CEO chiết “vàng” từ đất

Không cần phải đi đâu xa, doanh nghiệp có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với niềm tin vào tay nghề, quyết tâm đổi mới và sự ủng hộ của bà con nông dân.
Câu chuyện của những doanh nghiệp tư nhân gắn bó với nghề nông và quyết tâm làm giàu bằng công sức, sự sáng tạo của mình chứng tỏ còn rất nhiều lợi thế nông nghiệp đang chờ người biết khai thác.
Trước khi bước vào ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Long (ảnh bên), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Cảnh là một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực khai khoáng.
Một lần tại Paris, khi mời người bạn đi ăn, ông ngỡ ngàng với đĩa rau muống có giá 16 euro. Qua tìm hiểu ông Long nhận ra, giá trị cây rau được nâng lên chỉ khi canh tác bằng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Với thực tế này, khi về nước ông ấp ủ ước mơ làm giàu bằng rau sạch. Ông đích thân tìm hiểu chương trình trồng rau an toàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, quyết tìm cách cùng bà con trồng rau sao cho đạt quy trình rau sạch và tìm đầu ra ổn định.
Cái khó của ông Long không phải là xây dựng quy trình sản xuất rau sạch mà là thuyết phục người nông dân thực hiện chương trình này. Ông thường xuyên phải lặn lội với bà con trên cánh đồng rau. “Mình hiểu nông dân và làm đúng những cam kết thì không cần ký hợp đồng, bà con cũng theo mình tới cùng”, ông nói.
Vào vụ, nông dân thu hoạch bao nhiêu rau, ông mua hết chứ không chọn lựa. Ngay cả lúc thị trường không hút hàng hay giá rau giảm, ông vẫn mua đúng giá đã cam kết.
Hiện nay Hương Cảnh đầu tư cho nông dân bình quân 8 triệu đồng một ha, bao gồm máy xới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tủ thuốc gia đình và mua sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 5-15%.
Nhờ cách làm bài bản trên, sản phẩm của công ty hiện xuất khẩu sang 9 nước châu Âu và châu Á với khoảng 100 tấn mỗi tuần (giá bình quân 3,9 USD một kg), đồng thời được phân phối vào hệ thống siêu thị Metro, Co.opMart, Maximark… khoảng 150 tấn hàng ngày.
Trường hợp khác là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ngọc Long, bà Võ Hồng Nga lại tự nhận mình chỉ “học lỏm” nghề nuôi trồng thủy sản.
Bà Nga làm việc trong xí nghiệp dược của nhà nước giữa thập niên 1980, sau đó chuyển qua mảng xây dựng, kinh doanh vận tải. Ít nhất hai lần bà bị trắng tay vì bị bạn hàng, đối tác bất tín.
Thất bại có lúc khiến bà muốn buông xuôi, nhưng là con người ham việc, dành dụm được ít tiền, bà mua 12.000m2 đất phèn ở Củ Chi. Một lần tình cờ, bà gặp một cán bộ nông nghiệp của TP.HCM, ông đã gợi ý cho bà nuôi cá sấu. Tìm hiểu, thấy con cá sấu dễ nuôi, lại có giá trị cao, bà nuôi thử 50 con.
Cứ 3 giờ sáng, lặn lội hơn 30km, bà có mặt ở chợ cá Chánh Hưng mua thức ăn cho cá sấu. Tích tiểu thành đại, cho đến năm thứ tư đàn cá sấu của bà đã lên đến cả nghìn con, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều bà con vùng đất Củ Chi.
Thừa thắng, bà còn đào ao nuôi cá chình bông vì tưởng rằng, cá chình cũng dễ nuôi như cá sấu. Bà đầu tư gần trăm triệu đồng mua cá giống về thả, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chúng bị chết quá nửa.
Không nản chí, bà tìm sách kỹ thuật, tìm hỏi các chuyên gia thủy-hải sản về cách nuôi cá chình. Bà tự làm thí nghiệm bằng cách cho xây ba hồ xi măng thả cá giống vào nuôi trong môi trường nước, thức ăn khác nhau, từ đó quan sát, ghi chép kỹ lưỡng từng giai đoạn phát triển của con cá chình để tìm ra kỹ thuật nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, bà Nga còn tự cung cấp thức ăn cho cá bằng cách nuôi trùn quế kết hợp nuôi bò sữa. Bà giải thích: “Sữa để bán, phân bò dùng nuôi trùn quế, vừa tiết kiệm vừa không làm ô nhiễm môi trường. Dinh dưỡng trong con trùn quế rất cao, dùng làm thức ăn dặm cho cá chình. Cá lớn nhanh, thịt ngon”.
