Một bên coi ông là một thiên tài về kinh doanh tài chính; một bên nhìn ông như kẻ phá hoại nền kinh tế và đồng tiền của các quốc gia. Ông thường xuyên trở thành nhân vật bị cáo buộc là có liên quan hoặc là thủ phạm gây ra các cuộc khủng hoảng hay các bất ổn về kinh tế – tài chính đối với những quốc gia mà ông từng đi qua, đã từng đầu tư vào…
Giới phân tích thì cho rằng, George Soros là nhà đầu cơ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của ông mang tính trục lợi rất cao, đầu tư những khoản tiền lớn nhưng mang nhiều tính đánh bạc trên cơ sở những biến động của thị trường tài chính toàn cầu.

Theo Hồng Hạnh