Việc xuất khẩu sang nước ngoài bắt đầu từ năm 2008 khi bà gặp một đoàn doanh nghiệp người Hàn Quốc sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Sau khi thăm trại nuôi của bà tại Củ Chi và tham vấn khả năng cung cấp, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đặt thử một chuyến hàng với số lượng một tấn cá chình.
Chuyến thử nghiệm không ngờ thành công, sản phẩm được tiêu thụ hết rất nhanh và những hợp đồng tiếp theo chính thức đến với bà. Hiện nay, mỗi năm, bà Võ Hồng Nga xuất khẩu 2.000 con cá sấu thịt và 400 tấn cá chình bông sang Hàn Quốc.
Tham vọng lớn hơn của bà là xây dựng xong khu trại mới ở xã Phú Hòa Đông, để tạo chu trình khép kín từ ấp trứng, nuôi cá sấu lấy thịt, da và cá sấu sinh sản.
Anh Phạm Hoàng Thắng, chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng lại làm giàu nhờ gắn bó và đáp ứng nhu cầu của nông dân khi cho ra đời các dụng cụ sạ lúa gieo hạt thẳng hàng, máy đập liên hợp…
Con đường lập nghiệp của anh Thắng cũng truân chuyên. Từ một công nhân học nghề làm đồ nhựa, làm sắt tại Chợ Lớn, anh chập chững mua máy móc, sản xuất đồ chơi bằng nhựa, sau đó là xe ba bánh hiệu Con Thỏ, xe tập đi, xe ngồi ăn cho trẻ em…
Riêng xe ba bánh bán chạy nên có doanh nghiệp Đài Loan đặt hàng mấy container nhưng rồi “chôm” luôn mẫu mã, kiểu dáng.
Anh kể: “Tôi không kiện ai được vì không biết để đăng ký bản quyền. Quá chán nản, tôi bỏ Chợ Lớn về quê ở Phụng Hiệp làm ruộng. Ông chú tôi có một máy sạ lúa giống, mọi chi tiết đều bằng sắt. Khi kéo, bùn bắn lên bít lỗ sạ khiến công việc trở nên năng nhọc. Tôi chợt nghĩ phải làm gì đó để thay thế”.
Anh lên Sài Gòn mua vật liệu làm khuôn đúc bánh xe rồi gia nhiệt hạt nhựa, ép vào để có loại bánh xe như mình muốn. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng anhcungx cho ra đời máy gieo hạt hoàn chỉnh.
Trên đường đưa máy về quê, khi dỡ từ xe đò xuống, anh Thắng chia sẻ lúc đó có một người đàn ông đến hỏi thăm, sau này mới biết là ông Ba Tâm, chủ tịch huyện.
Ông Tâm khi đó bảo rằng, thử nghiệm máy mà chạy ổn định, anh hãy bán cho huyện Long Mỹ bốn cái để nông dân dùng thử. Nếu thật sự hiệu quả, huyện mua 500 chiếc phân phối cho bà con.
Vụ Đông-Xuân 2000-2001, máy sạ lúa mang nhãn hiệu Hoàng Thắng đã được bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long đón nhận, Phạm Hoàng Thắng mở xưởng sản xuất tại Thốt Nốt thay vì làm ở Sài Gòn để vừa tiết kiệm trong vận chuyển, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu tại chỗ.
Khi nhu cầu máy sạ lúa vừa tăng, Phạm Hoàng Thắng ngay lập tức đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Anh tâm sự đã học được nhiều điều lắm, nhất là phải biết bảo vệ những phát minh của mình.
Hoàng Thắng còn làm thêm máy phun thuốc trừ sâu khi thấy năm 2004, tỉnh Đồng Tháp có nhiều nông dân bị ngộ độc do phun xịt thuốc. Một năm bình quân anh bán 20.000 máy sạ lúa và máy phun thuốc trừ sâu. Không chỉ bán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, anh Thắng còn bán máy cho cả thị trường miền Bắc và Campuchia.
Tích lũy được ít vốn, Hoàng Thắng bắt đầu nghiên cứu sản xuất máy gặt đập liên hợp. Anh kể: “Tôi khó làm nổi cái máy phức tạp này nếu không có sự giúp sức của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là của Phó Viện trưởng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chính.
Thầy Chính đã dẫn tôi đi tham quan nhà máy sản xuất máy nông cụ Vinapro ở Biên Hòa, cùng tôi tháo rời một số máy gặt đập có trên thị trường để nghiên cứu và cũng chính Viện Lúa mua chiếc máy gặt đập đầu tiên của tôi”. Đến cuối năm 2012, anh đã xuất xưởng được 30 chiếc máy loại này.
Hai mươi năm gắn bó với nông dân, Phạm Hoàng Thắng đã đem đến ba loại máy nông nghiệp thông dụng với giá vừa túi tiền. Chính những người nông dân cũng làm cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nông thôn. Theo anh, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.

Theo marketingchienluoc